Học sinh ở xã này phải qua xã khác học
H.Bình Chánh là một trong những địa phương chịu sức ép đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học cao của TPHCM. Việc xây mới trường, lớp chưa theo kịp đà tăng dân số nên thường quá tải học sinh. Trong đó, Vĩnh Lộc A là xã đông dân nhất H.Bình Chánh và cả TPHCM với gần 170.000 người.
Bà Lại Thị Bích Trâm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - cho biết dân số tăng nhanh, số trẻ trong độ tuổi đến trường cũng tăng cao nhưng toàn xã chỉ có hai trường THCS. Theo thống kê, năm học 2022-2023, xã Vĩnh Lộc A có hơn 1.800 học sinh chuyển từ cấp tiểu học lên THCS nhưng hai trường THCS của xã là Vĩnh Lộc A và Đồng Đen chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng hơn 1.000 em nên UBND huyện có phương án bố trí gần 800 em sang học ở các trường THCS của xã Vĩnh Lộc B.
Tuy nhiên, sau khi nhiều phụ huynh phản ứng về những bất tiện trong việc đưa đón học sinh khi đi học khác xã, UBND huyện đã yêu cầu tận dụng các phòng bộ môn, phòng chức năng cũng như gia cố lại hệ thống phòng tạm của hai trường THCS tại xã Vĩnh Lộc A để tăng thêm số phòng học. Như vậy, hai trường THCS ở xã Vĩnh Lộc A sẽ tiếp nhận 33 lớp với hơn 1.500 học sinh và 360 học sinh vẫn phải sang các trường THCS ở xã Vĩnh Lộc B.
Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Q.Bình Tân - cũng cho biết một số phường gặp khó khăn trong việc bố trí lớp cho học sinh tiểu học và THCS. P.Bình Trị Đông A có hơn 1.000 trẻ học tiểu học nhưng chỉ có một trường tiểu học, tiếp nhận được khoảng 300 em. Hơn 700 em còn lại phải “dạt” sang các phường, xã lân cận để học. P.Bình Trị Đông B chưa có trường THCS nên học sinh cũng phải học ở các phường khác. Năm 2021 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (P.An Lạc A) được khánh thành đã phần nào chia sẻ áp lực tiếp nhận học sinh đầu cấp của quận.
|
Một lớp học của học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh, P.5, Q.8 - Ảnh: Hoàng Hùng |
Cũng theo ông Ngô Văn Tuyên, việc trường tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (trường tư thục) đi vào hoạt động từ tháng 6/2022 phần nào giúp giảm áp lực tuyển sinh cho khối trường công: “Hệ thống trường công lập và tư thục của quận cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 10.600 học sinh của quận, nhưng sĩ số mỗi lớp ở các bậc học đều cao, trung bình 41-42 em/lớp, có lớp lên 45-46 em”.
Theo bà Lê Thị Thu Sương - Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình - công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hiện đại của cấp THCS và công tác kiểm định các trường mầm non gặp khó khăn do sĩ số học sinh quá cao. Hầu hết cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được tiêu chí 35 học sinh/lớp ở tiểu học và học hai buổi/ngày ở bậc THCS. Các phường 14, 15 chưa có trường THCS nên gặp khó khăn trong việc phân tuyến vào lớp Sáu. Năm 2022-2023, quận có gần 5.500 học sinh năm tuổi vào lớp Lá, gần 6.500 học sinh vào lớp Một và hơn 6.100 học sinh vào lớp Sáu nhưng khối công lập chỉ có 24 trường mầm non, 26 trường tiểu học và 13 trường THCS. Theo tính toán, sĩ số học sinh bậc tiểu học và THCS khoảng 45-46 em/lớp.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, toàn thành phố tăng gần 21.900 học sinh (công lập tăng hơn 15.300, ngoài công lập tăng gần 6.600 học sinh). Trong đó, tăng nhiều nhất là bậc THCS (tăng gần 13.700 học sinh), kế đến là bậc THPT, mầm non. Các địa phương có học sinh tăng nhiều là TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh do đô thị hóa nhanh.
Thiếu giáo viên và trang thiết bị
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp Ba, Bảy và Mười. Ở lớp Ba, môn tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp Mười, môn nghệ thuật (gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật) là môn học tự chọn. Do đó, nhiều trường đang lo thiếu giáo viên và trang thiết bị để dạy theo chương trình mới.
Cô Lại Thị Hồng Phụng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Gò Xoài (xã Bình Lợi, H.Bình Chánh) - cho hay trường đang thiếu khoảng bảy giáo viên, được tuyển bổ sung hai người nên vẫn còn thiếu năm giáo viên dạy các môn sinh học, công nghệ điện, tin học. Việc hợp đồng thuê giáo viên vừa tốn kinh phí, vừa khó do trường ở xa trung tâm huyện, quy mô trường lớp nhỏ. Nhà trường tạm thời thỉnh giảng những thầy cô ở các trường lân cận và bố trí lịch học phù hợp với giáo viên thỉnh giảng.
|
Nhà trường, phụ huynh đều mong muốn giảm sĩ số học sinh trong lớp (trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, TPHCM) Ảnh: Hoàng Hùng |
Bên cạnh đó, theo cô Hồng Phụng, nhiều dãy lớp học bị xuống cấp nặng nhưng trường chưa có kinh phí để sửa chữa lớn. Do nằm ở nơi trũng thấp nên những năm trước, trường thường xuyên bị ngập nước. “Việc triển khai chương trình mới đòi hỏi nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, như phòng bộ môn khoa học tự nhiên, phòng thí nghiệm, nhưng trường chưa thể đầu tư được. Kinh phí hạn chế nên hè này, trường chỉ nâng được sân trường để giảm ngập và sửa chữa nhỏ các phòng hư hỏng” - cô Hồng Phụng nói.
Thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.12) - cũng cho biết trường đang thiếu một số giáo viên môn tiếng Anh, thể dục, mỹ thuật và đang chờ kế hoạch tuyển dụng của quận.
Nhiều trường THPT ở TPHCM cũng thiếu giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật lớp Mười. Trường THPT Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật và tin học, đã lên phương án thuê giáo viên hợp đồng nhưng gặp khó khăn về kinh phí do phải lấy từ nguồn thu của trường. Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) cũng thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật và không tìm được giáo viên dạy các môn này. Trong năm học mới, trường có thể chưa giảng dạy các môn nghệ thuật mà chỉ tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu như thanh nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật cho học sinh.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, toàn ngành tuyển dụng 386 viên chức (gồm 296 giáo viên và 90 nhân viên) cho 105 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc chưa được phân cấp tuyển dụng. Toàn thành phố cần tuyển dụng 18 giáo viên môn âm nhạc, 12 giáo viên môn mỹ thuật cho 89 trường nhưng qua sơ tuyển vòng 1, chỉ có bốn ứng viên dự tuyển môn âm nhạc, không có ứng viên nào dự tuyển môn mỹ thuật.
Chưa có quy hoạch đón đầu Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng tình trạng quá tải trường lớp và thiếu hụt giáo viên gần như năm nào cũng xảy ra là do chưa có quy hoạch đón đầu mà luôn chạy theo sau thực tế. Do đó, đối với cơ sở trường lớp, cần làm tốt công tác điều tra dân số, dự báo số lượng học sinh các cấp lớp cho từng giai đoạn và từng khu vực. Chẳng hạn, đối với các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao, chính quyền địa phương phải dự báo được trong ngắn, trung và dài hạn sẽ có bao nhiêu học sinh đến tuổi đi học và tương ứng với quy mô bao nhiêu trường, lớp. Trên cơ sở đó, có quy hoạch hệ thống trường công lập, trường ngoài công lập phù hợp với các nhóm đối tượng. Để làm được như vậy, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho giáo dục một cách hợp lý. Bên cạnh đó, cần các chính sách thu hút xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa, nghiên cứu giải pháp tạo sự bình đẳng và cạnh tranh công bằng giữa trường công lập và tư thục. Đối với vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, cần phải có quy hoạch, tính toán nguồn nhân lực cho ngành sư phạm một cách hiệu quả. Mỗi địa phương nắm rõ nhất về thực trạng giáo viên do mình quản lý, trong đó thừa, thiếu bao nhiêu, thừa, thiếu những môn học gì. “Địa phương phải là nơi thống kê, dự báo và đặt hàng đối với các trường cao đẳng, đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho từng giai đoạn. Còn như hiện nay, các trường đào tạo chỉ tiêu và chuyên ngành nhiều khi không phù hợp với nhu cầu thực tế, nên có thể dẫn đến môn không có nhu cầu thì thừa giáo viên, còn môn đang cần thì lại không có giáo viên”, ông nói thêm. |
Tiến độ mở rộng, nâng cấp, xây mới trường, lớp còn chậm Ông Phạm Đăng Khoa - Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 - cho biết vừa qua, Trường THCS Lương Thế Vinh đưa vào hoạt động cơ sở 2 rộng hơn 2.190m2, gồm tòa nhà năm tầng với 32 phòng học, bảy phòng chức năng và các phòng làm việc, giúp giải tỏa áp lực rất lớn cho phường 10 - nơi tập trung đông dân cư, nhưng trước đó chưa có trường THCS. Dự kiến trong tháng Tám này, Trường mầm non Q.3 (P.Võ Thị Sáu) cũng đi vào hoạt động. Theo ông, tiến độ mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới trường học còn chậm. Diện tích các trường mầm non còn nhỏ hẹp, một số trường còn nhiều điểm nhỏ, lẻ. Một số trường tiểu học cũng có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng chức năng. Sự phân bố trường THCS ở quận không đồng đều, cụm phường 3, 9, 13 vẫn chưa có trường THCS. UBND quận đang có kế hoạch xây mới và thành lập thêm một số trường tiểu học, THCS ở những khu vực đông dân cư, cải tạo và sáp nhập một số trường mầm non. Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, Bình Tân là một trong những quận đông dân nhất TPHCM, dân số tăng bình quân mỗi năm từ 28.000-35.000 người. Đến nay, dân số của quận trên 800.000 người. UBND quận đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 48 trường học các cấp với 1.072 phòng học từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Trong đó, có một số dự án đã được phê duyệt thiết kế, đang chờ bố trí vốn và giải phóng mặt bằng để khởi công. Đối với H.Bình Chánh, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các trường THCS Vĩnh Lộc A, tiểu học Tân Kiên, mầm non Vĩnh Lộc A. Dự án xây dựng Trường THCS Vĩnh Lộc A được điều chỉnh vốn đầu tư từ 139 tỷ đồng lên 186 tỷ đồng. Dự án xây dựng Trường tiểu học Tân Kiên được điều chỉnh vốn từ 100 tỷ đồng lên 138 tỷ đồng. Dự án xây dựng Trường mầm non Vĩnh Lộc A tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên gần 100 tỷ đồng. |
Minh Linh