TPHCM triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 như thế nào?

06/04/2022 - 16:32

PNO - Nhiều trường THPT tại TPHCM đã sắp xếp, tính toán triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) hiệu quả nhất phù hợp với đặc thù từng đơn vị.

Sắp xếp tổ hợp tự chọn hài hòa với nguyện vọng học sinh

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Thầy Huỳnh Khương Anh Dũng đánh giá, nhiệm vụ thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT bắt đầu từ khối lớp 10 trong năm học tới là hết sức nặng nề. Trong đó, việc triển khai cho học sinh lựa chọn môn học là điều mới mẻ, tổ chức làm sao, như thế nào xuyên suốt 3 năm THPT để vừa phù hợp với đặc thù, đội ngũ của trường nhưng vừa phục vụ tốt nhất nhu cầu tự chọn của học sinh, theo đúng tinh thần Chương trình 2018. 

“Vài năm nay, việc đổi mới dạy và học đã được thầy cô thực hiện mạnh mẽ trong các tiết học và hoạt động giáo dục nhằm phát triển năng lực học sinh. Yêu cầu đổi mới trở thành yêu cầu xuyên suốt của mỗi giáo viên. Chính vì thế, việc tiếp cận giảng dạy theo hướng đổi mới của Chương trình GDPT 2018 không phải là khó khăn, rào cản đối với thầy cô. Cái khó nhất là khâu tổ chức của nhà trường để sắp xếp môn học tự chọn một cách hài hoà”, thầy Huỳnh Khương Anh Dũng chia sẻ.

Các trường THPT tại TPHCM xây dựng Chương trình GDPT 2018 hài hoà với nguyện vọng của học sinh theo đặc thù của trường
Trường THPT tại TPHCM xây dựng Chương trình GDPT 2018 hài hoà với nguyện vọng của học sinh theo đặc thù của trường

Năm học 2022-2023, Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) tuyển sinh 17 lớp 10. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, trường dự kiến 2 phương án: Phương án 1: Xây dựng 15 tổ hợp lựa chọn cho học sinh từ các ban A, A1, A2, B, C, D- là các ban nhà trường đang hiện có; Phương án 2: Xây dựng các lớp lựa chọn tương ứng với 4 lớp tự nhiên, 3 lớp xã hội, trong đó Tin học được đưa vào gần như xuyên suốt các lớp lựa chọn.

Trước khi xây dựng các phương án tổ hợp dự kiến, thầy Ngô Hùng Cường- Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường đã khảo sát học sinh khối 9 tại một số trường THCS trên địa bàn Q.5 và học sinh khối 10 nhà trường về nguyện vọng lựa chọn tổ hợp môn học. Kết quả cho thấy, học sinh khối 9 đa phần lựa chọn các tổ hợp môn khoa học xã hội. Trong khi đó, học sinh khối 10 lại chọn khoa học tự nhiên. 

“Dễ dàng nhận thấy trong việc xác định tổ hợp môn tự chọn ở học sinh khối 9 còn rất mông lung. Các em chưa thực sự “đủ chín” để hiểu được bản thân mình có mong muốn chọn lựa môn học nào, hướng đi nghề nghiệp sau này ra sao. Vì thế, để tránh những hệ luỵ về sau như học sinh chọn xong rồi bỏ, chọn xong rồi chuyển trường… thì ngay từ bây giờ đòi hỏi công tác tư vấn cho học sinh khối 9 phải làm thật kỹ”, thầy Cường nhìn nhận.

Trong bài toán triển khai Chương trình GDPT 2018, thầy Cường cho hay nhà trường không gặp áp lực về đội ngũ vì việc tập huấn, bồi dưỡng cũng như áp dụng đổi mới đã được trường làm sâu, rộng ở tất cả các bộ môn từ nhiều năm nay. Hiện nay, điều cần tính toán duy nhất là nghiên cứu thật kỹ để thiết kế xây dựng được tổ hợp phù hợp, cân đối với đội ngũ, cơ sở vật chất nhà trường nhưng đảm bảo học sinh chọn đúng môn học sở trường. Ngoài ra đó là nghiên cứu để tổ chức được môn ngoại ngữ 2 nhằm tạo ra thế mạnh của trường… 

“Phải dựa trên cái mình có mới đánh trận được”

Là đơn vị sớm công bố “đề án” tuyển sinh lớp 10 năm 2022 theo chương trình GDPT 2018, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) xây dựng các tổ hợp tự chọn dựa trên “những thứ mình có”. Cụ thể, với 8 lớp 10 tuyển sinh trong năm học tới, trường thiết kế theo nhiều lớp tự chọn bao gồm các khối A, A1, A2, C, C7, D, B, B2, B8, C12, C13… cho cả lớp 10 thường và lớp 10 tích hợp nhằm đa dạng sự lựa chọn của học sinh. 

Hiệu trưởng Bùi Minh Tâm chia sẻ, cái hay của Chương trình GDPT 2018 là mở và tuỳ theo đặc thù của từng địa phương, từng nhà trường mà xây dựng chương trình đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Như vậy, để đánh trận được, nhà trường phải “dựa trên chính cái mình đang có”.

“Các tổ hợp trên được trường xây dựng dựa trên thực tế lựa chọn của đa phần học sinh nhà trường các năm gần đây để xét tuyển vào các trường ĐH. Cạnh đó là dự báo nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt là dựa trên chính thế mạnh, nguồn lực của trường về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất lớp học”, cô Tâm cho hay.

Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 thì cần phải được rút kinh nghiệm qua từng năm
Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 thì cần phải được rút kinh nghiệm qua từng năm

Dù vậy, cô Tâm thừa nhận, đứng trước “những điều chỉnh quá mới” từ Chương trình GDPT 2018 bước đầu nhà trường không tránh khỏi lúng lúng. Để thực hiện tốt chắc chắn cần được rút kinh nghiệm qua hàng năm trong cách thức tổ chức, tư vấn học sinh chứ chưa thể kỳ vọng “lăn về đích” ngay từ năm đầu tiên.

“Công tác tư vấn, hướng nghiệp học sinh phải có sự nhịp nhàng ngay từ bậc THCS, cùng với việc thay đổi tư duy của phụ huynh, học sinh - nhìn nhận thực sự nghiêm túc vấn đề lựa chọn tổ hợp môn học. Việc tổ chức tổ hợp môn học của trường THPT đôi khi còn phải thay đổi theo hướng xét tuyển của các trường ĐH trong vài năm tới, làm sao phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của học sinh…”, Hiệu trưởng Bùi Minh Tâm nhấn mạnh.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu các trường THPT phải hoàn tất xây dựng tổ hợp môn học tự chọn cho lớp 10 theo hướng Chương trình GDPT 2018, công bố đến phụ huynh, học sinh trước ngày 15/4 - trước thời điểm học sinh khối 9 kết thúc đăng ký lựa chọn nguyện vọng thi tuyển sinh 10 vào đầu tháng 5. 

Ngoài việc công khai, ông yêu cầu các trường THPT cần thiết phải có những buổi tư vấn, trao đổi đến phụ huynh, học sinh để có sự thấu hiểu hơn về Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, ông yêu cầu công tác tư vấn hướng nghiệp sau THCS cho học sinh khối 9 ở các trường THCS trong năm học này cũng phải được bổ sung, làm mạnh mẽ về yêu cầu phân hoá, lựa chọn tổ hợp môn lựa chọn ở bậc THPT đến phụ huynh, học sinh để tăng thêm sự lựa chọn phù hợp…

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI