TPHCM: Trường tiểu học gặp khó khi đón học sinh trở lại trường

23/01/2022 - 19:30

PNO - Thiếu bảo mẫu, phục vụ, thậm chí thiếu giáo viên đứng lớp đang là bài toán khó với các trường tiểu học tại TPHCM khi đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến phòng chống dịch.

Giáo viên kiêm luôn bảo mẫu

Theo tính toán, khi học sinh khối 1 trở lại trường, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) phải cần thêm 10 bảo mẫu. Tuy nhiên, đến giờ này con số vẫn thiếu đến 8 bảo mẫu. 

Cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, do thời gian nghỉ dịch kéo dài nên nhiều bảo mẫu của trường đã chuyển sang công việc mới. Bây giờ, dù đã có kế hoạch học sinh đi học lại song nhiều bảo mẫu vẫn rất e dè để trở lại công việc cũ vì sợ trường học lại… đóng cửa.

“Khó khăn nhất của trường hiện nay là thiếu bảo mẫu, nhân viên phục vụ khi học sinh trở lại trường. Hiện nhà trường còn thiếu 8 bảo mẫu để hỗ trợ công tác chăm sóc các em, chưa kể đến nhân viên phục vụ. Trong khi đó, học sinh đi học lại thì không thể không có bảo mẫu, nhất là các khối lớp nhỏ 1, 2, đặc biệt khi tổ chức bán trú..”, cô Chi bày tỏ.

Thiếu bảo mẫu, thời gian đầu khi học sinh trở lại trường, GVCN sẽ được huy động kiêm nhiệm vụ bảo mẫu
Thiếu bảo mẫu, thời gian đầu khi học sinh trở lại trường, GVCN sẽ được huy động kiêm nhiệm vụ bảo mẫu

Trước khó khăn này, cô Đỗ Ngọc Chi cho biết nhà trường đang vận động những giáo viên ở xa trường sẽ ở lại trường buổi trưa để hỗ trợ công tác công tác bán trú, làm bảo mẫu. Song song đó, lực lượng GVCN cũng sẽ được huy động, tăng cường thêm. 

Tương tự, để giải bài toán thiếu bảo mẫu khi học sinh các khối lớp trở lại trường, Trường TH Trần Hưng Đạo (quận 1) ưu tiên bố trí lực lượng bảo mẫu cho học sinh khối 1. Đối với các khối lớp khác, trường tính toán sắp xếp GVCN và giáo viên các khối lớp khác kiêm nhiệm nhiệm vụ bảo mẫu.

Cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, khi học sinh đi học lại trường học sẽ phải tổ chức bán trú để tạo điều kiện cho phụ huynh. Vậy nhưng, tổ chức bán trú sẽ đồng nghĩa với việc cần thêm lực lượng bảo mẫu, nhân viên phục vụ. Trong khi đó, thời gian nghỉ dịch kéo dài, lực lượng này của trường đang rất thiếu. 

“Thời gian đầu, khi học sinh đến trường, trường sẽ chia đôi tổng số học sinh trong trường, sắp xếp so le ngày học. Toàn trường với hơn 1.700 học sinh thì mỗi buổi học sẽ chỉ có khoảng gần 900 em. Như vậy, những giáo viên chưa có lớp dạy trong ngày sẽ được huy động để hỗ trợ công tác bảo mẫu, hỗ trợ bán trú. Với riêng lớp 1, do đây là khối lớp nhỏ nhất chưa có kỹ năng tự phục vụ bản thân và phòng dịch, các em cũng mới trở lại trường nên đội ngũ bảo mẫu hiện có sẽ cùng GVCN hỗ trợ trong giờ học và giờ bán trú…”, cô Hương nói. 

Hiệu trưởng, hiệu phó cũng tăng giờ dạy

Là một trong những trường tiểu học có số lượng học sinh đông nhất nhì TPHCM, Trường TH An Hội (quận Gò Vấp) có gần 4.000 học sinh tương đương với 78 lớp, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như tổ chức tốt hoạt động chuyên môn khi học sinh trở lại trường trong bối cảnh dịch COVID-19 được xem là bài toán cần được tính toán cẩn trọng với nhà trường.

Mỗi lớp được chia thành 2 lớp nhỏ, 78 lớp được chia đôi thành 156 lớp. Trong đó, một nửa lớp sẽ học thứ 2, 3, 4, nửa lớp còn lại sẽ học thứ 5, 6, 7. Các buổi không học trực tiếp, giáo viên sẽ gửi bài để học sinh tự học ở nhà.

“Dù không thiếu nhân viên bảo mẫu, phục vụ song việc thiếu giáo viên lại là câu chuyện rất khó khi học sinh đi học trực tiếp. Năm nay do dịch bệnh nên công tác tuyển dụng giáo viên vẫn chưa được thực hiện. Khi dạy trực tuyến, một giáo viên có thể dạy 2 lớp cả sáng và chiều, việc thiếu giáo viên có thể tạm thời giải quyết được. Thế nhưng khi dạy trực tiếp thì lại chưa biết phải tính toán sao, đặc biệt là khi thực hiện bán trú. Ngoài ra, việc chia đôi lớp, sắp xếp so le buổi dạy cũng sẽ rất cực cho giáo viên khi phải chạy đi chạy lại nhiều lần.…”, cô Ngô Thị Thuý Lan (Phó hiệu trưởng nhà trường) bảy tỏ.

Tuy vậy, cô Lan cho hay, thời điểm này chỉ cần được đón học sinh trở lại trường đã là niềm hạnh phúc nhất với giáo viên, nhà trường. Từng thầy cô sẽ nỗ lực, cố gắng song rất mong phụ huynh sẽ cùng đồng hành, phối hợp nếu các con đi học lại. 

Thiếu giáo viên cũng là khó khăn của nhiều trường tiểu học khi đón học sinh đi học trực tiếp
Thiếu giáo viên cũng là khó khăn của nhiều trường tiểu học khi đón học sinh đi học trực tiếp

Với 28 lớp học, Trường TH An Bình (quận 2) cần 14 bảo mẫu. Hiện dù đã đủ số lượng bảo mẫu phục vụ đón học sinh trở lại trường, tuy nhiên 3 bảo mẫu vẫn cần cử đi tập huấn công tác bảo mẫu. “Bài toán về bảo mẫu cơ bản đã được giải quyết nhưng bài toán thiếu giáo viên mới khó giải. Trường vẫn thiếu đến 13 giáo viên rải rác ở các khối lớp 1, 2, 4, 5. Dạy trực tuyến thì giải quyết được khi 1 giáo viên sáng dạy lớp này, chiều dạy lớp khác. Nhà trường đã đề xuất phòng giáo dục tham mưu tuyển dụng sớm”, cô Phạm Thị Thuỳ Trang (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin. 

Để đủ giáo viên đứng lớp khi học sinh trở lại trường, cô Trang cho biết trường đã hợp đồng 4 giáo viên. Đồng thời bố trí Tổng phụ trách đội, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, thậm chí là hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải tăng thêm giờ xuống dạy…

Chia sẻ thêm, cô Trang cho hay thuận lợi lớn nhất khi học sinh đi học lại là sự đồng thuận của phụ huynh trong trường cao, với hơn 85%. Trường sẽ đặc biệt ưu tiên cho học sinh lớp 1, ngoài dạy trực tiếp sẽ kết hợp hỗ trợ kèm cặp thêm cho các em. Trong suốt tuần đầu tiên, GVCN sẽ tranh thủ hướng dẫn rèn nền nếp, các kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng phòng dịch và tự học cho các em.

“Tuần đầu tiên khi học sinh trở lại trường, nhà trường sẽ chỉ học 1 buổi, không bán trú. Trong đó, thứ  2, 3, 4 là học sinh lớp 1, 2; thứ 5, 6, 7 là học sinh lớp 4, 5. Sang tuần thứ 2 công tác bán trú mới được mở. Dù biết sẽ hơi bất tiện cho phụ huynh song để việc dạy trực tiếp trong bối cảnh dịch được đảm bảo an toàn, trường rất mong phụ huynh chia khó, cùng phối hợp, hỗ trợ…”, cô Thuỳ Trang chia sẻ. 

Én Bông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI