TPHCM thiếu nơi đổ bùn sau khi nạo vét kênh, rạch

21/04/2022 - 06:21

PNO - Sắp tới, ngành chức năng TPHCM sẽ thực hiện nhiều dự án chỉnh trang kênh, rạch và nạo vét luồng đường thủy nội địa. Chỉ riêng luồng đường thủy nội địa, việc nạo vét sẽ phát sinh từ 2-5 triệu m3 bùn thải/năm, trong khi TP.HCM chỉ có một khu xử lý chất thải tập trung. Khó khăn trong khâu xử lý bùn thải có thể khiến các dự án chậm tiến độ, tăng chi phí.

Dự án chậm do không có nơi đổ bùn thải

Kỹ sư Nguyễn Tiến Vinh (công tác tại một doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án môi trường) cho biết, hiện nay, chủ đầu tư và doanh nghiệp ngại nhất khi thực hiện dự án môi trường ở TPHCM là tìm nơi đổ bùn thải không ô nhiễm và xử lý bùn thải ô nhiễm sau khi nạo vét.

Ông cho biết, theo quy định, trước khi thực hiện các dự án nạo vét sông, rạch, để tập trung bùn nạo vét không ô nhiễm trên bờ, chủ đầu tư phải tự tìm vị trí dự kiến tiếp nhận bùn đất phát sinh từ dự án và liên hệ với UBND quận, huyện nơi đó để xin ý kiến. Ông kể: “Cách đây không lâu, chúng tôi thực hiện một dự án môi trường khá lớn ở TPHCM. Chúng tôi đã tư vấn cho chủ đầu tư một điểm đổ bùn thải nạo vét ở một huyện ngoại thành nhưng sau nhiều tháng chờ đợi, UBND huyện này không đồng ý”. Hiện chi phí xử lý bùn thải là 1,3 triệu đồng/tấn nên nếu đem bùn thải đi xử lý thì chi phí phát sinh của dự án sẽ rất lớn. 

Hiện tại, nhiều dự  án chỉnh trang kênh  rạch, nạo vét luồng  đường thủy gặp khó  khăn do thiếu nơi  xử lý bùn nạo vét  (trong ảnh: Các công  nhân đang tập kết  bùn nạo vét từ rạch  Lăng, Q.Bình Thạnh,  TP.HCM)
Hiện tại, nhiều dự án chỉnh trang kênh rạch, nạo vét luồng đường thủy gặp khó khăn do thiếu nơi xử lý bùn nạo vét (trong ảnh: Các công nhân đang tập kết bùn nạo vét từ rạch Lăng, Q.Bình Thạnh, TPHCM)

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả đường thủy nội địa, phục vụ việc vận tải hàng hóa, hành khách, cần ưu tiên nạo vét luồng. Lượng chất thải từ nạo vét sẽ rất lớn, ước tính 2 - 5 triệu m3/năm. Trong khi đó, TPHCM chỉ có một khu xử lý chất thải tập trung là Khu xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước. Bùn thải do nạo vét được tập kết về đây chủ yếu là bùn đất ô nhiễm cần phải xử lý, với khối lượng tiếp nhận hạn chế. TPHCM chưa có quy hoạch vị trí bãi đổ chất thải từ hoạt động nạo vét vùng cảng biển, đường thủy nội địa và các hoạt động xây dựng có phát sinh bùn, đất không ô nhiễm.

Sắp tới, các ngành chức năng của TPHCM sẽ thực hiện hàng loạt dự án chỉnh trang sông, kênh, rạch với quy mô bùn thải dự kiến khá lớn, như nạo vét rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, kênh Hy Vọng… Theo các chuyên gia, khi thực hiện các dự án này, phải tính toán đến việc xử lý bùn thải để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - nhận định: “Việc xử lý bùn thải sau khi nạo vét ở TPHCM lâu nay khá bế tắc. Trước đây, cũng có nhiều đơn vị nghiên cứu giải pháp cho việc xử lý bùn thải nhưng chưa đi đến đâu cả. Sắp tới, TPHCM sẽ thực hiện nhiều dự án nạo vét, chỉnh trang kênh, rạch, mỗi dự án sẽ phát sinh hàng trăm ngàn tấn bùn thải. Do đó, cơ quan quản lý cần có phương án cho vấn đề này để dự án không bị ách tắc”.

Cần có bãi đổ bùn thải tập trung

Được biết, việc xử lý bùn đất, bùn nạo vét từ các dự án nạo vét cảng biển, vùng nước nội địa ở TPHCM lâu nay là theo văn bản hướng dẫn do UBND TPHCM ban hành năm 2018. Theo hướng dẫn này, chủ đầu tư phải có trách nhiệm liên hệ với UBND quận, huyện nơi đổ bùn thải để được cho ý kiến về sự phù hợp của vị trí và phạm vi đổ bùn thải. Trên thực tế, thời gian chờ phản hồi của các địa phương khá lâu, thường kéo dài 2-3 tháng, có khi nửa năm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án và kế hoạch giải ngân vốn ngân sách. Phần lớn địa phương không đồng ý tiếp nhận hoặc vị trí mà chủ đầu tư đề xuất chưa phù hợp quy hoạch của địa phương. 

Để giải quyết vướng mắc này, mới đây, Sở GTVT TPHCM đã gửi văn bản đề xuất UBND TPHCM bố trí, xây dựng hai bãi đổ chất thải nạo vét tập trung trên bờ, rộng 50ha/bãi và có khả năng tiếp từ 1-2 triệu m3/năm. Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, bùn đất ở bãi đổ tập trung trên bờ hằng năm sẽ được đưa đi làm đất trồng cây hoặc san lấp mặt bằng hoặc có thể tận dụng để làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng.

Theo giáo sư Lê Huy Bá, trong bối cảnh hiện tại, việc lập một bãi đổ bùn thải tập trung trên bờ là giải pháp tình thế có thể chấp nhận được. Bãi này cần có khoảng cách nhất định với nguồn nước và khu dân cư để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một giải pháp tốt hơn, đó là xử lý và tận dụng bùn thải để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. 

 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI