TPHCM tiếp tục giữ vững vị thế hạt nhân tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ

31/07/2024 - 10:40

PNO - Sáng ngày 31/7, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ tại TPHCM nhằm bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại cũng như phát triển xuất nhập khẩu hiệu quả.

Thông tin tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết: Dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả Vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.

Về xuất khẩu, theo bà, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỉ USD; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỉ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng Đông Nam Bộ có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TPHCM, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)… Kết quả trên cho thấy khí thế mới, cách làm mới, tư duy, phương pháp luận mới và cách tổ chức thực hiện mới của vùng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại sự kiện
Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại sự kiện

Riêng TPHCM - với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, luôn đi đầu trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP đạt 97,8 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 tỉ USD; 6 tháng đầu năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 49,9 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong ngạch xuất khẩu đạt 22 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hầu hết kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau củ… đều tăng.

“Đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế và có ý nghĩa tạo đà tăng trưởng cho 2 quý còn lại của năm 2024” - Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đánh giá.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Dũng, trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 và những năm tiếp theo dự báo tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức và xu hướng bảo hộ thương mại, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn “xanh”, “bền vững” ngày càng khắt khe. Do vậy, TPHCM cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam là thành viên.

Ông cho biết, để phấn đấu thực hiện 2 trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà TP đưa ra gồm: Liên kết để phát triển, nhất là tăng cường liên kết giữa nhà nước với nhà nước, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với Nhà nước nói chung và đặc biệt là liên kết trong vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh bền vững, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh" trong thương mại quốc tế; hướng tới “xanh” hóa sản phẩm - xuất khẩu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp, thân thiện với môi trường để xây dựng hình ảnh “xanh” của doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Vùng Đông Nam Bộ gồm TPHCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Các tỉnh, thành trong Vùng liên kết, tiếp giáp với nhiều vùng khác, như: phía bắc giáp với Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía tây và tây nam giáp Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía đông và đông nam giáp Biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía tây bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI