TPHCM: Trang bị tư duy và kỹ năng công dân số cho học sinh

09/11/2022 - 07:51

PNO - Ngành giáo dục TPHCM đang đi đầu trong việc đưa ra những giải pháp quyết liệt và kịp thời để chuẩn bị hành trang cho học sinh về kiến thức và kỹ năng trong thời kỳ xã hội số, bắt kịp những thay đổi chóng mặt đến từ những công nghệ hiện đại của thế giới như internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ khối chuỗi (blockchain).

Hình thành thói quen và tư duy sử dụng công nghệ

Trong những năm học gần đây, nhiều trường học tại TPHCM đang triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp đã được tiếp cận với những phương pháp giáo dục và công nghệ học tập tiên tiến như mô hình dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, hệ thống học liệu trực tuyến LMS (Learning Management System - hệ thống quản lý học tập) hay học tập trong môi trường Metaverse.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), LMS giờ đã trở thành một phần không thể tách rời trong công tác dạy và học của nhà trường. Việc học tập trên nền tảng số giờ đây giúp giáo viên, học sinh tương tác và trao đổi với nhau một cách dễ dàng. Qua mỗi buổi học, thầy cô có thể tổng hợp nội dung tự học của học sinh trên hệ thống để làm căn cứ đánh giá và điều chỉnh. Chưa kể, LMS còn hỗ trợ giáo viên trong việc tạo ngân hàng đề kiểm tra, quản lý và chấm thi một cách tự động, nhanh chóng, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Tương tự, Trường trung học thực hành Sài Gòn (quận 5) cũng duy trì hệ thống LMS trên nền tảng e-learning như là một phần để giúp học sinh có kỹ năng số, giúp các em quen dần và thích nghi với môi trường học tập đa dạng. Đây là kỹ năng quan trọng giúp các em bước vào thị trường nghề nghiệp đa dạng và số hóa trong tương lai.

Một điểm nổi bật trong năm học này của chương trình tiếng Anh tích hợp là sự ứng dụng của công nghệ Metaverse trong một số tiết học với định hướng STEM, giúp giáo viên truyền tải kiến thức cho học sinh trong không gian 3D sinh động và trực quan. Quan trọng hơn, ứng dụng này cho phép học sinh nghiên cứu kiến thức một cách tự chủ, khơi gợi trí tò mò và sáng tạo của các em. Bên cạnh đó, môi trường học tập ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp giáo viên có thể dễ dàng kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh ngay trong tiết học.

Một lớp học sử dụng công nghệ Metaverse
Một lớp học sử dụng công nghệ Metaverse

Ông James Moran, Giám đốc học vụ EMG Education, cho biết ưu điểm vượt trội của lớp học trên không gian 3D là phá bỏ những rào cản, giới hạn tồn tại trước đây. “Khi triển khai lớp học theo phương pháp giảng dạy mới, người thầy không bị bó buộc bởi những giới hạn vật lý trong lớp học truyền thống. Giờ học Metaverse luôn mang lại những thay đổi, trải nghiệm mới và hứng thú cho học sinh”, Giám đốc học vụ của EMG Education chia sẻ.

Ghi nhận thực tế các tiết học 3D tại một số trường tiểu học và THCS cho thấy, chương trình Metaverse ứng dụng các mô hình thí nghiệm trong không gian 3D giúp học sinh tiệm cận hơn với các hoạt động phòng thí nghiệm ảo. Đây là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại mà các nước phát triển đang sử dụng. Bước đầu ứng dụng công nghệ vào công tác giảng dạy tại một số trường học trên địa bàn TPHCM là tiền đề vô cùng quan trọng để triển khai các ứng dụng số của ngành giáo dục trong thời gian tới.

Ứng dụng nhiều giải pháp đột phá

EMG Education hiện là một trong những đơn vị giáo dục tiên phong trong việc ứng dụng những giải pháp giáo dục hiện đại và tiên tiến vào trường học. Với mục tiêu mang lại cơ hội để học sinh có thể gặt hái thành công trên trường quốc tế trong tương lai, trong nhiều năm nay, EMG Education không ngừng đưa những giải pháp công nghệ đột phá vào chất lượng giáo dục. Nhất là những giải pháp về chuyển đổi số, giúp giáo viên lẫn học sinh được học tập sáng tạo, tiệm cận với những công nghệ giáo dục tiên tiến nhất.

Đầu tiên, có thể kể đến việc phát triển và ứng dụng thành công mô hình giảng dạy trực tuyến trên nền tảng EMG Virtual Classroom. Đây là một môi trường dạy học trực tuyến toàn diện, cung cấp cho giáo viên, học sinh những công cụ để có thể gặp gỡ trong môi trường trực tuyến, tổ chức dạy và học hiệu quả. Trong các tiết học trên EMG Virtual Classroom, giáo viên và học sinh có thể tương tác, trao đổi về các nội dung bài học thông qua các hình ảnh và nội dung được giáo viên chia sẻ. Học sinh có thể tham gia hoạt động nhóm, làm bài kiểm tra trắc nghiệm, xem các đoạn video trực quan để nghiên cứu sâu hơn về nội dung bài học. Việc triển khai giảng dạy trực tuyến trên nền tảng EMG Virtual Classroom đặc biệt giúp ích trong những tình huống trường học không thể mở cửa, học sinh không thể đến lớp… nhưng vẫn không bị gián đoạn việc học tập.

Đặc biệt, năm học 2022-2023 đánh dấu những bước đi đột phá tiên phong khi EMG Education đưa công nghệ Metaverse vào giảng dạy. Với mục tiêu kép là nâng cao năng lực khoa học của học sinh theo chuẩn quốc tế với định hướng giáo dục STEM cho học sinh phổ thông, góp phần chuẩn bị tốt nhất cho học sinh tham gia vào thế giới số trong tương lai với vai trò chủ động nhất. Môi trường Metaverse được sử dụng để tạo ra một không gian học tập sống động giúp học sinh có thể học kiến thức và lập tức thực hành với các kiến thức đã học.

Vượt qua giới hạn về cơ sở vật chất, không gian và thời gian, trong một tiết học thực tế ảo Metaverse, học sinh có thể gặp và tương tác với giáo viên ở bất cứ không gian nào mà các em muốn. Học sinh có thể thực hiện các bài thí nghiệm sử dụng dụng cụ đắt tiền, tổ chức các thí nghiệm hóa học với các chất hóa học mà các em ít có cơ hội được sử dụng ở lớp học truyền thống; các em có thể đi sâu vào bên trong mô hình trực quan cơ thể người trong một tiết học về giải phẫu.

Công nghệ Metaverse cho phép học sinh tiếp cận kiến thức một cách trực quan thông qua các mô hình 3D và các công cụ thực tế ảo như kính VR (Virtual Reality). Trải nghiệm trong môi trường số với công nghệ hiện đại từ sớm sẽ giúp học sinh hình thành thói quen và tư duy về phương pháp sử dụng công nghệ trong đời sống. Những tiết học Metaverse giúp học sinh chủ động học tập thông qua “phiên bản kỹ thuật số” của chính mình trong môi trường thế giới số.

Trải nghiệm học tập của học sinh cũng được nâng cao hơn nữa khi các em được tham gia vào những trò chơi sinh động, thú vị lồng ghép trong môi trường học hằng ngày. EMG Education đưa vào triển khai một trò chơi giáo dục mang tên “Didi Adventure”, giúp học sinh có thể luyện tập và nâng cao khả năng phát âm tiếng Anh với sự trợ giúp của AI. Trò chơi được thiết kế hình ảnh sinh động, các hoạt động vui nhộn, hấp dẫn; quan trọng là khung nội dung và từ vựng bám sát chương trình học tập hằng ngày, giúp các em có thể vừa học vừa chơi, biến trải nghiệm học tập trở nên hào hứng, từ đó các em có thể làm chủ quá trình học tập của bản thân.

Giáo viên trò chuyện và tương tác trực tiếp cùng học sinh trong lớp học Metaverse
Giáo viên trò chuyện và tương tác trực tiếp cùng học sinh trong lớp học Metaverse
Mô hình bảng tuần hoàn và cấu trúc phân tử của các nguyên tố hóa học trong môi trường 3D
Mô hình bảng tuần hoàn và cấu trúc phân tử của các nguyên tố hóa học trong môi trường 3D

Giáo viên là cầu nối học sinh với công nghệ

Dù ứng dụng công nghệ có thay đổi ra sao thì người thầy vẫn đóng vai trò then chốt. Họ chính là cầu nối giữa học sinh, phụ huynh và nội dung học tập. Giáo viên là người truyền lửa, khuyến khích học sinh trong quá trình học tập, đặc biệt là giúp các em xây dựng thói quen học tập tự chủ. Trong tương lai, với sự xuất hiện của những công nghệ mới, học sinh sẽ ngày càng trở nên tự chủ hơn trong quá trình học tập và khi đó vai trò của nhà giáo sẽ có thể có những sự thay đổi. Bên cạnh đó, những công nghệ hiện đại được thiết kế một cách thông minh, dễ hiểu sẽ không mất nhiều thời gian để giáo viên, đặc biệt là những người trẻ, có thể nắm bắt và sử dụng.

Giáo viên ngày nay phải luôn nhanh nhạy trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy để thích ứng với những công nghệ mới. Tuy nhiên, một việc rất quan trọng là lãnh đạo các cấp cần xây dựng những chính sách, cơ chế phù hợp để có sự hỗ trợ cần thiết về chuyên môn, nhất là với những giáo viên còn cảm thấy bối rối với công nghệ mới.

Mỹ Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI