TPHCM: Triển khai thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật

25/02/2025 - 15:22

PNO - Ngày 25/2, Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM phối hợp với Tổ chức Danish Vietnamese Asscociation - Hội hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam (DVA) tổ chức Hội nghị triển khai “Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TPHCM, Việt Nam", tại Hội trường Nhà khách Người có công.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Mục tiêu dài hạn là thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TPHCM bằng cách thí điểm một loạt các biện pháp can thiệp để xác định những thách thức liên quan và đánh giá kết quả trước khi xem xét tính khả thi và tính phù hợp của một biện pháp can thiệp lớn hơn.

Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TPHCM được phê duyệt vào ngày 23/1, Tổ chức Danish Vietnamese Association - Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam (DVA) là đơn vị tài trợ. Dự án sẽ triển khai thực hiện tại phường 14, phường 15, phường Hưng Phú (quận 8) và phường 1, phường 14, phường 19 (quận Bình Thạnh) trong thời gian 12 tháng. Có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 2,63 tỉ đồng.

Bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM - phát biểu khai mạc hội nghị
Bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM - phát biểu khai mạc hội nghị

Bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM - cho biết, thực tế, nhiều trẻ khuyết tật đang gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và chịu sự kỳ thị, gánh chịu nhiều thiệt thòi, khiến các em không được đối xử công bằng như những trẻ em khác. Dự án này không chỉ nhằm cải thiện đời sống cho trẻ khuyết tật mà còn hướng đến việc xóa bỏ định kiến, tạo dựng một môi trường hòa nhập và bình đẳng hơn.

Dù mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, dự án còn nhỏ, vốn vẫn còn ít, thời gian cũng ngắn nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là ngọn lửa nhỏ thắp lên hy vọng, lan tỏa những thay đổi tích cực trong cộng đồng, tạo ra kết quả tích cực cho nhóm đối tượng trẻ em khuyết tật" - bà Thuận chia sẻ.

Theo bà, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho trẻ khuyết tật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội về quyền lợi và nhu cầu đặc biệt của các em, góp phần xây dựng một cộng đồng giàu lòng nhân ái và không còn rào cản.

 Luật sư Trương Thị Hoà - Đoàn Luật sư TPHCM - chia sẻ ý kiến
Luật sư Trương Thị Hoà - Đoàn Luật sư TPHCM - chia sẻ ý kiến

Theo luật sư Trương Thị Hoà - Đoàn Luật sư TPHCM, hiện nay, Nhà nước rất quan tâm đến người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là trong giáo dục. Việc đảm bảo trẻ khuyết tật được học lên cấp 2, đồng thời kết hợp giữa giáo dục văn hóa và đào tạo nghề, là điều vô cùng quan trọng.

Đối với trẻ khuyết tật vận động, các em vẫn có cơ hội học lên đại học, nhưng với trẻ khiếm thính, con đường học tập lại gặp nhiều trở ngại hơn. Vì vậy, dự án lần này cần phát triển thêm các phương thức hỗ trợ để giúp các em tiếp cận tốt hơn với việc học tập và công việc trong tương lai.

Việc tạo cơ hội nghề nghiệp cho người khuyết tật không chỉ giúp họ tự tin vào bản thân mà còn nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng trong việc làm. Cộng đồng cần có sự hợp tác và tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận công việc giúp các em có được vị trí xứng đáng trong xã hội, khẳng định quyền bình đẳng và khả năng đóng góp của mình giống mọi người.

Anh Lê Thư Hoàng (quận 8, TPHCM) xúc động chia sẻ về hoàn cảnh của con mắc bệnh khiếm thính và những khó khăn của gia đình
Anh Lê Thư Hoàng (quận 8, TPHCM) xúc động chia sẻ về hoàn cảnh của con mắc bệnh khiếm thính và những khó khăn của gia đình

Anh Lê Thư Hoàng (quê Kiên Giang), hiện tạm trú tại quận 8, TPHCM, làm nghề tự do để có thời gian chăm sóc con. Con trai anh nay đã 14 tuổi, mắc khiếm thính, hiện học lớp 3 tại Trường Hy Vọng, quận 8, với tiến độ mỗi năm chỉ học một kỳ. Ban đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm trường do vướng mắc giấy tờ tạm trú.

Việc giao tiếp với con cũng đầy thách thức khi bé không nghe, không nói được, chỉ hiểu những điều cơ bản. Sau khi con biết chữ, gia đình chỉ giao tiếp với con qua nhắn tin, gọi điện hoặc viết giấy. Tuy nhiên, anh lo lắng khi con vào cấp 2 sẽ khó tìm trường phù hợp, do các cơ sở giáo dục chuyên biệt đều ở xa, gây trở ngại trong việc đưa đón.

Biết về đề án thí điểm dành cho trẻ khuyết tật, anh Hoàng rất phấn khởi, vui mừng dù chưa rõ con có thuộc diện thụ hưởng hay không. Theo anh, đây là chương trình ý nghĩa, giúp trẻ khuyết tật như con anh được quan tâm nhiều hơn, tạo sự bình đẳng và giảm bớt gánh nặng cho gia đình, đồng thời mở ra cơ hội định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Dự kiến kết quả của dự án sẽ có 30 trẻ khuyết tật được hỗ trợ học bổng; 25 trẻ khuyết tật được hỗ trợ khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe; 65 trẻ được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; 20 trẻ được cung cấp thiết bị chuyên dụng cho trẻ khuyết tật; 15 trẻ được hỗ trợ pháp lý…

Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức các buổi sinh hoạt vui chơi, giải trí, diễn đàn dành cho trẻ em khuyết tật, đồng thời triển khai nhiều lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật, cũng như thúc đẩy nhận thức về quyền trẻ em trong cộng đồng.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI