TPHCM: Thiếu thuốc trị tay chân miệng nặng, bệnh viện phải dùng tiết kiệm

22/06/2023 - 20:37

PNO - Các bệnh viện tại TPHCM thiếu thuốc điều trị tay chân miệng nặng, đang xin ý kiến của Bộ Y tế để khắc phục.

Ngày 22/6, Đoàn công tác Bộ Y tế đã đến TPHCM giám sát công tác phòng chống tay chân miệng và sốt xuất huyết. Đoàn công tác đi thực địa trường mầm non, khu dân cư và kiểm tra tình hình điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Một trong những bệnh viện đang điều trị cho hàng loạt trẻ tay chân miệng nặng và nguy kịch của phía Nam. 

Trong buổi làm việc, phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết số lượng trẻ mắc tay chân miệng hiện nay không tăng nhiều, nhưng số ca nặng lại có xu hướng gia tăng. Trong đó, rất nhiều trẻ nặng và nguy kịch. 

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM ngày 22/6
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM ngày 22/6

Bên cạnh đó, các bệnh nhi mắc tay chân miệng rất nặng ở tuyến dưới cũng đã được bác sĩ bệnh viện hội chẩn từ xa, hỗ trợ thực hiện lọc máu, kịp thời cứu sống. “Do bệnh nhi quá nặng, nếu chuyển các bé đi thành phố sẽ có nguy cơ tử vong rất cao, nhất là trên đường đi” - bác sĩ Hùng chia sẻ. 

Mặc dù Phenobarbital truyền tĩnh mạch sẽ được cung ứng dự kiến vào tháng 7/2023 thì Gamma Globulin đang khan hiếm trên toàn cầu. Các thuốc Gamma Globulin và Phenobarbital truyền tĩnh mạch điều trị tay chân miệng nặng lại đang thiếu và đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Hiện bệnh viện cũng phải sử dụng thuốc rất tiết kiệm trong khi chờ đợi.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết trong thời gian chờ các nguồn cung thuốc đầy đủ hơn, các bác sĩ sẽ hội chẩn để có quyết định tốt nhất cho bệnh nhi nhưng vẫn có thể để dành thuốc cho các trường hợp nặng khác. 

Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Cục quản lý dược cho biết đã nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM về việc thiếu thuốc điều trị tay chân miệng. Riêng thuốc Gamma Globulin có 13 số đăng ký ở Việt Nam. Sau dịch, thuốc này lại khan hiếm trên toàn cầu. Một trong số nguyên nhân là thuốc được điều chế từ huyết tương, nguyên liệu thiếu hụt nên nhà sản xuất chỉ sản xuất theo đặt hàng trước.

Hiện tại, có khoảng 300 lọ còn ở kho của Bệnh viện Chợ Rẫy, trên 2.000 lọ tại kho của một công ty dược. Khoảng giữa tháng 8, thuốc có thể nhập về thêm.

Một em bé mắc tay chân miệng nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Một em bé mắc tay chân miệng nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Ông Vương Ánh Dương - Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - cho biết, trong trường hợp thiếu Gamma Globulin, bệnh viện có thể xin đề xuất thay thế bằng thuốc khác. Việc thử nghiệm dùng sớm corticoid cho trẻ tay chân miệng có thể thực hiện và báo cáo lại Bộ Y tế. 

Qua đó, phó giáo sư Nguyễn Thanh Hùng đề xuất có quy định về phân bổ chuyển tuyến tay chân miệng cho 4 bệnh viện Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để giảm áp lực, đảm bảo bệnh nhân được điều trị tốt nhất mà không quá tải cục bộ một bệnh viện.

Cục Quản lý khám chữa bệnh đồng thuận với đề xuất trên và cho rằng cần có văn bản chính thức theo hướng cụ thể hơn. Ngoài ra, cần đánh giá xem trẻ mắc tay chân miệng đang được chuyển tuyến đúng hay không vì nhiều ca ở tỉnh chuyển lên rất muộn và nặng.  

Theo các chuyên gia, năm 2023, dịch tay chân miệng tăng cao ngay mùa hè, sớm hơn mọi năm (vào mùa tựu trường). Mặc dù số ca không tăng nhưng lượng bệnh nặng tăng so với những năm trước. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định hiện nay dịch tay chân miệng đang nổi trội và thời gian tới có thể là sốt xuất huyết. Các đơn vị tại TPHCM đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã đảm bảo phân luồng, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, điều trị và cứu sống được nhiều ca bệnh nặng. 

Bà Liên Hương đề nghị Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục phối hợp chặt với Bộ Y tế để kịp thời nắm bắt vấn đề thiếu thuốc, cũng như cập nhật thuốc thay thế. Qua đó Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị bệnh viện phối hợp cùng Cục Quản lý khám chữa bệnh, báo cáo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn để sớm ban hành văn bản áp dụng với các bệnh viện trên toàn quốc.

Theo báo cáo của TPHCM, tính đến ngày 22/6, số ca mắc tay chân miệng tích lũy đến tuần 24 là 2.933 ca, thấp hơn 53,2% so với cùng kỳ năm 2022, chưa ghi nhận ca tử vong trên địa bàn thành phố. Số ca nặng cũng gia tăng và đã phát hiện EV71 trong các trường hợp nặng ở TPHCM và phía Nam. EV71 là tác nhân gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.

Bộ Y tế cũng đã rất chủ động về vấn đề thuốc điều trị. Ngay từ tháng 12/2022, Bộ đã có công văn đề nghị các sở y tế tỉnh thành dự trù số lượng thuốc để tránh bị động, dù việc dự kiến là rất khó. Trong trường hợp thuốc hiếm, chưa có số lưu hành, Bộ Y tế sẽ chỉ đaọ các đơn vị tìm kiếm nhà cung ứng, làm hồ sơ cấp phép.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI