TPHCM tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2021: Sống trách nhiệm, nghĩa tình

06/04/2022 - 06:28

PNO - Ngày 5/4, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2021 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2022. Bên cạnh những con số, những công trình ấn tượng, phong trào thi đua yêu nước còn để lại nhiều câu chuyện đầy nhân văn.

Gặp lại chúng tôi trong những ngày cuối tháng Ba, chị Huỳnh Thị Hoàng Oanh (Q.10) vui mừng cho biết, sự tương trợ kịp thời của chính quyền, đoàn thể địa phương, cuộc sống của chị đang được cải thiện, thu nhập tốt lên. 

Bà Lý Kim Chi (bìa trái) tặng quà cho nữ công nhân môi trường gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh: Diễm Trang
Bà Lý Kim Chi (bìa trái) tặng quà cho nữ công nhân môi trường gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh: Diễm Trang

Chị Oanh là bệnh nhân ung thư vú. Khi cơ thể hồi phục, chị muốn tìm công việc nào đó cho thu nhập ổn định nhưng không có. Chị bèn ở nhà, may túi, ví từ vải quần jeans cũ. Nhiều sản phẩm thành hình với kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, nhưng để tìm đầu ra cho sản phẩm lại không dễ dàng. Hội LHPN Q.10 đã giúp chị quảng bá sản phẩm miễn phí trong các ngày hội việc làm, ngày hội giao thương. Sản phẩm nhận được nhiều lời khen, giúp chị có thêm động lực tiếp tục công việc.

Hội LHPN Q.10 còn hỗ trợ vốn vay kịp thời để chị mua nguyên phụ liệu, đảm bảo luôn có nguồn sản phẩm để cung ứng cho thị trường. Sau đợt dịch, chị tiếp tục được mời tham gia các ngày hội để quảng bá sản phẩm, phục hồi nguồn thu.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - xúc động: “Năm vừa qua là một năm nhiều khó khăn, trở thành những ký ức không thể quên. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, bỏ lại lợi nhuận của doanh nghiệp để cùng hợp lực, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân TPHCM, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, không tăng giá hàng hóa mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có sự đoàn kết, yêu thương nhau mới giúp TPHCM vượt qua gian nguy để trở lại trạng thái bình thường mới như hôm nay”. 

Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM hiện có hơn 200 hội viên chính thức và hơn 1.000 hội viên liên kết. Với cương vị là chủ tịch hội, bà Lý Kim Chi đã gắn kết các thành viên, tạo dựng nhiều cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác, gặp gỡ các lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp tiềm năng, các tổ chức thương mại quốc tế. 

Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, bà chủ động điều phối, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân và giữ giá ổn định, thúc đẩy và cùng các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất ổn định theo phương thức “ba tại chỗ”, tăng cường sự gắn kết, đồng hành giữa chính quyền thành phố và doanh nghiệp để hỗ trợ hội viên duy trì sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng ổn định. 

Trong năm 2021, ngay khi bùng phát dịch, bà cùng hội tổ chức trao tặng các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện dã chiến và hàng ngàn phần quà cho bà con vùng có dịch. Riêng doanh nghiệp của bà đóng góp hơn 8 tỷ đồng cho công tác chống dịch. Mới đây, thông qua Hội LHPN TPHCM, bà tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ 1.000 trẻ mồ côi do dịch COVID-19, tặng 1.000 phần quà cho người dân khó khăn ở tỉnh Bến Tre.

Bà Lý Kim Chi chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm rằng, góp thêm một tiếng nói, một việc làm có ích cho cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là góp phần làm cho đời sống người nông dân, công nhân được tốt hơn. Với tôi, cho đi là hạnh phúc và đó là động lực để đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn làm việc miệt mài”.  

Nhắc lại thời gian tham gia công tác phòng, chống dịch, ông Lê Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND Q.6 - cho biết tính từ tháng 4 - 12/2021, Q.6 ghi nhận gần 20.000 ca mắc COVID-19 và gần 1.600 trường hợp nghi nhiễm. Nhờ tích cực áp dụng các biện pháp sàng lọc, điều trị, chuẩn bị đủ cơ sở cách ly, hỗ trợ túi an sinh… quận đã nhanh chóng kiểm soát được dịch. Đến tháng 10/2021, vùng xanh đã chiếm trên 95% địa bàn. Đến nay, quận đã cơ bản tiêm phủ 100% vắc xin mũi 2 và 90% tiêm nhắc mũi 3. 

Trong những ngày tháng chống dịch COVID-19, Bộ Tư lệnh TPHCM đã có nhiều hoạt động giúp dân vượt qua đại dịch, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ để tìm thân nhân người mất do COVID-19.

Đại tá Lê Xuân Thế - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM - cho biết thêm: “Bắt đầu từ giữa tháng 7/2021, chúng tôi đề xuất 13 nội dung, trong đó có nội dung lo hậu sự cho người mất. Chúng tôi thành lập 41 tổ công tác với hơn 400 chiến sĩ tham gia. Hằng ngày, anh em tiếp nhận vài trăm người mất, đưa đi hỏa táng, bàn giao tro cốt cho gia đình, kịp thời cung cấp thông tin cho thân nhân của họ. 

Hướng mạnh phong trào thi đua về cơ sở

Tôi cho rằng, các phong trào thi đua phát động trong năm 2022 là đúng hướng. Cần phải tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu để mang lại hiệu quả thực chất hơn, khơi dậy lòng tự hào, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân. Trước hết, hệ thống chính trị cần đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Cần có các phong trào hết sức thiết thực và cụ thể nhằm cổ vũ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, vươn lên hội nhập và phát triển, chung tay vì người nghèo; cổ vũ tinh thần học tập, nghiên cứu, sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ, có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội trong các cơ quan, đơn vị, trường học. 

Trong công tác thi đua khen thưởng, vai trò, trách nhiệm và sự nêu gương của cấp ủy và người đứng đầu các cấp là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng cơ quan, đơn vị phải bám sát nhiệm vụ chính trị của mình, xem thi đua khen thưởng là động lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra. Trong tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng, phải hướng mạnh về cơ sở và địa bàn dân cư, mở rộng đối tượng, ngành nghề tham gia, nhất là đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và các thành phần kinh tế. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn lệch lạc, phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng. 

Bổn phận của hệ thống chính trị, của hội đồng thi đua khen thưởng, của bộ máy làm thi đua các cấp là chủ động tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện, chủ động phát hiện và đề xuất, tránh tư tưởng  xin - cho.  

Công tác khen thưởng phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, vừa kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng thành tích, vừa phải công khai, công bằng, dân chủ, đúng quy trình thủ tục. Khen thưởng phải chính xác, không khen thưởng tràn lan, cào bằng. 

(Trích phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị sáng 5/4/2022)

Phong trào “dân vận khéo” ngày càng lan tỏa

Năm 2021 vừa qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở TPHCM đã huy động các nguồn lực, vận động, thăm hỏi, chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đã có 98 tập thể, 103 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, 1.082 mô hình mới, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch. Các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã ghi nhận và khen thưởng trên 4.430 tập thể và 32 gia đình, 8.320 cá nhân điển hình dân vận khéo.

Tôi mong rằng, phong trào “Dân vận khéo” sẽ tiếp tục được phát huy, ngày càng lan tỏa, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. 

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai

(Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM) 

Đỡ đầu, chăm lo cho 1.200 trẻ mồ côi do COVID-19

Hội LHPN các cấp của TPHCM hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước bằng những phong trào thiết thực, ý nghĩa, hướng đến cộng đồng. Hội kết nối các nguồn lực thực hiện chương trình “Vòng tay yêu thương” để đỡ đầu, chăm lo cho 1.200 trẻ mồ côi do COVID-19, vận động hội viên tham gia trồng cây xanh, xây dựng mảng xanh trong gia đình và khu dân cư gắn với nội dung trợ vốn, tặng phương tiện làm ăn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh. 

Hội LHPN sẽ tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho hội viên, phụ nữ với mục tiêu “Đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc”. 

Bà Trần Thị Phương Hoa

(Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM)

Tại hội nghị, ban tổ chức đã tuyên dương, khen thưởng cấp Nhà nước và TPHCM cho nhiều tập thể và cá nhân

Ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, bà Đỗ Thị Thảo, nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Q.7, nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tám tập thể, cá nhân vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba gồm: HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Q.6; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Q.7; Hội Chữ thập đỏ TPHCM; Trường đại học Văn Lang; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TPHCM; bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi; Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn Lang, vì thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ trao tặng vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

TPHCM cũng có 21 tập thể và 50 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dịp này, UBND TPHCM cũng trao Cờ thi đua cho tám tập thể và bằng khen cho 121 tập thể.

Thiên Ân - Ngọc Tuyết

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI