TPHCM: Trường tiểu học tự “xoay sở” kinh phí chi trả giáo viên

24/03/2022 - 17:12

PNO - Không được thu phí buổi 2 chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trường tiểu học TPHCM đang tự “xoay sở” để chi trả cho giáo viên, trong khi kinh phí cấp về eo hẹp.

Các trường phải tự “xoay sở” 

Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP. Thủ Đức - cho biết, theo quy định phí dạy buổi 2 chương trình GDPT 2018 nhà trường không được phép thu mà chỉ được thu với các khối lớp đang thực hiện chương trình hiện hành. Trong khi thực tế, giáo viên tiểu học dạy 2 buổi hiện nay rất vất vả, vừa dạy trực tiếp, trực tuyến, vừa phòng chống dịch, sĩ số học sinh tiểu học lại đông. 

“Việc thu phí buổi 2 rất khó khăn. Phòng GD-ĐT TP. Thủ Đức đang lấy ý kiến phu huynh, trình UBND TP. Thủ Đức mức thu, trong đó có mức thu cho buổi 2 với các khối lớp chương trình mới”, bà Thu Hiền nói.

Trường tiểu học đang gặp khó về kinh phí chi trả giáo viên dạy buổi 2 chương trình GDPT 2018
Trường tiểu học đang gặp khó về kinh phí chi trả giáo viên dạy buổi 2 chương trình GDPT 2018

Tương tự, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò vấp Trịnh Vĩnh Thanh thẳng thắn, các cơ sở giáo dục đang phải tự xoay sở kinh phí chi trả buổi 2 cho giáo viên dạy các khối lớp thực hiện chương trình GDPT 2018, trong khi ngân sách hiện giờ cấp cho ngành giáo dục đang bị co hẹp lại.

“Sở GD-ĐT cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tham mưu với UBND TP sớm có câu trả lời cho cơ sở giáo dục có được phép thu buổi 2 hay không. Nếu không được phép thu thì cần phải có quy định rõ số tiết nào thì thuộc trách nhiệm dạy, tiết nào thuộc chương trình nhà trường để trường tiến hành thu theo cơ chế thu thoả thuận với phụ huynh học sinh, từ đó gỡ khó phần nào cho các nhà trường”, ông Trịnh Vĩnh Thanh kiến nghị.

Cần quan tâm thêm sức khoẻ học sinh hậu COVID

Ông Nguyễn Thành Văn - Trưởng phòng GD-ĐT Q.10 - cho biết thời gian qua ông nhận được rất nhiều phản ánh của phụ huynh học sinh về việc mắt các em bị ảnh hưởng sau thời gian học trực tuyến kéo dài.

Ngoài ra, việc học sinh được hỗ trợ máy tính, điện thoại để phục vụ việc học trong dịch COVID-19 là cực kỳ cần thiết, tuy nhiên thực tế có nhiều trường hợp các em “cự, cãi lại ba mẹ khi bị ba mẹ cấm chơi điện thoại, máy tính”.

“Ngành giáo dục cần phải có thêm những quan tâm đến sức khoẻ hậu COVID-19 của học sinh. Sở GD-ĐT có thể thiết kế các bài tập về mắt chính thống để nhà trường, giáo viên hướng dẫn các em luyện tập, nâng cao thể lực của mắt. Cạnh đó, cũng cần phải có thêm phương pháp hỗ trợ phụ huynh trong việc quản lý sử dụng điện thoại, máy tính một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Thành Văn đề xuất.

Liên quan đến đặc thù của năm học đặc biệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh bày tỏ thêm băn khoăn về “cách thức ứng xử” với một bộ phận học sinh tiểu học trong năm học này không tham gia học trực tiếp, thậm chí phụ huynh không cho đến trường để tham dự kiểm tra trực tiếp. 

Cần quan tâm thêm hơn nữa về sức khoẻ học sinh hậu COVID
Cần quan tâm thêm hơn nữa về sức khoẻ học sinh hậu COVID-19

“Theo quy định của UBND TP, việc đi học trực tiếp hiện nay dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, khi các em nghỉ nhiều, không tham gia vào kỳ kiểm tra trực tiếp bắt buộc với học sinh lớp 1, 2 thì không đáp ứng yêu cầu, nhà trường phải ứng xử như thế nào. Chẳng lẽ lại cho các em lưu ban, ở lại lớp”, ông Trịnh Vĩnh Thanh đặt câu hỏi. 

Ông cũng nêu kiến nghị trong việc xây dựng giáo án điện tử với kho học liệu số phải được tổ chức thẩm định để các bài giảng đưa vào đạt chất lượng, có sự đồng đều, giúp giáo viên, phụ huynh có thể lựa chọn được bài giảng tốt nhất. Tránh tình trạng đưa vào tràn lan, không kiểm soát sẽ dễ dàng xuất hiện “sạn”.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI