TPHCM thúc đẩy công nghệ xanh tại Hội nghị Khoa học Quốc tế 2025

10/04/2025 - 12:57

PNO - Các giải pháp xanh, công nghệ mới nổi, cùng trí tuệ nhân tạo là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Khoa học Quốc tế GSETS 2025 tổ chức tại TPHCM.

Ngày 9/4/2025, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã phối hợp với Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TPHCM (HCMC C4IR) công bố tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” lần thứ 2 – năm 2025 (GSETS 2025).

Đây được xem là sự kiện khoa học quan trọng, hứa hẹn mở ra không gian kết nối, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước và cộng đồng quốc tế.

Ảnh: Thanh Tâm
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng các đại biểu, khách mời thực hiện nghi thức ra mắt Tạp chí Materials and Emerging Technology for Sustainability (METS) - Ảnh: Thanh Tâm

Hội nghị GSETS 2025 tập trung thảo luận xoay quanh 3 chủ đề trọng tâm mang tính đột phá: vật liệu tiên tiến và công nghệ sản xuất xanh, các giải pháp cùng công nghệ cho phát triển bền vững, và khoa học dữ liệu kết hợp trí tuệ nhân tạo phục vụ mục tiêu bền vững. Đây là những lĩnh vực mang tính thời đại, không chỉ bắt nhịp với xu hướng toàn cầu, mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay: “Khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và tài nguyên dần cạn kiệt, phát triển bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đó là nền tảng để chúng ta kiến tạo một tương lai thịnh vượng, nơi kinh tế, môi trường và xã hội hòa hợp”.

Ông đánh giá cao chủ đề của GSETS 2025, khẳng định sự kiện này không chỉ phù hợp với định hướng toàn cầu, mà còn gắn chặt với tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Ông Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đang đi đầu trong việc xây dựng chiến lược thúc đẩy khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Một minh chứng rõ nét là sự ra đời của HCMC C4IR - kết quả của sự hợp tác giữa UBND TPHCM và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Là 1 trong 21 trung tâm thuộc mạng lưới toàn cầu, và là trung tâm thứ hai tại Đông Nam Á, HCMC C4IR được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối đưa Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp quốc tế, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng nền kinh tế hiện đại, sáng tạo, xanh.

Để tận dụng tối đa tiềm năng của hội nghị, ông Hoan đề xuất ba nội dung thảo luận trọng tâm. Trước tiên, cần thống nhất khái niệm phát triển bền vững và xây dựng tầm nhìn chung về các giải pháp xanh, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Thứ hai, ông kêu gọi chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để đưa ra những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực trạng TPHCM. Cuối cùng, ông nhấn mạnh việc đề xuất các biện pháp cụ thể và khuyến nghị chính sách nhằm phát triển các công nghệ chiến lược, phục vụ mục tiêu bền vững của thành phố.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó giám đốc HCMC C4IR - chia sẻ về vai trò của trung tâm trong việc hiện thực hóa các mục tiêu lớn. Theo đó, HCMC C4IR sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại địa phương và quốc gia; hỗ trợ triển khai các chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh; đồng thời hợp tác với WEF để xuất bản các báo cáo chuyên sâu, định hình các chương trình nghị sự mang tầm khu vực và quốc tế.

Trong khuôn khổ GSETS 2025, Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã tổ chức lễ ra mắt Tạp chí Materials and Emerging Technology for Sustainability (METS). Tạp chí quy tụ gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các quốc gia như Úc, Mỹ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc.

METS hứa hẹn trở thành diễn đàn khoa học uy tín, nơi công bố những nghiên cứu tiên phong về vật liệu, công nghệ và giải pháp bền vững. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI