TPHCM ứng dụng khoa học công nghệ cao nhất trong tổ chức thực hiện quy hoạch

28/12/2023 - 15:26

PNO - Sáng 28/12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị cuối kỳ lấy ý kiến cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nhìn nhận, TPHCM có vai trò rất lớn trong vùng Đông Nam bộ vì đây là vùng động lực phát triển. Do đó, cần làm rõ hơn vị trí toàn cầu của TPHCM trong quá trình phát triển. “TPHCM cần được quy hoạch như một trung tâm kinh tế của vùng, một trung tâm thu hút đầu tư, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm về khoa học công nghệ và điểm đến du lịch trọng yếu của vùng” - ông nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định quy hoạch chung TPHCM rất quan trọng - Ảnh: N.T
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định quy hoạch chung TPHCM rất quan trọng - Ảnh: N.T

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, quy hoạch chung TPHCM rất quan trọng, không chỉ đối với TPHCM mà cho cả vùng và sự phát triển của cả nước. Do đó phải làm khẩn trương nhưng cũng cần đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học và khả thi cao.

“Lần này, TPHCM mong các chuyên gia, sở, ngành và đặc biệt là tổ tư vấn giúp thành phố xác định rõ để “động đến đâu", "mở đến đâu" để mở được không gian phát triển, tạo động lực mới phát triển, nhưng cũng phải khả thi để tránh lúng túng trong tổ chức triển khai về sau" - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Ông nhấn mạnh, TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng cao nhất có thể trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và triển khai quy hoạch sắp tới. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

TPHCM cần ứng dụng khoa học công nghệ cao nhất vào quy hoạch - Ảnh: Bích Trần
TPHCM cần ứng dụng khoa học công nghệ cao nhất vào quy hoạch - Ảnh: Bích Trần

Tại dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 đã nêu một số giải pháp kết nối TPHCM với các đô thị lớn của vùng. Cụ thể là xây dựng các trục từ TPHCM kết nối với các đô thị lớn trong vùng; hình thành các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 3, Vành đai 4; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

Ngoài ra, tập trung mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung. Xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Về kết nối giao thông, TPHCM sẽ kéo dài trục động lực phía nam song song với quốc lộ 50 và kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang. Đồng thời, bổ sung tuyến kết nối với sân bay Long Thành từ trung tâm thành phố qua cầu Phú Mỹ 2. Bổ sung kết nối về phía đông với Đồng Nai đến quốc lộ 20 để giảm tải cho quốc lộ 1 và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Về đường sắt, kết nối đường sắt TPHCM - Cần Thơ với TPHCM - Nha Trang thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội - Vành đai 2. Trong tương lai, đoạn tuyến Hòa Hưng - Bình Triệu - An Bình chuyển thành đường sắt đô thị.

Khuê Lâm 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI