PNO - Chiều 30/9, chị Nguyễn Thị Thủy (quê tỉnh Long An) cùng hàng trăm đồng nghiệp mặc đồng phục, trở lại Công ty TNHH Tỷ Hùng ở quận Bình Tân, TPHCM để tiêm mũi vắc xin thứ hai, chuẩn bị làm lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Trong ngày 30/9, nhiều rào chắn trên đường phố TPHCM được tháo dỡ để chuẩn bị cho ngày "bình thường mới" - Ảnh: Tam Nguyên
Chị Thủy cho biết, chị thuê trọ ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Tháng 6/2021, khu nhà trọ của chị có ca mắc COVID-19, trở thành “vùng đỏ”, liên tục bị phong tỏa. Từ nhà trọ đến nơi làm việc phải qua năm chốt, trong đó có một chốt “cứng” nên ba tháng qua, chị chưa đến công ty lần nào. “Trưa nay, đi trên đường, tôi thấy các chốt đã dừng kiểm tra giấy tờ, rào chắn trên đường vào nhà trọ của tôi cũng được dỡ bỏ. Như vậy là tôi sắp được đi làm rồi” - chị Thủy nói.
Ngày 30/9 cũng là phiên trực cuối cùng của các thành viên Đội hỗ trợ cư dân chung cư Ehome 3, phường An Lạc, quận Bình Tân. Từ ngày 5/6, xuất hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại chung cư Ehome 3 khiến hai block chung cư này bị phong tỏa. Từ đó, Đội hỗ trợ cư dân chung cư Ehome 3 được thành lập nhằm vận chuyển thực phẩm, đi chợ, hỗ trợ cư dân mắc COVID-19 (F). Gần bốn tháng qua, khoảng 20 thành viên của đội đã thay phiên nhau trực, hỗ trợ cư dân. “Ngày mai, TPHCM đã bắt đầu “bình thường mới”, anh em cũng trở lại công việc ở công ty, xí nghiệp. Chúng tôi rất vui vì mọi người có thể đi ra ngoài mưu sinh” - một thành viên cho hay.
Từ chiều 30/9, hàng loạt chốt chặn ở quận Bình Tân đã được tháo dỡ. Cùng lúc, hàng loạt công ty, cửa hàng ở quận này cũng treo bảng tuyển dụng lao động phổ thông. Trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, Công ty T. thông báo tuyển 200 lao động phổ thông, 17 lao động có tay nghề; Công ty N.F. gần đó cũng rao tuyển lao động phổ thông từ 18-35 tuổi với mức lương 200.000 đồng/ngày.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thông tin tuyển lao động phổ thông đang được khá nhiều người quan tâm. Anh Trương Văn Bằng (quê tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, anh làm nghề bán hủ tíu nhưng phải nghỉ bán mấy tháng qua. Sau ngày 1/10, người buôn bán lề đường vẫn chưa được bán lại nên anh Bằng dự định tìm việc gì đó làm tạm: “Tôi định đi tìm việc mấy hôm trước rồi, nhưng do đầu hẻm bị rào chắn nên không đi được. Hôm nay, rào chắn được mở, tôi chạy ra đây hỏi thăm thử. Lương trả cho lao động phổ thông 6-8 triệu đồng/tháng là khá. Tôi đã tiêm đủ hai mũi vắc xin nên mai sẽ nộp hồ sơ, đầu tuần vô thử việc luôn”.
Rào chắn ở giao lộ Trương Đình Hội - An Dương Vương đã được tháo dỡ từ ngày 30/9
Niềm vui đoàn tụ ở “vùng xanh”
Sáng 30/9, chị Đằng - chủ quán cà phê nhỏ ở chân cầu Phước Long, huyện Nhà Bè - đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 về, báo với người nhà: “Nghe nói chiều nay dỡ chốt. Mai mình bán lại được rồi”. Chị hối con gái lau dọn bàn ghế, còn chị thu gom mười mấy cái võng để giặt giũ.
Mấy tháng nay, chấp hành chủ trương của UBND Thành phố, chị Đằng đặt cái bảng bằng phấn trắng với dòng thông báo “quán tạm nghỉ chống dịch”. Tưởng dịch qua nhanh, chị để nguyên bàn ghế, những chiếc võng đung đưa không người. Vậy mà 120 ngày đằng đẵng trôi qua, tất cả đóng bụi, lớp phấn trắng trên chiếc bảng thông báo cũng mờ dần.
Rời khỏi quán cà phê, tôi chạy chầm chậm dọc đường Phạm Hữu Lầu nối quận 7 và huyện Nhà Bè. Anh Linh - ở tổ 19, phường Phú Mỹ, quận 7 - hứa hẹn với hai đứa trẻ đang hò hét đòi ra khỏi cửa: “Vô nhà đi con, mai người ta mở chốt rồi, ba cho hai anh em ra bờ sông chơi”. Anh cho biết, trước đây, cứ mỗi tuần hai buổi chiều, anh cho con ra bờ sông chạy nhảy. Hai đứa trẻ thích ngắm ca-nô và nhặt những viên sỏi nhỏ bên vệ đường ném xuống lòng sông, nhìn nước bắn lên. Vậy mà đúng bốn tháng nay, hai đứa trẻ hoàn toàn như bị "giam lỏng".
Suốt bốn tháng qua, dịch bệnh khiến ba mẹ con chị Thuận chỉ quẩn quanh bên con rạch nhỏ ở hông nhà
Chạy sâu vào cuối hẻm 360 Phạm Hữu Lầu, tôi bắt gặp một “ốc đảo” lạ lùng. Thuận (23 tuổi) e dè ló đầu nhìn ra khi nghe tiếng chó sủa váng lên. Trông thấy người lạ, bé gái bốn tuổi đang nằm võng xem hoạt hình trên chiếc điện thoại đứng bật dậy tiến về phía mẹ, bé trai hai tuổi cũng lật đật nép sau lưng mẹ khi thấy người lạ.
Thuận vỗ nhẹ tay vào lưng con nhằm trấn an, mặt chị không giấu được vẻ căng thẳng. Từ ngày UBND TPHCM siết chặt giãn cách đến nay, “ốc đảo” của ba mẹ con gần như không có ai bước vào. Cuộc sống của mẹ con Thuận gần như tự cấp tự túc với một ít rau trồng ở mé đất hoang trước lều, trứng, thịt từ mười mấy con gà nuôi thả trong sân. Chưa ai vô đến “ốc đảo” để gọi Thuận đi làm xét nghiệm, mà Thuận cũng chưa biết cảm giác cái que chọt vào mũi ra làm sao. Bao nhiêu đoàn từ thiện ra vô con hẻm 360, cũng chưa đoàn nào đến nơi ở của ba mẹ con Thuận. Mấy tháng qua, nhà không có sữa, Thuận buộc phải cắt sữa của con. Nửa đêm, con đói, chị phải dậy lấy cơm đút. Túp lều che tạm bằng tôn cũ, lá dừa nước, vải bạt đơn sơ nên hễ nghe tiếng chó sủa bên ngoài là Thuận bất an, cả đêm không ngủ được.
Suốt bốn tháng nay, chồng Thuận đi làm “ba tại chỗ” ở cảng, bà mẹ trẻ cùng hai con chỉ quẩn quanh bên con rạch. Tôi nhìn những vạt nắng xuyên qua mái tôn rọi xuống sàn nhà và nhắc về trận mưa to vào sáng sớm. Như hiểu ý, Thuận nói ngay: “Nhà dột tè le hết chị. Khuya, một mình em phải ráng leo lên cột lại tấm bạt để che cái giường ngủ cho khỏi ướt”.
Tôi hỏi “ngày mai, thành phố mở cửa lại rồi, Thuận có biết không”, Thuận nói: “Dạ, em biết chớ. Nghe ba tụi nhỏ nói. Mấy tháng nay, trông ổng mòn mỏi. Ổng gọi nói mai xả cảng, ổng được về nhà”. Thuận nhìn tôi, cười. Đó là nụ cười duy nhất mà tôi bắt gặp ở Thuận khi lạc vào “ốc đảo” của ba mẹ con. Ngày mai, thành phố mở cửa, gia đình nhỏ sẽ đoàn tụ bên nhau.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.