TPHCM vẫn chưa có tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7, 10

20/09/2022 - 13:38

PNO - Giáo dục địa phương là môn học mới của Chương trình phổ thông 2018, nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa có tài liệu cho các lớp 7, 10.

 

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - chủ trì buổi khảo sát.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì buổi khảo sát

Sáng 20/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2022.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM cho biết, công tác lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình mới tại TPHCM được thực hiện đầy đủ quy trình như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Riêng với tài liệu môn Giáo dục địa phương, từ năm 2020, sở đã tổ chức biên soạn, lấy ý kiến các sở, ngành để hoàn thiện cấu trúc nội dung cho từng cấp học theo yêu cầu của chương trình mới, đồng thời gắn với lịch sử phát triển của thành phố.

Đối với các cấp lớp 1, 2, 3, 6, tài liệu Giáo dục địa phương đã được phê duyệt, nhưng sở không có chức năng in ấn, phát hành nên đã có văn bản đề xuất Bộ GD-ĐT hướng dẫn phương án thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được phản hồi. Do đó, kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn pháp lý cụ thể và chặt chẽ để các địa phương chủ động in ấn và phát hành tài liệu Giáo dục địa phương. Đối với tài liệu cho lớp 7, 10, hiện đã hoàn thành biên soạn trình hội đồng thẩm định, phê duyệt. Sau khi được UBND TP phê duyệt sẽ báo cáo về Bộ GD-ĐT.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, số lượng giáo viên tiểu học trong và ngoài công lập toàn thành phố hiện nay có 24.849 giáo viên trên tổng số 32.146 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp hiện là 1,36 chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học. Số giáo viên tiểu học đạt chuẩn đào tạo, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 83%, trong đó công lập đạt 74%. Số giáo viên chưa đạt chuẩn là vấn đề mà các đơn vị cần quan tâm trong thời gian tới.

Sở sẽ phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán tiểu học, Học viện Quản lý Giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cốt cán. Đồng thời, chủ động liên kết với Trường đại học Sư phạm TPHCM, Trường đại học Sài Gòn tổ chức các lớp bồi dưỡng để đảm bảo điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đánh giá nhìn chung, TPHCM đã triển khai thực hiện tốt 2 Nghị quyết về đổi mới sách giáo khoa. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, học sinh phải học online, nhưng thành phố vẫn tổ chức tốt việc triển khai chương trình mới. Cho nên, sau khi hết dịch thì đa phần các em vẫn đạt yêu cầu cơ bản và ngành giáo dục đã có giải pháp bổ sung để đảm bảo chất lượng cho lứa học sinh học online. Bên cạnh giải pháp bổ sung nguồn giáo viên mới, ngành Giáo dục cần phải có giải pháp và lộ trình nâng chuẩn giáo viên hiện hữu để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

"Một trong những giải pháp chưa thấy ngành Giáo dục nhắc đến là thu nhập của giáo viên. Mặt bằng chung thu nhập của thầy cô còn thấp, nếu thời gian qua TPHCM không triển khai Nghị quyết 03 về thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức thì có lẽ khó có thể biết được số lượng giáo viên nghỉ việc sẽ đến mức nào. Do đó, ngành Giáo dục cần chủ động tham mưu tăng thêm thu nhập cho giáo viên để họ sống được, ổn định cuộc sống và toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp trồng người”, bà Văn Thị Bạch Tuyết nói.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI