Học sinh đầu cấp giảm ở nhiều quận
Tới thời điểm hiện tại, tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức ở TPHCM đã công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Điều đặc biệt là năm nay, nhiều địa phương lâu nay được xem là “điểm nóng” mỗi mùa tuyển sinh lại ghi nhận tình trạng học sinh đầu cấp giảm. Điển hình là TP Thủ Đức giảm tới 7.730 học sinh ở cả 3 cấp học (so với năm học 2023-2024). Trong đó, trẻ 5 tuổi vào lớp lá dự kiến có 12.732 em, giảm hơn 3.463 em; lớp Một có 17.464 em, giảm 744 em; học sinh vào lớp Sáu là 16.703, giảm 3.523 em.
Tiếp đó, quận Tân Phú cũng ghi nhận giảm khoảng 1.500 học sinh vào lớp Sáu; quận Bình Tân giảm 164 học sinh vào lớp Một, quận 5 giảm hơn 150 học sinh vào lớp Một… Đây cũng là năm hiếm hoi những quận này ghi nhận tình trạng học sinh đầu cấp giảm sau nhiều năm liên tục tăng mạnh. Theo một số quận, lý do học sinh giảm do ảnh hưởng của năm sinh (nhiều người sinh con chọn năm sinh đẹp hoặc xấu theo quan niệm); các gia đình chuyển con về quê học hoặc chuyển chỗ ở...
|
Nhiều trường tiểu học ở quận 12 phải dạy 1 buổi/ngày và học cả vào thứ Bảy như: Lê Văn Thọ, Kim Đồng, Nguyễn Trãi, Trần Quang Cơ, Võ Văn Tần, Phạm Văn Chiêu… (Ảnh chụp ở Trường tiểu học Lê Văn Thọ) |
Dù vậy, đại diện các địa phương cho biết, tuy học sinh giảm nhưng áp lực trường, lớp vẫn không “hạ nhiệt”. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết tuyển sinh đầu cấp không quá căng thẳng nhưng lại xảy ra tình trạng học sinh tăng - giảm cục bộ từng phường. Có phường giảm nhiều nhưng lại có phường tăng mạnh khiến các trường ở những phường đông dân phải “gánh” số lượng học sinh lớn. “Khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có tỉ lệ học sinh biến động, trồi sụt không ổn định. Học sinh những khu vực này chủ yếu là con em công nhân, lao động phổ thông, cha mẹ thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở - chỗ học của con nên việc sắp xếp trường lớp, chỗ học gặp khó khăn” - ông nói.
Còn ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân - thì cho rằng, con số giảm quá ít nên không tác động nhiều đến “bài toán” tuyển sinh của quận. Trong khi đó, bậc mầm non vẫn tăng 2.045 trẻ, bậc THCS tăng 1.574 học sinh khiến quận chịu áp lực lớn về sĩ số học sinh/lớp cũng như tỉ lệ học sinh 2 buổi/ngày. Ông nói thêm: “Năm học 2023-2024, quận Bình Tân có 2 phường gặp khó khăn trong việc bố trí chỗ học do không đủ trường tiểu học và trường THCS. Phường Bình Trị Đông A có 970 trẻ vào lớp Một nhưng chỉ có một trường tiểu học. Trường này chỉ đủ khả năng nhận 288 học sinh, số còn lại phải đến các trường tiểu học ngoài phường để học. Cấp THCS thì phường Bình Hưng Hòa B có 4 trường tiểu học nhưng chỉ có 2 trường THCS nên khả năng tiếp nhận học sinh vào lớp Sáu chỉ được một nửa. Hiện các trường ở phường này đang trong tình trạng quá tải, học sinh lớp Năm ra trường phải học xa nhà”.
Tương tự, ở quận Tân Phú, tổng số học sinh bậc THCS trong năm học tới vẫn cao hơn so với năm học 2023-2024 do số học sinh lớp Chín ra trường thấp hơn so với số lớp Sáu vào. Trong khi đó, số trường lớp xây mới ít, khiến các trường THCS gặp khó khăn khi thực hiện chương trình mới.
Tỉ lệ 2 buổi/ngày thấp, học sinh học cả vào thứ Bảy
Thứ Bảy hằng tuần, trong khi hầu hết học sinh tiểu học ở TPHCM được nghỉ học thì nhiều trường tiểu học ở quận 12 vẫn dạy và học bình thường. Đây là một trong những địa phương có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp nhất TPHCM, sĩ số lớp rất cao, nhiều trường lên đến khoảng 50 học sinh/lớp.
“Cả mẹ và con đều quen rồi”, chị Hoàng Thị Lan - có con học lớp Hai tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) - nói. 2 năm nay, từ khi con vào học tiểu học, chị Lan buộc phải chuyển từ làm công nhân sang giúp việc theo giờ để chủ động giờ đưa đón con. Bởi con chị và tất cả học sinh trường này đều chỉ học 1 buổi/ngày, học luôn ngày thứ Bảy. Theo bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ - mỗi năm trường nhận tới 18-20 lớp Một với gần 1.000 học sinh. Trường hiện có tới 4.340 học sinh với tổng cộng 91 lớp nhưng chỉ có 45 phòng học nên tất cả học sinh đều chỉ được học 1 buổi/ngày. Để bảo đảm chương trình mới, các em phải học thêm một buổi vào thứ Bảy. Đây là 1 trong 2 trường có số lượng học sinh đông nhất TPHCM.
Ngoài trường này, quận 12 còn rất nhiều trường tiểu học khác đều phải dạy 1 buổi/ngày và học cả vào thứ Bảy như: Kim Đồng, Nguyễn Trãi, Trần Quang Cơ, Võ Văn Tần, Phạm Văn Chiêu… Theo ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 - năm học 2024-2025, quận không có thêm trường mới nên vẫn chịu áp lực sĩ số, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày rất thấp. Dự kiến năm tới, tỉ lệ học 2 buổi/ngày bậc tiểu học là 30%, sĩ số trung bình từ 40-50 học sinh/lớp, còn tỉ lệ 2 buổi/ngày bậc THCS là 22% và sĩ số khoảng 45 học sinh/lớp.
Còn ở quận Bình Tân, theo ông Ngô Văn Tuyên, vào năm học 2024-2025, áp lực về giải quyết chỗ học cho học sinh phần nào được giải tỏa nhờ có 7 trường học công lập được đưa vào hoạt động. Trong đó có 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS với tổng cộng 204 phòng học. 7 dự án mới này đã giúp tỉ lệ học 2 buổi/ngày (so với năm học 2023-2024) ở bậc tiểu học tăng 12%, từ 55% lên 67%; bậc THCS tăng 5%, từ 44% lên 49%.
Tuy học sinh giảm khá nhiều nhưng theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, tổng số học sinh toàn TP Thủ Đức vẫn rất đông, còn nhiều trường chưa thể thực hiện cho 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, mà chỉ đảm bảo 6-8 buổi/tuần. Hiện có khoảng 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.
Năm học này TP Thủ Đức sẽ có thêm 4 trường học mới, đồng thời thành phố đang đẩy nhanh xây dựng các dự án trường, lớp. Từ đây đến năm 2025, Thủ Đức có 22 dự án xây dựng mới và cải tạo. Khi hoàn thành, những dự án này sẽ phần nào giải quyết được tình trạng thiếu trường, lớp hiện nay.
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, thành phố đang đẩy nhanh tốc độ thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học. Theo kế hoạch, đến nay có 2 công trình đã hoàn thành và dự kiến có khoảng 12 công trình trường học đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để có thể kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025. Trong đó, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6) có quy mô lớn nhất với 40 phòng học và các khối phòng chức năng phụ trợ đã hoàn thành vào đầu năm 2024. Vài năm tới, hàng loạt trường mới được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết áp lực của thành phố về chỗ học cho học sinh, tạo môi trường học tập đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trường lớp. |
Tìm nhiều phương án sắp xếp chỗ học cho học sinh Nói về giải pháp sắp xếp chỗ học cho học sinh năm học tới, bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) - trăn trở: “Quận giao trường nhận 20 lớp Một trong khi chỉ có 19 lớp Năm ra trường. Nếu học sinh vào học đủ 20 lớp, trường sẽ thiếu một phòng học nên chúng tôi đang đau đầu, tính toán nhiều phương án. Bất đắc dĩ, trường phải dẹp bớt một phòng tin học để lấy chỗ học cho các em. Nhưng nếu dẹp bớt thì cả trường hơn 90 lớp học chỉ còn một phòng tin học, trong khi tin học là môn học bắt buộc từ lớp Ba. Có thể các em sẽ phải học thêm tin học vào Chủ nhật, hoặc trường phải dồn học sinh vào 19 lớp, như vậy sĩ số học sinh thay vì 45 em sẽ tăng lên 54-55 em/lớp”. Tuy nhiên, bà cho biết đây chỉ là phương án dự phòng. Bà vẫn hy vọng học sinh lớp Một sẽ không vào đủ 20 lớp vì thực tế hằng năm, số học sinh không vào đủ so với dự kiến. Lý giải về tình trạng học sinh đông, bà cho hay do trường nằm ở trung tâm quận và cũng gần khu công nghiệp nên con em công nhân đông. Năm nay, trường nhận toàn bộ học sinh của phường Tân Thới Hiệp và một phần của phường Tân Hiệp Thành. |
Nguyễn Loan