TPHCM thúc đẩy các dự án phục vụ tăng trưởng xanh

24/01/2024 - 06:20

PNO - Nhiều dự án xử lý nước thải, chỉnh trang đô thị, phát triển công nghệ cao sẽ được đưa ra mời gọi vốn đầu tư tại hội nghị kêu gọi đầu tư vì sự tăng trưởng xanh, do UBND TPHCM và Ngân hàng Thế giới tổ chức theo kế hoạch được diễn ra hôm nay (24/1). Đây là những dự án quan trọng thúc đẩy cho xu hướng phát triển xanh, bền vững ở đô thị đông dân nhất cả nước.

Hướng tới đô thị xanh, sạch, đẹp

Hằng ngày, đi ngang kênh Tân Hóa - Lò Gốm (chạy qua các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú), người dân không khỏi “nín thở” bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ dòng kênh đen kịt. Cách đây hơn 8 năm, tuyến kênh này đã được nạo vét, chỉnh trang đẹp đẽ, xanh trong, nhưng nay lại tái ô nhiễm nghiêm trọng. Các tuyến kênh khác như Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng trong cảnh ô nhiễm hoặc tái ô nhiễm. 

Chuyên gia góp ý TPHCM cần chú trọng kêu gọi đầu tư vào các dự án giao thông công cộng năng lượng sạch. Trong ảnh: Tuyến xe buýt điện đầu tiên của TPHCM - Ảnh: Minh Linh
Chuyên gia góp ý TPHCM cần chú trọng kêu gọi đầu tư vào các dự án giao thông công cộng năng lượng sạch. Trong ảnh: Tuyến xe buýt điện đầu tiên của TPHCM - Ảnh: Minh Linh

Hiện nay, tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (dài 33km, chảy qua 7 quận, huyện) đang được nạo vét, chỉnh trang nhưng nhà máy xử lý nước thải (hoàn thành giai đoạn 1) chỉ có công suất 15.000m3/ngày, không đáp ứng được nhu cầu của toàn lưu vực nên kênh có nguy cơ tái ô nhiễm sau khi tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng chỉnh trang.

Hiện nay, TPHCM đang thiếu trầm trọng nhà máy xử lý nước thải. Theo quy hoạch, ở 12 lưu vực thoát nước, sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay, chỉ có 3 nhà máy được xây xong và hoạt động chưa hết công suất. Mỗi ngày, TPHCM có trên 3 triệu m3 nước thải nhưng chỉ hơn 10% trong số đó được xử lý, còn lại đổ thẳng ra kênh, rạch.

Ông Nguyễn Huy Bình - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (thuộc UBND TPHCM) - cho hay, trong hội nghị về tăng trưởng xanh lần này, ban kêu gọi đầu tư vào 4 dự án nhà máy xử lý nước thải với tổng vốn gần 20.600 tỉ đồng. Đây là các dự án nằm trong quy hoạch vùng thoát nước thải của TPHCM. Trong đó, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải phía tây thành phố sẽ giúp xử lý 180.000m3 nước thải mỗi ngày cho lưu vực Bình Tân; dự án nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm (huyện Bình Chánh) có công suất 300.000 m3/ngày, dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 (TP Thủ Đức) có công suất 200.000 m3/ngày và giai đoạn 2 của nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (quận 12) có công suất 250.000 m3/ngày. 

Trong hội nghị này, lãnh đạo chính quyền TPHCM cũng kêu gọi nguồn vốn 9.477 tỉ đồng cho các dự án chỉnh trang đô thị, gồm nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường ở bờ nam kênh Đôi ở quận 8 - nơi còn hàng ngàn căn nhà lấn chiếm kênh, vừa nhếch nhác, vừa phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Dự án dự kiến di dời khoảng 2.670 hộ dân trên và ven kênh, xây dựng kè bảo vệ bờ, hệ thống đường giao thông ven bờ, kết nối với đường Phạm Thế Hiển.

Dự án này có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, tạo ra cuộc sống mới cho cộng đồng dân cư đông đảo, có ý nghĩa về mặt môi trường, phát triển xanh và bền vững của cả khu vực. 

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - nhận định, việc kêu gọi đầu tư thành công vào các dự án xử lý nước thải và chỉnh trang đô thị sẽ là thành công bước đầu cho quá trình giải quyết ô nhiễm môi trường ở đô thị đông dân nhất cả nước. Theo ông, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh phải bắt đầu bằng việc cải thiện và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chú trọng phát triển điện tử, vi mạch

Cũng trong hội nghị này, Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM sẽ mời gọi đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học. Trong đó, có dự án đóng gói vi mạch bán dẫn theo công nghệ tiên tiến, sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp thuộc các lĩnh vực dân dụng, y tế, ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh, quốc phòng, sản xuất linh kiện, thiết bị ngành hàng không vũ trụ. Ngoài ra, ban còn kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế để cung cấp dịch vụ công nghệ cao.

Việc chỉnh trang đô thị, xử lý nước thải ở các tuyến kênh rạch sẽ giúp TPHCM phát triển xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu giao thông, du lịch đường thủy của người dân - Ảnh: Minh Linh
Việc chỉnh trang đô thị, xử lý nước thải ở các tuyến kênh rạch sẽ giúp TPHCM phát triển xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu giao thông, du lịch đường thủy của người dân - Ảnh: Minh Linh

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - dự báo, trong tương lai, lĩnh vực điện tử bán dẫn sẽ rất phát triển. Hiện nay, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chỉ mới thu hút đầu tư ở khâu lắp ráp, hoàn thiện, đóng gói sản phẩm, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn vào khâu thiết kế. TPHCM có tiềm năng về nguồn nhân lực, chiếm tỉ trọng rất lớn trong việc cung cấp nhân lực thiết kế bán dẫn nên có thể thu hút đầu tư ở lĩnh vực này. TPHCM cũng có khá đông công nhân, kỹ sư lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có thể đóng góp nguồn nhân lực cho các dự án. 

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, TPHCM có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất mà các doanh nghiệp bên trong sắp hết thời hạn hợp đồng. TPHCM có thể tận dụng các khu này để thu hút đầu tư, phát triển thành khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị dịch vụ thông minh, khu công nghiệp hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo, khu công nghiệp tích hợp hạ tầng hậu cần, vận tải (logistics), dự án nông nghiệp xanh kết nối với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái… 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 - cho rằng, tăng trưởng xanh, bền vững là vấn đề sống còn của TPHCM. Chính quyền TPHCM nên tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển giao thông công cộng, dự án giao thông đường thủy không sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giảm xe cá nhân; ban hành các loại phí để giảm rác thải nhựa; sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon; chuyển đổi ngay 5 khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi ở huyện Cần Giờ.

“TPHCM nên xây dựng thêm các đề án tự phát hành hoặc cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh đi kèm các quy định, cơ chế, chính sách theo hướng đền bù rủi ro và đảm bảo tài trợ. Đây sẽ là nguồn vốn quan trọng phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, dự án đốt rác phát điện, nạo vét kênh rạch, giao thông, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa, dự án thích ứng biến đổi khí hậu trong tương lai” - ông Trần Du Lịch nói. 

Tăng trưởng xanh là “luật chơi mới” để hội nhập quốc tế

Tăng trưởng xanh, bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là “luật chơi mới”, là cơ hội để TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. Để thu hút được sự đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào TPHCM, cần phải xem cơ chế pháp lý đã sẵn sàng để thu hút đầu tư chưa. Chúng ta hay nói về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh nhưng chỉ là định hướng, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về nhà đầu tư xanh, cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư xanh. 

Ví dụ, ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, do có những cơ chế rõ ràng về giá nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Khi tận dụng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, chính quyền TPHCM có thể phát triển các dự án xanh ở lĩnh vực giao thông vận tải, đô thị, chế biến, sản xuất, công nghiệp, nhưng phải có quy định cụ thể, có thông tin để nhà đầu tư chủ động xem xét. 

Nguồn lực xanh rất quan trọng trong thu hút đầu tư. Trước đây, chúng ta có đào tạo nhân lực về năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn hạn chế, đến nay vẫn phải cần các chuyên gia nước ngoài thực hiện. Để thu hút đầu tư, cần xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng mà các doanh nghiệp đầu tư có sự cộng sinh, kết nối được với nhau. Chẳng hạn, khi đầu tư vốn vào TPHCM thì ngành công nghiệp phụ trợ phải phát triển, mới giảm chi phí cho nhà đầu tư, nên cần có chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Thời gian qua, khi sang Việt Nam đầu tư, các tập đoàn lớn như Samsung phải lôi kéo các doanh nghiệp từ các nước khác tham gia chuỗi cung ứng. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn

Minh Linh - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI