TPHCM: Tổng rà soát chung cư sau dư chấn động đất

04/04/2025 - 06:21

PNO - Sau dư chấn từ trận động đất tại Myanmar, nhiều cư dân sống tại các chung cư cao tầng ở TPHCM đã chủ động phối hợp với ban quản lý để có các giải pháp đảm bảo an toàn.

Vết nứt xuất hiện tại căn hộ chung cư Diamond Riverside (quận 8) sau dư chấn động đất
Vết nứt xuất hiện tại căn hộ chung cư Diamond Riverside (quận 8) sau dư chấn động đất

Chị Thùy Trang - ở tầng 31 chung cư Western Capital, quận 6, TPHCM - chia sẻ, ngay sau dư chấn động đất, chị đã chủ động kiểm tra lại căn hộ, dù không bị hư hại nhưng gia đình chị đang cân nhắc chuyển đến ở nơi thấp tầng hơn. Ban quản lý nhiều chung cư ở quận 7, 8, TP Thủ Đức đã tổ chức rà soát các block chung cư, khuyến cáo cư dân thông báo ngay nếu phát hiện vết nứt mới, dán các bảng hướng dẫn ứng phó khi có động đất, rung lắc. Tại chung cư Diamond Riverside (quận 8), hơn 300 căn hộ xuất hiện vết nứt, nhiều khu vực bị bong gạch khiến người dân lo lắng.

Ông Nguyễn Ngọc Minh Phú - Phó phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, ngay sau khi xảy ra dư chấn, sở đã phối hợp với UBND quận 8 khảo sát chung cư Diamond Riverside. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số vết nứt và bong tróc trên tường với kích thước, độ sâu khác nhau, nhưng chủ đầu tư khẳng định kết cấu công trình vẫn đảm bảo an toàn chịu lực theo tiêu chuẩn hiện hành.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cư dân, Sở Xây dựng yêu cầu Ban Quản trị chung cư phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị chuyên môn kiểm tra chi tiết kết cấu công trình, đặc biệt tại các khu vực có vết nứt. Quá trình này sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý và bảo trì công trình. Đồng thời, chủ đầu tư phải nhanh chóng triển khai biện pháp khắc phục nếu phát hiện dấu hiệu mất an toàn và cập nhật thông tin thường xuyên để trấn an cư dân.

Sở Xây dựng cũng mở rộng rà soát trên toàn thành phố để đánh giá tác động của dư chấn lên các công trình đông người như chung cư, văn phòng, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại… UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã được yêu cầu kiểm tra, thống kê các công trình có dấu hiệu ảnh hưởng, đồng thời thuê chuyên gia kiểm định kết cấu chịu lực và đề xuất giải pháp khắc phục theo quy định. Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp Công an TPHCM rà soát hệ thống trang thiết bị cứu nạn và phương án thoát hiểm tại các công trình đảm bảo sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Tiên - điều phối viên ngành kỹ thuật xây dựng tại Đại học Việt Đức (VGU) - cho biết, các vết nứt, gãy ở chung cư cao tầng sau động đất do chuyển vị vượt mức thiết kế khi mặt đất rung lắc mạnh. Kết cấu giòn như bê tông, gỗ dễ nứt hơn, trong khi kết cấu thép có khả năng kháng chấn tốt nhờ tính đàn hồi.

Những khu vực quan trọng như móng, lõi thang máy, vách cứng cần thiết kế cân đối để giảm nguy cơ hư hại. Theo ông, người dân không cần chuyển chỗ ở nếu công trình đáp ứng tiêu chuẩn kháng chấn. Hiện nay, các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam được xây dựng dựa trên Eurocode 8 của châu Âu, có tính đến động đất theo từng khu vực. Sau dư chấn, cần kiểm tra toàn diện công trình, nếu có vết nứt nhẹ có thể gia cố, trường hợp nghiêm trọng cần gia cố cấu kiện chính hoặc xem xét di dời.

Ông cũng khuyến cáo khi xảy ra động đất, người ở tầng cao không nên hoảng loạn chạy xuống tầng trệt vì dễ gặp nguy hiểm. Thay vào đó, cần giữ bình tĩnh, tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa cửa sổ, gương kính, đèn trần, tủ kệ, bám vào vật cố định và che chắn đầu, cổ. Không dùng thang máy, hạn chế di chuyển bằng cầu thang bộ khi còn rung lắc. Sau dư chấn, cần kiểm tra nguy cơ rò rỉ gas, chập điện trước khi rời đi. Nếu có lệnh sơ tán, cần tuân thủ hướng dẫn để đảm bảo an toàn.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI