TPHCM là đô thị có tỉ lệ cây xanh công cộng trên đầu người khá thấp trong khu vực, khoảng 0,5m2/người. Càng ngột ngạt hơn khi thành phố bước vào giai đoạn nắng nóng như hiện nay đối với các tuyến đường vắng bóng cây xanh. Giải pháp nào cho bài toán thiếu hụt mảng xanh của thành phố?
|
Người dân lưu thông trên đường Cách Mạng Tháng Tám trưa 16/2 cảm thấy ngột ngạt vì thiếu bóng cây - Ảnh: Tam Nguyên |
Đường phố ngột ngạt do thiếu bóng cây
Giữa trưa, chị Lê Thị Hòa (TP Thủ Đức) chở con trai tan học theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng về Quốc lộ 13. Khói bụi, kẹt xe, nắng nóng khiến chị như muốn ngất xỉu. Chị nói, suốt 12 năm qua kể từ ngày vào TPHCM sinh sống, chị đã qua lại hàng ngàn lần trên trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những khi chạy xe máy giữa trưa nắng gắt, chị cứ ước con đường này cũng rợp bóng cây như đường Sương Nguyệt Anh (quận 1) hay Ngô Gia Tự (quận 5).
Vào lúc chị Hòa chở con về nhà, trên biểu đồ nhiệt độ ở TPHCM, nhiệt độ ở những khu vực ít cây xanh và nhà cao tầng cao hơn hẳn so với các khu vực khác. Đây là lý do khiến những người chạy xe giữa trưa trên những con đường không có cây xanh cảm thấy oi bức, mệt mỏi, khó chịu.
Ông Lê Đình Quyết - Phó phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, nhiệt độ ở mỗi khu vực lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nhưng có một điều chắc chắn là, ở cùng một khu vực, tuyến đường nào có nhiều cây xanh thì nhiệt độ thấp hơn vài độ C so với tuyến đường không có cây xanh. Cây xanh ở đô thị có vai trò như một chiếc máy điều hòa, tạo bóng mát, ngăn bức xạ trực tiếp, hấp thụ khí CO2 và phát tán ô xy.
Theo kế hoạch phát triển công viên, cây xanh công cộng đã được UBND TPHCM phê duyệt, đến năm 2025, TPHCM sẽ phát triển thêm 150ha đất công viên, nâng diện tích công viên công cộng trên đầu người ở TPHCM lên 0,65m2/người (quy mô dân số ước tính 10 triệu người) và tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh đô thị, giới thiệu và trồng thêm 20 loài cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thành phố. |
Ông phân tích: “Ở những tuyến đường ít cây xanh, người ta thấy ngột ngạt là do các phương tiện xả khí CO2 lớn, mặt trời lại bức xạ trực tiếp. Thêm nữa, khi không có cây xanh, mặt đường rất nóng và hắt hơi nóng lên”.
Theo các chuyên gia, tỉ lệ về cây xanh đạt tiêu chuẩn là 12 - 15m2/người, gồm cây xanh công viên 7 - 9m2/người, cây xanh vườn hoa 3 - 3,6m2/người và cây xanh đường phố 1,7 - 2m2/người. Trong khi đó, theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, tỉ lệ cây xanh ở TPHCM chỉ đạt khoảng 0,5m2/người. Hiện TPHCM chỉ có gần 110.000 cây xanh đô thị, phục vụ cho hơn 10 triệu dân và đa phần là cây ven đường.
Nỗ lực phủ xanh
Trước thực trạng này, nhiều địa phương tại TPHCM thời gian qua xoay xở để phát triển mảng xanh trên địa bàn mình. Cụ thể, sau kỳ nghỉ tết Quý Mão, các công nhân ngành cây xanh bắt tay ngay vào việc phủ xanh khu đất bỏ hoang nhiều năm dọc Quốc lộ 1, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Khu đất này rộng hơn 3ha, bị bỏ hoang nhiều năm nên trở thành nơi đổ rác tự phát. Từ tháng 7/2022, các đơn vị chức năng đã bắt tay thực hiện dự án tăng cường mảng xanh cho khu đất này, dự kiến trong 150 ngày.
|
UBND TPHCM đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh đô thị (trong ảnh: Mảng xanh trên đường Nguyễn Văn Linh đoạn qua quận 7) - Ảnh: Sơn Vinh |
Từ đó đến nay, công nhân đã trồng hàng ngàn cây xanh ở khu này, đồng thời cũng hoàn thành việc lót gạch tạo lối đi công viên. Chị Phạm Thị Kiều - công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam - phấn khởi: “Trước đây, không ai dám lui tới khu này vì toàn rác, mùi hôi. Giờ có công viên cây xanh nên buổi tối, gia đình tôi có thể đi bộ ra đây hóng mát”.
Cách đó không xa, ở ngã tư Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm, 4 góc đường là 4 khu cây xanh rợp bóng mát. Vào mỗi buổi trưa, các công nhân, người lao động tự do thường nghỉ mát ở các công viên nhỏ này. Ông Trần Dề (phường An Lạc, quận Bình Tân) kể, những hôm về nhà trọ thấy nóng quá, ông chạy ra ngã tư này nằm nghỉ trên chiếc xe máy.
Xế chiều, chị Lưu Thanh Trà (khu phố 2, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) dắt con gái ra “công viên thanh niên” vừa hoàn thành ở gần nhà để vui chơi. Chị cho biết, khu đất 1.200m2 này trước đây bị bỏ hoang, chỉ toàn cỏ, rác bẩn. Vừa qua, Thành đoàn TP Thủ Đức đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, hoa, lắp máy tập thể dục để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Mấy tháng qua, người dân ở phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức cũng chung tay xây dựng công viên cây xanh ở khu phố 3 với diện tích gần 45.000m2 - nơi trước đây là khu đất trống, thường xuyên bị vứt rác bừa bãi. Người dân và chính quyền phường này cũng dọn dẹp, trồng hàng ngàn cây xanh trên khu đất trống ven rạch Giồng Ông Tố, biến nơi đây thành công viên rợp bóng mát.
|
Người dân ở phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức trồng cây xanh ven rạch Giồng Ông Tố - Ảnh: Sơn Vinh |
Từ năm 2021, UBND TP Thủ Đức đề ra mục tiêu đến năm 2025, trồng mới thêm 1 triệu cây xanh. Do đó, sắp tới, TP Thủ Đức sẽ có thêm nhiều công viên, mảng xanh để cải thiện môi trường sống, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân - năm 2022, quận Bình Tân đã hoàn thành một công viên cây xanh với diện tích 3,3ha, vượt 1,5ha so với chỉ tiêu. Năm 2023, quận đề ra chỉ tiêu phát triển thêm 1,5ha công viên.
Hàng ngàn cây xanh không phù hợp chủng loại
Trong khi tỉ lệ mảng xanh công cộng của thành phố chưa đạt, thì có một thực tế khác, do vấn đề lịch sử, cây xanh trên đường phố ở TPHCM có nhiều loại không nằm trong danh mục cây nên trồng trong đô thị. Ví dụ như ở quận 7, có rất nhiều cây điệp phèo heo. Đây là cây không nằm trong danh mục cây trồng nhưng vẫn tồn tại đến nay. Không ít tuyến đường ở TPHCM có cây sọ khỉ, cũng nằm trong danh mục cây không được trồng trên đường phố.
Theo tiến sĩ Đinh Quang Diệp, để phát triển cây xanh đô thị một cách hiệu quả và bền vững, ngành chức năng TPHCM cần có giải pháp xử lý các cây xanh cũ để trồng mới cho phù hợp với đô thị. “Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, hiện TPHCM có khoảng 3.000-4.000 cây xanh không đáp ứng tiêu chuẩn về chủng loại cây trồng đô thị hoặc đã tồn tại lâu, không đạt tiêu chuẩn. Để xử lý số cây này, cần có đánh giá cụ thể cây nào cần bỏ đi, cây nào cần giữ lại. Cây nào trong danh mục cũ mà phát huy tác dụng, phù hợp với các tiêu chí đô thị hiện nay thì phải đưa vào diện bảo tồn. Cây nào già cỗi, đường kính tiết diện lớn, nguy cơ gãy đổ cao thì phải thanh lý để bảo đảm an toàn” - tiến sĩ Đinh Quang Diệp cho biết.
|
Con đường dẫn vào một khu dân cư trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân rợp bóng mát khiến nhiều người cảm thấy dễ chịu giữa trưa nắng oi bức - Ảnh: Sơn Vinh |
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp - nguyên Trưởng bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường đại học Nông Lâm TPHCM: Cần quy hoạch mảng xanh một cách bài bản Trước tình trạng thiếu mảng xanh công cộng như hiện nay, có thể tận dụng vỉa hè để trồng thêm cây xanh. Tuy nhiên, diện tích này cũng không đáng kể. Một giải pháp khá hiệu quả là học cách làm của Singapore, xây dựng các công trình vườn xanh, vườn treo, vườn trên mái, sân thượng. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, cần khuyến khích người dân chủ động trồng cây ở nơi mình sinh sống. Chính quyền TPHCM cần quy hoạch phát triển mảng xanh một cách bài bản hơn. Khi quy hoạch, xây dựng các công trình, dự án (nhà máy, khu công nghiệp), cần tuân thủ nghiêm quy định về chỉ tiêu, tỉ lệ mảng xanh. Thực tế, có tình trạng chủ đầu tư đảm bảo mảng xanh bằng cây giả, cây loại nhỏ, cỏ… nên không hiệu quả. Song song với đó, cần tập trung phát triển các mảng xanh công cộng. Hiện nay, ở khu vực nội thành, việc tăng mảng xanh công cộng là không dễ, nên cần tập trung phát triển mảng xanh công cộng ven đô. TPHCM chủ trương phát triển các đô thị vệ tinh. Việc quy hoạch mảng xanh cho các đô thị này cần bài bản và thực hiện nghiêm khi hình thành các đô thị vệ tinh, vẫn phải chú ý giữ cho được 2 mảng xanh cực lớn là rừng Cần Giờ và rừng ở Củ Chi. Khi quy hoạch mảng xanh ở TPHCM, cần chú ý đến loài cây. Cây xanh đô thị, đường phố không nên quá nhiều loài, chỉ cần 40-50 loài là đủ. Việc đa dạng loài, đa dạng sinh học cần tập trung trong công viên. Hiện nay, các nước không chọn cây trồng đô thị quá cao mà chỉ khoảng 15m trở xuống. Ngoài ra, chọn loài còn hướng đến những loài chịu được sự cắt tỉa. |
Sơn Vinh - Tuyết Dân