Thí điểm có kiểm soát
Trình bày tờ trình của UBND TPHCM về quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung ở TPHCM, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, nơi thử nghiệm phương tiện bay không người lái là khu công nghệ cao TPHCM, nơi thử nghiệm xe tự hành là khu công viên phần mềm Quang Trung; nơi thử nghiệm phải có hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ.
Phương tiện bay không người lái dùng thử nghiệm phải có các tính năng cơ bản và thông số kỹ thuật, gồm sải cánh 400 - 1.570mm; thân dài 200 - 1.570mm; chiều cao 100 - 715mm; trọng lượng cất cánh tối đa 70kg; tốc độ bay tối đa 100km/h; tốc độ bay lên tối đa 60km/h; tốc độ bay xuống tối đa 60km/h; tốc độ bay hành trình 80km/h; độ cao bay tối đa không quá 200m.
|
Đại biểu HĐND TPHCM giơ tay biểu quyết tại kỳ họp - Ảnh: Vũ Quyền |
Xe tự hành dùng thử nghiệm phải có các tính năng cơ bản và thông số kỹ thuật đáp ứng tiêu chí, gồm tốc độ di chuyển tối đa 20km/h; có thiết bị điều khiển từ xa thông minh, hiển thị tất cả các thông tin hành trình như chế độ di chuyển, thời gian, điện áp pin, vệ tinh, tốc độ di chuyển, khu vực di chuyển và màn hình giám sát… Thời gian thử nghiệm máy bay không người lái và xe tự hành đều trong khoảng 7g - 17g.
TPHCM sẽ chi khoảng 5,76 tỉ đồng để thực hiện các chính sách về hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới. Trong đó, 4,8 tỉ đồng được sử dụng để thực hiện các hạng mục phục vụ thử nghiệm tại khu công viên phần mềm Quang Trung, kinh phí còn lại được chi cho việc thành lập hội đồng tư vấn đánh giá kết quả thử nghiệm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.
Thảo luận về tờ trình, đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng, nghị quyết không nên quy định quá chi tiết về thông số kỹ thuật các phương tiện mà chỉ nên quyết định khung an toàn. Nhưng ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM - nói: “Sáng tạo không có nghĩa là muốn làm gì cũng được. Trong khuôn khổ thí điểm, cần phải đảm bảo kiểm soát các phương tiện, phương pháp để kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra”. Theo ông, khi soạn dự thảo tờ trình, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tham khảo thông số kỹ thuật của các phương tiện bay không người lái, xe tự hành trên thế giới, tham khảo thêm các thông số trong khuôn khổ pháp lý Việt Nam hiện nay. Trong khi lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo tờ trình, một số sở - đặc biệt là Sở Tư pháp TPHCM - yêu cầu phải có các thông số kỹ thuật nên Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tiếp thu, đưa vào dự thảo tờ trình.
Giải trình thêm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, việc thí điểm có kiểm soát các phương tiện này là nội dung mà UBND TPHCM nhìn ra vấn đề và xin cơ chế, chính sách đặc thù. Trong quá trình này, UBND TPHCM cũng đã trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ liên quan. Ông nói: “Chúng ta chưa hình dung được hết mọi thứ cho nên mới thí điểm và đặt ra giới hạn, tức là có kiểm soát”.
Tăng vốn dự án cải tạo môi trường
Tại kỳ họp, HĐND TPHCM cũng phê duyệt nội dung tờ trình của UBND TPHCM về tăng vốn đầu tư dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) thêm 830 tỉ đồng (từ 8.200 tỉ đồng lên hơn 9.030 tỉ đồng).
Báo cáo tờ trình, ông Võ Văn Hoan cho hay, việc tăng vốn đầu tư là do chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng có sự thay đổi. Bên cạnh đó, dự án cũng cần di dời 7 trụ điện cao thế, nâng cấp 2 tuyến đường dây 500kV đạt cao trình đúng quy định, di dời và tái lập các công trình thuộc khu chôn lấp rác Gò Cát. Chi phí xây dựng cũng tăng thêm do cần bổ sung các công trình hạ tầng thiết yếu như tuyến đường ở các cống kiểm soát triều Vàm Thuật, Nước Lên, 75 bến lấy nước phòng cháy chữa cháy, xây 39 cửa xả và lắp mới các cửa van ngăn triều cho các cống, bổ sung các cầu giao thông tạm phục vụ việc đi lại của người dân ở rạch Đá Hàn. Dự án cũng tăng thêm 3.592m2 đất nhằm bố trí đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật suốt tuyến.
Về thời gian, thay vì kết thúc vào năm 2025 như kế hoạch ban đầu, dự án này được kéo dài tới năm 2026, trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành dự án theo tiến độ đã được phê duyệt và năm 2026 sẽ thanh toán chi phí giữ lại 5% của các gói thầu, bàn giao, quyết toán và kết thúc dự án.
Với chiều dài 32,7km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chảy qua các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Dự án cải tạo tuyến kênh này được khởi công vào tháng 2/2023 với các hạng mục xây kè bê tông 2 bên bờ, nạo vét lòng kênh, xây dựng đường rộng 8 - 12m dọc 2 bên kênh, lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, cùng với 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền và 3 cây cầu kết nối. Theo báo cáo gần đây của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư), sau gần 2 năm khởi công, tiến độ thi công dự án đạt khoảng 37,9%.
Giải trình thêm về việc tăng vốn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án lẽ ra được hoàn thành vào dịp 30/4/2025 nhưng phải điều chỉnh do có những nội dung chưa được tính toán đủ hoặc phát sinh thêm. Do đó, việc điều chỉnh vốn sẽ góp phần giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ. Theo ông, điều chỉnh tổng mức đầu tư là việc bình thường của một dự án, không có sự cố, tiêu cực hay khuất tất; nếu có thì phải bị xử lý.
Việc giám đốc của đơn vị chủ đầu tư bị khởi tố có khiến dự án bị chậm tiến độ do thiếu người điều hành, nhưng UBND TPHCM đã kịp thời củng cố lại nhân sự. Ông nói: “Tới giờ này, chúng ta chưa đặt vấn đề dời tiến độ, nhưng để hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 30/4/2025 cũng là một thách thức. UBND TPHCM cam kết với HĐND TPHCM sẽ tập trung điều hành để dự án cơ bản hoàn thành, đảm bảo khối lượng, chất lượng, tiến độ”.
“Trong kỳ họp, các đại biểu đã tích cực thảo luận, thông qua 8 nghị quyết, trong đó có 6 nghị quyết về kinh tế, ngân sách, đầu tư công và 2 nghị quyết về công tác nhân sự. Tôi đề nghị UBND TPHCM khẩn trương chỉ đạo các cơ quan tham mưu những nội dung liên quan, đồng thời thực hiện các báo cáo về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 2025; kết quả thực hiện chủ đề năm 2024 cùng các tờ trình khác cho kỳ họp HĐND TPHCM thường lệ cuối năm”. Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM |
Điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2024 Kỳ họp HĐND đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Theo đó, số vốn được tăng lên là 7.962,018 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng những dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là 11,457 tỉ đồng; vốn những dự án sử dụng ngân sách thành phố tập trung là 7.257,08 tỉ đồng; vốn những dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố bố trí cho những dự án trước đây dùng vốn ngân sách quận là 11,473 tỉ đồng; vốn ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho các huyện, TP Thủ Đức là 682,008 tỉ đồng. Nghị quyết cũng giảm số vốn đầu tư công 7.962,018 tỉ đồng theo đề xuất của các đơn vị, trong đó vốn những dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố tập trung là 7.537,055 tỉ đồng; vốn những dự án trước đây sử dụng vốn ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận là 7,9 tỉ đồng; vốn ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho các huyện, TP Thủ Đức là 417,063 tỉ đồng. |
Vũ Quyền - Thanh Tâm