TPHCM: Tốc độ thực hiện các dự án đầu tư công còn chậm

06/07/2022 - 11:16

PNO - Trong 6 tháng đầu năm 2022, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt 19% so với kế hoạch.

 

Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng báo cáo tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X ngày 6/7. Ảnh: Quốc Ngọc
Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng báo cáo tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X ngày 6/7 - Ảnh: Quốc Ngọc

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X ngày 6/7, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 3,82%. Tốc độ tăng trưởng quý II tăng hơn 3 lần so với quý I.

Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 4,83%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,23%, khu vực nông nghiệp tăng 1,77%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,03% so với cùng kỳ. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 0,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,5%.

Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 238 ngàn tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán năm và tăng 17,5% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ.

Có 5/9 ngành dịch vụ của TPHCM có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ là ngành vận tải, kho bãi (tăng 7,51%); ngành thông tin truyền thông (tăng 8,18%); ngành tài chính, ngân hàng (tăng 9,91%); ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (tăng 6,46%); ngành y tế (tăng 6,85%).

Có 3/9 ngành có mức tăng trưởng dưới 6% là bán buôn, bán lẻ (tăng 3,10%); dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 2,08%); giáo dục và đào tạo (tăng 4,99%). Chỉ có ngành kinh doanh bất động sản giảm đến 5,82%.

Theo lãnh đạo UBND thành phố, do diễn biến khó lường của các xung đột địa chính trị trên thế giới, nhất là xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine làm cho nguy cơ lạm phát tăng. Tình hình thị trường nguyên nhiên liệu tăng mạnh trong điều kiện nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước đang tăng cao để triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giá cả một số ngành hàng thiết yếu cũng ảnh hưởng theo giá xăng dầu.

Mặc dù Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ đạt 19% so với kế hoạch năm 2022. Tỷ lệ giải ngân thấp chưa thực sự tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội.

Bên cạnh đó, chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của TPHCM còn thấp. Thành phố ở trong nhóm B, so với năm 2020, chỉ số cải cách hành chính đã tụt hạng, xếp hạng 43 với chỉ số 86,05% (năm 2020 xếp hạng 23, chỉ số 84,7%).

Việc triển khai lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.

Ngoài ra, khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp, chưa đạt kế hoạch theo yêu cầu. Một phần do những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung; mặt khác, môi trường đầu tư còn chưa hấp dẫn, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiều thời gian.

UBND TPHCM xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 nhằm tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. UBND thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế; khắc phục nhanh các tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, tập trung bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành y tế thành phố; nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng đề án phát triển công nghiệp sản xuất sinh phẩm, vật tư và trang thiết bị y tế thành phố.

Thành phố tiếp tục cập nhật các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Rà soát, tập trung triển khai kế hoạch cải cách hành chính thành phố năm 2022. Xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đi đối với công tác khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức làm đúng, dám nghĩ, dám làm.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện; từng dự án sử dụng vốn ngân sách phải xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết triển khai thực hiện; tiếp tục tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng theo kế hoạch…

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI