Phá vỡ tư duy cấu trúc lớp học truyền thống trong xây dựng các môn học lựa chọn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là điểm mới nhất được Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) thực hiện đối với khối lớp Mười năm học 2024 - 2025.
Để tổ chức mô hình này trong năm học tới, theo cô Hoàng Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây - nhà trường thay vì thiết kế các lớp học theo nhóm môn học lựa chọn như các năm trước thì sẽ thiết kế lớp học tối đa theo từng môn học lựa chọn. Số lớp tối đa này vẫn cần được tính toán dựa trên đặc thù phòng ốc, cơ sở vật chất hiện có của nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả nhất khi tổ chức.
|
Các trường THPT tại TPHCM đang thay đổi tư duy trong tổ chức lớp học |
“Học sinh sẽ chọn môn học theo sở thích, định hướng nghề nghiệp của mình, căn cứ vào số lớp học ở từng môn học để lựa chọn. Dựa vào lựa chọn của học sinh, trường sẽ tổ chức lớp học phù hợp, theo đơn vị lớp đối với các môn học bắt buộc và theo lớp học bộ môn ở các môn học lựa chọn, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của học sinh và thực hiện hiệu quả nhất Chương trình GDPT 2018 mà vẫn hài hoà với đặc thù của trường”- cô Hoàng Thị Hảo chia sẻ.
Cô Lê Tường Quyên - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) cho biết, hiện nay nhà trường đang tính lại cách thức tổ chức các môn học lựa chọn ở khối Mười năm học 2024 - 2025, khác với mô hình hiện nay đang thực hiện ở 2 khối Mười, Mười một. Trong đó, nhà trường quan tâm đến việc tổ chức các môn học lựa chọn không theo đơn vị lớp mà theo từng môn học lựa chọn. Trong một môn học lựa chọn, học sinh có thể đến từ nhiều đơn vị lớp khác nhau, khi đến tiết học bộ môn đó các em sẽ đến phòng học bộ môn để học…
“Cái khó của trường khi tổ chức mô hình lớp học bộ môn là hạn chế về phòng học cũng như đội ngũ. Nếu để học sinh tự chọn theo mong muốn của bản thân có thể phát sinh môn học sẽ rất đông học sinh lựa chọn, môn học lại ít học sinh chọn. Như vậy sẽ lại ảnh hưởng đến việc tổ chức lớp học, hoạt động giáo dục, tâm tư giáo viên… Hiện nay trường đang tìm cách gỡ các bài toán khó này”- cô Tường Quyên chia sẻ.
Theo tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM, mô hình tổ chức lớp học phi truyền thống không cứng nhắc theo đơn vị lớp thường phổ biến ở bậc đại học, khi học sinh học theo tín chỉ. Với bậc phổ thông, mô hình này hiện được nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Singapore thực hiện với tên gọi là homeroom teacher. Mỗi môn học sẽ sẽ có một phòng học bộ môn, giáo viên sẽ thực hiện “chăm sóc”, trang trí phòng học của mình đậm nét nhất cho môn học để phục vụ việc giảng dạy… Với phòng học này thì đến giờ học đó, học sinh từ nhiều đơn vị lớp khác nhau sẽ đến đó học, sau đó lại tản ra các đơn vị lớp.
|
Học sinh sẽ hưởng lợi với mô hình lớp học phi truyền thống |
Tại Việt Nam, mô hình này mới chỉ phổ biến ở những trường quốc tế do có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số học sinh cũng lý tưởng để thực hiện. Còn lại, với đa phần các trường THPT khác dù thực hiện Chương trình GDPT 2018 học sinh chọn học các môn học lựa chọn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai mô hình.
“Khó khăn của hầu hết các trường THPT công lập nói chung là về phòng học, nếu thực hiện như vậy thì bên cạnh lớp học theo đơn vị lớp còn cần thêm lớp học bộ môn nữa. Cạnh đó, khi đẩy ra thành từng lớp học theo lựa chọn có thể nảy sinh ra các lớp rất đông học sinh, nhưng cũng có lớp sẽ rất nhỏ. Chắc chắn số tiết học các bộ môn đó sẽ tăng lên đáng kể.
Thực tế hiện nay các trường THPT công lập đều thực hiện phân công giáo viên số tiết đảm bảo định mức, phù hợp với giáo viên. Và ngay cả với các trường tự chủ cũng chỉ có một nguồn lực giáo viên nhất định, khi chuyển sang hình thức này thì cũng phải có các cách tính toán riêng…”- tiến sĩ Nam Dũng phân tích.
Ông đánh giá, việc tổ chức cấu trúc lớp học không theo đơn vị lớp truyền thống ở tất cả các môn học mà theo phòng học bộ môn ở các môn học lựa chọn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là mô hình lý tưởng các trường đang hướng tới. Nếu tổ chức được thì quá tốt, học sinh được hưởng lợi nhiều, sẽ giúp học sinh học được đúng các môn học mà các em yêu thích, lựa chọn, theo đúng mục tiêu của chương trình mới. Thế nhưng, để triển khai đồng loạt tất cả các môn học lựa chọn thì còn phụ thuộc vào nhân lực, tài lực, cơ sở vật chất của nhà trường… Trước mắt, nếu thực hiện thì mỗi trường có thể thực hiện mô hình này ở một số môn học…
Điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm 2024, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ cung cấp thông tin về cách tổ chức môn học lựa chọn khối Mười năm học 2024-2025 khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 của từng trường THPT trên toàn thành phố. Trong đó, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường khi triển khai Chương trình mới phải đảm bảo tối đa quyền được chọn môn học lựa chọn của học sinh, hướng đến việc thiết kế các lớp học không cứng nhắc theo đơn vị lớp mà theo từng môn học lựa chọn, căn cứ trên tình hình thực tế về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường. Các thông tin này sẽ được Sở GD-ĐT thông tin trên website học sinh đăng ký nguyện vọng. Khi học sinh lớp Chín chọn trường THPT để đăng ký nguyện vọng thi tuyển sinh vào lớp Mười trực tuyến, ngoài việc tham khảo bản đồ GIS về khoảng cách địa lý từ nơi ở đến trường thì sẽ phải tham khảo về cách tổ chức môn học lựa chọn của trường THPT, bên cạnh điểm chuẩn của trường trong những năm gần nhất. Đây được xem là các công cụ hỗ trợ được Sở GD-ĐT TP.HCM đồng bộ triển khai trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024, giúp phụ huynh học sinh đảm bảo chọn được trường THPT phù hợp nhất. |
Quốc Trung