TPHCM tính cách giữ chân giáo viên tiểu học

17/02/2023 - 06:32

PNO - Giáo viên tiểu học có cường độ công việc vất vả chỉ sau giáo viên mầm non, đặc biệt với yêu cầu bắt buộc dạy 2 buổi/ngày của chương trình mới. Do đó, TPHCM đang xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên tiểu học trước tình trạng nghỉ việc tăng cao.

Một lớp học ở Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) có sĩ số 57 học sinh, phải kê bàn ghế lên sát bục giảng - ẢNH: P.T
Một lớp học ở Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) có sĩ số 57 học sinh, phải kê bàn ghế lên sát bục giảng - Ảnh: P.T

Vất vả gấp đôi nhưng thu nhập không đổi 

Cô Phạm Thị Ngọc Xuân - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) - chia sẻ, mỗi ngày làm việc của cô kéo dài khoảng 10 tiếng. Lớp có 57 học sinh, quá tải, chật chội thường trực, bàn ghế kê san sát, thậm chí phải xếp sát bục giảng mới đủ chỗ ngồi. Đặc thù của giáo viên tiểu học không chỉ dạy nhiều môn mà còn hỗ trợ chăm sóc học sinh, vừa dạy vừa giữ trật tự, giải quyết vô số những tình huống phát sinh của học trò.

Mỗi buổi dạy, cô Ngọc Xuân không ngừng đi đi, lại lại, len lỏi qua từng dãy bàn kê san sát trong lớp để cố gắng hướng dẫn từng em. Đến buổi trưa, cô lại hỗ trợ bảo mẫu cho học sinh ăn, ngủ, giám sát để đảm bảo an toàn cho các em. Sau đó, cô tranh thủ chấm vở học sinh, soạn giáo án, hoàn thiện hàng loạt giấy tờ, sổ sách, cập nhật thông tin học sinh lên hệ thống, soạn đề kiểm tra...

“Nếu việc không xong, lại phải mang về nhà để buổi tối tranh thủ làm tiếp. Giáo viên vừa phải cập nhật thông tin học sinh lên hệ thống, lại vừa phải viết bằng tay vào học bạ. Những công việc có tên lẫn không tên của giáo viên tiểu học nhiều vô kể” - cô Ngọc Xuân kể.

Tương tự, cô Trang Thị Nhàn - giáo viên Trường tiểu học An Phú Tây, huyện Bình Chánh - cũng cho hay cùng với yêu cầu đổi mới hiện nay, giáo viên phải dành nhiều thời gian để học tập công nghệ, soạn giáo án điện tử, đổi mới phương pháp giảng dạy. Do đó, cô thường xuyên phải ôm việc về nhà, “vật lộn” với đủ thứ hồ sơ sổ sách...

Cô chia sẻ: “Tôi chỉ còn khoảng 2 năm nữa là nghỉ hưu, nhiều lúc áp lực quá cũng muốn xin nghỉ sớm nhưng nhìn học sinh lại cố gắng bám trụ với nghề. Chứ thực sự với khối lượng và yêu cầu công việc nặng nề thì mức lương 11-12 triệu đồng/tháng cho thâm niên 37 năm công tác là không tương xứng”.

Bà Huỳnh Thị Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Giáp - cho rằng với thực trạng học sinh đông, sĩ số cao hiện nay, không chỉ giáo viên mà cán bộ quản lý cũng rất áp lực. Theo quy định hiện nay, sĩ số của lớp tiểu học không quá 35 học sinh, nhưng thực tế tại trường, sĩ số các lớp đều trên 50, đa phần 55-58 em/lớp. Như vậy, giáo viên phải gồng gánh công việc gấp rưỡi so với những lớp có sĩ số đúng chuẩn.

Một trong những vấn đề mà các trường tiểu học hiện nay trăn trở là với quy định dạy 2 buổi bắt buộc theo chương trình mới, các trường không được thu thêm học phí buổi hai. Do đó, với các lớp Một, Hai, Ba đang triển khai chương trình mới, thầy cô phải dạy gấp đôi trước đây nhưng lại không có thêm thu nhập.

Hiện nhà trường đang dùng nguồn thu buổi hai của các khối Bốn, Năm này để san sẻ với các thầy cô lớp Một, Hai, Ba. Nhưng những năm học tới, chương trình mới cuốn chiếu đến lớp Bốn, Năm, trường sẽ không còn nguồn thu để hỗ trợ giáo viên nữa.

Vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”?

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp - nhìn nhận: Suy cho cùng, đối với việc xây dựng chính sách thu hút giáo viên tiểu học thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là tiền để cải thiện thu nhập. Hiện nay cấp trung học dạy 2 buổi/ngày được thu thêm, còn tiểu học không được thu. Giáo viên tiểu học phải dạy gấp đôi trước đây nhưng thu nhập không đổi thì lâu dần sẽ bị mất động lực làm việc.

Do đó, cần có quy định cụ thể về số tiết nghĩa vụ buổi hai, nếu vượt quá số tiết này thì phải có hỗ trợ cho thầy cô. Trong trường hợp ngân sách không kham được thì cho phép xã hội hóa. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất duy trì thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03, đó là cách tạo động lực không chỉ cho giáo viên tiểu học mà toàn bộ công chức, viên chức ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM - cũng nhìn nhận, khối lượng công việc của giáo viên tiểu học rất nhiều, số tiết nghĩa vụ theo quy định cũng cao hơn giáo viên THCS và THPT.

Trong 3 năm học từ 2020-2021 đến nay, đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 giáo viên tiểu học rời ngành giáo dục, một nửa số đó là chủ động xin nghỉ việc. Toàn thành phố hiện thiếu hơn 3.600 giáo viên tiểu học. Các thầy cô hiện nay đang phải choàng gánh, đảm đương lượng công việc nặng hơn 25% so với quy định.

Giáo viên mới tuyển dụng có hệ số lương khởi điểm thấp, chỉ hơn 3,3 triệu đồng/tháng, trong khi theo nghiên cứu chi phí sinh hoạt trung bình ở TPHCM là 11,4 triệu đồng/người/tháng. Việc không thu phí buổi hai càng khiến nhiều giáo viên không còn tha thiết dạy học ở các trường công lập, với lý do thời gian làm việc ở trường nhiều hơn trước, nhưng thu nhập lại giảm.

“Nhiều giáo viên sau khi trúng tuyển, biết được mức thu nhập đã quyết định rời nhiệm sở được phân công để chuyển nghề. Do đó, rất cần các chính sách hỗ trợ lương, thu nhập cho giáo viên tiểu học, trong đó có giáo viên mới ra trường. Đồng thời, tính toán học phí buổi thứ hai để bù đắp sức lao động cho giáo viên” - ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng nói.

Đề xuất chính sách hỗ trợ thu nhập

Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất hỗ trợ thêm 25% số lương cơ bản cho giáo viên tiểu học. Bên cạnh đó, hỗ trợ khuyến khích giáo viên tiểu học có trình độ chuyên môn, cụ thể 1,5 triệu đồng/người/tháng với trình độ tiến sĩ và 1,2 triệu đồng/người/tháng với trình độ thạc sĩ.

Đối với giáo viên tiểu học mới ra trường và nhân viên y tế, văn thư, kế toán được tuyển dụng mới, đề nghị hỗ trợ thêm trong 3 năm đầu, cụ thể năm đầu hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ ba hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng.

Vấn đề cốt cõi là giảm sĩ số lớp

Vấn đề bức thiết hiện nay đối với công tác giáo dục là phải giảm sĩ số học sinh trong lớp. Giảm sĩ số lớp không chỉ thể hiện tính hiện đại của một nền giáo dục mà còn giúp giảm áp lực lao động của giáo viên cũng như đảm bảo phát huy năng lực người học theo yêu cầu mới.

Thành phố cần một chiến lược, quy hoạch đất đai xây dựng trường lớp đồng bộ, bài bản, chứ không thể làm theo tình huống nhất thời. Quỹ đất ở thành phố khó khăn hơn ở nông thôn, song không có nghĩa là không còn đất, phải rà soát những nơi sử dụng chưa hiệu quả, bỏ trống để tận dụng cho giáo dục. Đây là vấn đề của cả bộ máy thành phố chứ không riêng ngành giáo dục. Việc xây dựng hệ thống trường lớp khang trang, tổ chức những lớp học hiện đại sẽ là giải pháp căn cơ để giảm tải cho giáo viên, thu hút nhân lực cho ngành sư phạm.

Ông Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI