Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - thông tin, sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố có thể áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, HAWA đã khảo sát 50 doanh nghiệp (DN) - trong đó có 9 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
 |
Nếu Mỹ áp thuế đối ứng 46% sẽ tác động lớn đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nên nhà nước cần có các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn - Ảnh: Hoa Lài (chụp tại Công ty May mặc DONY ở TPHCM) |
Kết quả, có 52% DN có thị trường chủ lực là Mỹ. Khi phía Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46%, đã có khách hàng ở Mỹ thông báo ngừng đặt hàng, một số yêu cầu dừng xuất khẩu hoặc hoãn giao hàng, một số yêu cầu giảm giá sản phẩm. Nếu mức thuế trên được áp dụng thì các sản phẩm của Việt Nam chắc chắn mất lợi thế cạnh tranh với hàng của Thái Lan, Malaysia, Mexico.
Khảo sát một số nhà nhập khẩu của Mỹ, HAWA nhận được phản hồi: nếu mức thuế đối ứng 46% được áp dụng, họ phải tăng giá bán lên 10% trong vòng 3-5 tháng hoặc thậm chí cao hơn trong thời gian dài để bù đắp chi phí thuế. Một số đơn vị sẽ tạm dừng đặt hàng hoặc cắt giảm ít nhất 50% đơn hàng nếu mức thuế này không giảm và họ sẽ chuyển đơn hàng sang các nước như Mexico, Philippines, Campuchia, Brazil để tránh mức thuế cao.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, một số chủ DN Việt Nam cho biết, để ứng phó với việc áp mức thuế cao của Mỹ, họ sẽ chuyển hướng vào thị trường nội địa, mở rộng các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada và tìm cách giảm chi phí sản xuất. Những DN đang phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ thì vẫn chờ đợi thông tin chính thức từ Chính phủ hoặc phản hồi từ khách hàng. Ông nhận xét: “Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là hướng đi tất yếu, có thể thực hiện ngay, nhưng riêng việc giảm chi phí và tăng năng suất thì cần có thời gian và sự đầu tư”.
Theo đề xuất của các DN ngành gỗ, Chính phủ cần đàm phán với Mỹ để có mức thuế thấp và có lộ trình giảm thuế hợp lý để DN thích ứng. Nên giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Mỹ và các sản phẩm gỗ có thuế suất cao (5 - 25%). Chính phủ và các ban ngành nên có kênh cung cấp thông tin nhanh, chính xác về các chính sách thuế, mức thuế cho từng mã, mức độ tác động, các động thái ứng phó của Chính phủ để DN nắm; tổ chức hướng dẫn, tư vấn pháp lý và thương mại cho những đơn hàng đang giao, chưa giao để bảo vệ quyền lợi, giảm rủi ro cho DN; hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá, tìm kiếm thị trường thay thế thị trường Mỹ.
Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM - cho rằng, chính quyền TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm 2025, nhưng nếu ngành dệt may - chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu - vấp phải rào cản thuế 46% từ Mỹ, đà tăng trưởng sẽ lung lay từ gốc. DN không ngại chuyển đổi, nhưng không thể tự xoay xở. Trong ngắn hạn, nên thành lập tổ điều phối liên ngành cấp Chính phủ cho ngành dệt may giống như tổ công tác đặc biệt thời COVID-19 để chủ động phản ứng trước mọi kịch bản; nên giãn thuế VAT, thuế thu nhập DN, hoãn nợ vay cho các DN xuất khẩu bị ảnh hưởng. Song song đó, cần xây dựng thương hiệu “made in Vietnam” có chiều sâu (tự chủ nguyên phụ liệu), gấp rút xây dựng trung tâm thời trang TPHCM để làm đầu tàu đổi mới, sáng tạo và phát triển thương hiệu Việt.
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cho rằng, có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TPHCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ: nếu thuế suất đối ứng vẫn giữ ở mức 46%, tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM chỉ trong khoảng 4,63 - 5,75% do những ngành trọng điểm như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ mất một nửa thị phần ở Mỹ và nhiều DN phải đóng cửa; nếu mức thuế suất giảm còn 25%, tăng trưởng GRDP sẽ khoảng 6,23 - 7,35% do DN kịp thích nghi một phần, tỉ giá và lạm phát tương đối ổn định nhờ dòng vốn FDI vẫn duy trì; nếu căng thẳng thương mại được tháo gỡ sớm, mức thuế suất là 5 - 15% thì tăng trưởng GRDP đạt 7,37 - 8,49% nhờ xuất khẩu sang Mỹ thuận lợi và DN còn có thêm những thị trường khác.
 |
Công nhân Công ty cổ phần Sài Gòn Food (TPHCM) chế biến nhiều loại thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu - Ảnh: Hoa Lài |
Theo ông Phạm Bình An, cần áp dụng 4 nhóm giải pháp để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Thứ nhất, cần đàm phán để giảm thuế đối ứng từ 46% xuống còn 18 - 25% thông qua các chính sách nhượng bộ như giảm thuế nhập khẩu tối đa đối với hàng hóa từ Mỹ, khuyến khích tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ; tăng cường kiểm soát “gian lận xuất xứ” mà trọng tâm là siết chặt hàng chuyển từ các nước thứ ba qua Việt Nam; tạo điều kiện để các DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam, giúp tăng lượng nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ một cách gián tiếp, giảm thâm hụt thương mại 2 nước; tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng xuất khẩu sang EU; mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để vừa tận dụng hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada, vừa mở kênh xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ.
Thứ hai, nên xem xét bãi bỏ các quy định về cấm nhập khẩu một số loại hàng hóa mà DN Mỹ có mối quan tâm đặc biệt như phụ tùng xe cộ, sản phẩm công nghệ thông tin, động cơ đốt trong đã qua sử dụng, thiết bị y tế tân trang... Nhanh chóng phê duyệt các cơ sở mới của Mỹ đủ điều kiện xuất khẩu các phụ phẩm nội tạng động vật sang Việt Nam (đã bị tạm dừng từ năm 2013).
Thứ ba, nên nghiên cứu mở rộng không gian kinh tế TPHCM như mạng lưới phân phối, logistics để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và các nước lân cận; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư quy mô lớn, tháo gỡ những vướng mắc của các dự án phát triển đô thị quy mô lớn; nghiên cứu chính sách để phát triển TPHCM thành trung tâm tiêu dùng của cả nước và quốc tế, đầu mối xuất nhập khẩu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; có chính sách đột phá để liên kết du lịch, thương mại, kết hợp với các chương trình khuyến mãi quy mô lớn để giúp tăng doanh thu bán lẻ; xem xét giảm thuế, hỗ trợ lãi suất cho DN.
Thứ tư, cần cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện khả năng tiếp cận vốn để thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ DN tư nhân tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thanh Hoa
“Với các DN có đơn hàng bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Mỹ, Chính phủ nên hỗ trợ tài chính, như có gói vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập DN, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhanh hơn”. Ông Nguyễn Chánh Phương |
5 mặt hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của DN TPHCM qua cảng với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,4 tỉ USD vào năm 2024. Ông cho hay, trong 24 mặt hàng được xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ, có 5 mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Mỹ áp mức thuế đối ứng 46%, gồm dệt may và giày dép chiếm 21% giá trị xuất khẩu, đồ gỗ và nội thất chiếm 8%, thủy sản chiếm 2%, điện tử và linh kiện chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu. Trong ngắn hạn, DN có thể phải giảm mạnh lượng hàng xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu để tránh thua lỗ. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang Mỹ trong quý II và quý III/2025 sẽ giảm. Nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, các đối tác Mỹ có thể hoãn hoặc hủy đơn hàng do lo thuế làm giá tăng cao. Trong dài hạn, người lao động sẽ thất nghiệp, giảm giờ làm, làm giảm sức tiêu dùng; tăng trưởng xuất khẩu của TPHCM có thể chững lại, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc áp thuế khiến biên độ lợi nhuận của DN bị thu hẹp đột ngột, hàng tồn kho tăng cao dẫn đến nguy cơ thua lỗ, phá sản. Nhà cung cấp phụ liệu, dịch vụ logistics cũng mất đơn hàng dây chuyền. Vị thế của TPHCM trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị tác động trong ngắn hạn và trung hạn. Trong 1-2 tháng tới, có thể DN Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng từ Việt Nam do chưa tìm ngay được thị trường thay thế. “Đây là cơ hội mà các DN của TPHCM cần tận dụng triệt để” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói. |
Thúc đẩy đầu tư công, kích thích tiêu dùng nội địa Để tăng trưởng 2 con số, chính quyền TPHCM cần thúc đẩy đầu tư công. Chỉ có đầu tư công mới kích thích các hoạt động kinh tế trong nước, tạo ra sự tăng trưởng. Nghị quyết 98 của Quốc hội trên thực tế vẫn chưa thật sự phát huy được sự tự chủ của chính quyền TPHCM, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM tương đương TP Hà Nội, nhằm tăng nguồn lực đầu tư công và khơi thông các dự án quan trọng. Đồng thời, cần trao quyền tự chủ mạnh hơn để tránh tình trạng “vừa làm, vừa dò”. Hiện tại, chi phí logistics - đặc biệt là trong khâu vận chuyển - vẫn còn rất cao, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh. Vì vậy, cần có những thay đổi trong lĩnh vực logistics và đặc biệt là giao thông của TPHCM thông qua việc kêu gọi đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.  Bên cạnh đầu tư công, yếu tố không kém phần quan trọng là kích thích tiêu dùng nội địa. Có thể tham khảo cách làm của các nước khác, như Trung Quốc. Có nhiều cách để kích thích tiêu dùng nội địa, trong đó có việc tuyên truyền, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; các DN cũng xem lại khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng khi tiêu thụ hàng trong nước. Nếu chất lượng tương đương và giá cả cạnh tranh, người Việt Nam sẽ ưu tiên mua hàng Việt. Mục tiêu tăng trưởng sẽ khó đạt được nếu đầu tư công và tiêu dùng nội địa không được cải thiện.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền Xuất khẩu có thể gặp một số khó khăn do tình hình thị trường thế giới và chiến tranh thương mại nhưng nó sẽ không giảm đáng kể trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng, bởi vì giá trị gia tăng của xuất khẩu cả nước chỉ ở mức 30 - 35% tổng kim ngạch.  Chúng ta đang kỳ vọng vào tổng đầu tư xã hội, trong đó có đầu tư công. Chính quyền TPHCM đang nỗ lực giải quyết 2 nút thắt lớn về thể chế và hạ tầng. Trong tương lai gần, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ được triển khai, bao gồm mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, các tuyến đường vành đai huyết mạch và các tuyến đường cao tốc kết nối vùng. Việc khơi thông những điểm nghẽn này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng GRDP, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số của thành phố. Trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ nên mạnh dạn phân cấp, phân quyền, giúp chính quyền TPHCM có dư địa chính sách để huy động nguồn lực, chủ động trong phát triển, từ đó mới đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Còn nếu cứ chậm trễ trong cơ chế phân cấp, phân quyền thì khó giúp mỗi địa phương tạo ra sự phát triển đột phá.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TPHCM Chính phủ và doanh nghiệp phải hành động Chính phủ cần kiên định, chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ, tăng cường đối thoại, đàm phán qua các kênh; sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ như tăng nhập khẩu từ Mỹ, giảm thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ Mỹ; có chính sách hỗ trợ DN, ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ; kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước, giữ mặt trận xuất khẩu; cơ cấu lại nền kinh tế, tăng nội lực, tính tự chủ, tự lực, tự cường. 
Các DN nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình, bộ máy; nắm bắt các xu hướng lớn chuyển đổi kép, xanh hóa và số hóa để xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nâng cao năng lực cạnh tranh gồm cả quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, tỉ giá, pháp lý; minh bạch về xuất xứ hàng hóa, mức độ trung chuyển, gian lận thương mại; đáp ứng yêu cầu xanh hóa, tiêu chuẩn môi trường; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Singapore… Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV Hoa Lài - Mộc Miên (ghi) |