TPHCM tìm giải pháp “cứu” tiểu thương các chợ

06/04/2022 - 15:19

PNO - Là nơi tập trung nhiều chợ truyền thống lớn, lãnh đạo quận 5 cho hay, quận đã ghi nhận tình hình kinh doanh của tiểu thương gặp khó, mong muốn được hỗ trợ.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022 do UBND TPHCM tổ chức chiều ngày 5/4, bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND quận 5, cho hay tình hình chung là các tiểu thương bày tỏ sự khó khăn trong kinh doanh so với trước; đồng thời kiến nghị chính quyền gỡ khó, có sự hỗ trợ đặc biệt trong các vấn đề thuế, phí.

“Quận 5 cũng đang rà soát các chính sách về thuế đối với hộ kinh doanh, tiểu thương và làm việc với Chi cục Thuế quận để có hướng tháo gỡ, hỗ trợ tiểu thương” - bà Trương Minh Kiều chia sẻ, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan những chính sách nhằm hỗ trợ tiểu thương trong tình hình khó khăn chung này.

Khó khăn, nhiều tiểu thương đóng sạp
Khó khăn trong kinh doanh, nhiều tiểu thương đóng sạp

Theo Sở Công thương TPHCM, mặc dù các số liệu tăng trưởng của quý I/2022 cao song mãi lực ở chợ đang rất thấp, tiểu thương thành phố đang gặp nhiều khó khăn.

Sở Công thương TPHCM cho biết, hiện Hội đồng Nhân dân TPHCM đang tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 20/2017 về thông qua quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiều giải pháp về nâng cấp, sửa chữa và đầu tư cho chợ truyền thống hoạt động, dẹp chợ tự phát. Đồng thời giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09/2021 của HĐND TPHCM về một số chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong đó có tiểu thương.

“Chúng tôi mong các địa phương quan tâm thực hiện các nghị quyết này để giành lại quyền lợi cho tiểu thương kinh doanh trên địa bàn thành phố” - đại diện Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh.

Sở Công thương TPHCM đồng thời cho biết, thời gian qua Sở cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động kinh doanh của tiểu thương, trong đó hướng đến nhu cầu chuyển đổi số, hướng dẫn tiểu thương chuyển đổi hình thức kinh doanh nhằm cải thiện khó khăn.

Theo báo cáo, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, tăng 8,35% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so cùng kỳ.

Thành phố duy trì chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30-50% thị phần. Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình Bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của thành phố với nguồn hàng tại các địa phương, khôi phục hoạt động các chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.

Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống... đã mở cửa trở lại toàn hệ thống, tổ chức kinh doanh song song cả phương thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online), liên kết với những thương hiệu ứng dụng gọi xe công nghệ để thực hiện hoạt động khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI