TPHCM: Thầy cô, học sinh trong niềm vui về những ngôi trường mới

30/08/2024 - 06:17

PNO - Năm học 2024-2025, TPHCM đưa vào sử dụng 18 công trình trường học mới, hiện đại. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục thành phố trong việc tăng số lượng trường học, hạ sĩ số lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Đã sát giờ vào lớp, 7 giờ sáng ngày tựu trường, nhưng Vũ Bình Minh - học sinh lớp Năm Trường tiểu học Đinh Công Tráng (phường An Lạc, quận Bình Tân) - vẫn còn háo hức chạy tới lui khám phá ngôi trường mới. Những dãy phòng học màu xanh lam, khoảng sân trường rộng lớn với nhiều bồn cây xanh, tường lớp học được trang trí bằng bản đồ, hình vẽ… thật vui mắt với Minh. Niềm vui của em cũng là niềm vui chung của học sinh ở 18 trường học mới tại TPHCM.

Cô trò Trường tiểu học Đinh Công Tráng (phường An Lạc, quận Bình Tân) trong lớp học khang trang ở ngôi trường mới
Cô trò Trường tiểu học Đinh Công Tráng (phường An Lạc, quận Bình Tân) trong lớp học khang trang ở ngôi trường mới

Nôn nao với trường học mới

Những năm học trước, Minh học ở Trường tiểu học An Lạc 1. Trường mới đẹp hơn, lại gần nhà nên em rất thích. Em còn được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú với các bạn. Không riêng học sinh, giáo viên cũng rất hào hứng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy - giáo viên lớp Một của trường - bộc bạch: “Học sinh mới, đồng nghiệp mới, cơ sở vật chất mới làm tôi thấy rất nôn nóng được bắt đầu năm học”.

Trường tiểu học Đinh Công Tráng được xây trên diện tích 12.987m2, có 28 phòng học và các phòng chức năng với tổng kinh phí 198,933 tỉ đồng. Năm học này, trường có khoảng 650 học sinh từ khối Một đến khối Năm. Vì phần đông học sinh lần đầu tiên được học 2 buổi/ngày, trường sẽ tổ chức bán trú để thuận lợi cho các em và phụ huynh.

Đứng trước cổng Trường THCS Bình Trị Đông B (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) trong buổi sáng tựu trường, Trần Nam Khánh - học sinh lớp Sáu - đưa mắt nhìn theo bóng nắng hắt trên những dãy tường màu xanh lam mới toanh và khoảng sân rộng lớn.

Em hạnh phúc nói: “Đây là lần đầu tiên em được học ở một ngôi trường lớn và đẹp như thế này. Em nghĩ là mình phải sớm làm quen với các bạn trong lớp để còn khám phá trường học nữa”. Khánh là 1 trong số 648 học sinh khối Sáu, cũng là khối lớp duy nhất của trường trong năm học này.

“Ngôi trường chính là niềm mong mỏi của người dân phường Bình Trị Đông B vì từ nhiều năm nay, địa bàn phường không có trường THCS” - Hiệu trưởng nhà trường Hồ Thanh Danh nói.

Đây là công trình có vốn đầu tư lớn nhất trong 7 công trình trường học mới của quận, lên đến 276,459 tỉ đồng. Với tổng diện tích 14.430m2, trường chia thành 3 dãy phòng với 36 phòng học và các phòng chức năng.

Hiện tại, trường đã biên chế được 18 giáo viên và 1 nhân viên. Thời gian tới, trường sẽ thỉnh giảng giáo viên ở các vị trí còn thiếu để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, đồng thời tuyển dụng thêm giáo viên theo từng năm.

Thầy Hồ Thanh Danh nói thêm: “Trường được định hướng xây dựng chuẩn quốc gia và tiên tiến, hội nhập quốc tế giai đoạn 2026-2030. Năm học này, trường tuyển 8 lớp tăng cường tiếng Anh, triển khai chương trình tin học quốc tế và nhiều chương trình khác”.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân - cho hay, năm học 2024-2025, quận dự kiến đón hơn 6.800 trẻ vào lớp Lá, hơn 10.000 học sinh vào lớp Một và 10.530 học sinh vào lớp Sáu.

Quận đã nỗ lực đưa vào sử dụng 7 trường học mới, gồm 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường THCS. Năm nay là năm quận xây dựng được nhiều phòng học nhất sau 10 năm.

Việc này giúp các trường tiểu học giảm sĩ số xuống còn trung bình 37 học sinh/lớp, duy trì ổn định sĩ số bậc THCS là 45 học sinh/lớp. Trong năm tới, quận tiếp tục đưa vào sử dụng thêm nhiều ngôi trường mới nữa.

Học sinh Trường tiểu học Đinh Công Tráng (phường An Lạc, quận Bình Tân) vui chơi ở sân trường trong giờ ra chơi
Học sinh Trường tiểu học Đinh Công Tráng (phường An Lạc, quận Bình Tân) vui chơi ở sân trường trong giờ ra chơi

Nâng cao chất lượng dạy và học

Ngoài quận Bình Tân - địa phương có số lượng trường được khánh thành nhiều nhất trong năm học này - các địa phương khác như: quận 3, 5, 6, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… cũng có công trình trường học khang trang được khánh thành.

Tại huyện Hóc Môn, Trường tiểu học Lê Văn Phiên (xã Tân Thới Nhì) có diện tích đất xây dựng là 6.000m2. Ngoài 20 phòng học, các phòng chức năng, trường còn có hồ bơi, sân chơi, sân thể dục thể thao, nhà ăn… phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Trường có 15 lớp với tổng cộng 525 học sinh, sĩ số bình quân là 35 học sinh/lớp.

Chị Nguyễn Xuân - ngụ xã Tân Thới Nhì, có con là học sinh của trường - kể: “Khi đưa con đi học, tôi bị bất ngờ trước không gian và cơ sở vật chất hiện đại của ngôi trường mới. Tôi nghĩ rằng ở độ tuổi tiểu học mà con được tiếp xúc với môi trường giáo dục như thế này thì thật sự quá tốt”.

Còn tại quận 12, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thới An) cũng đã hoàn tất các hạng mục công trình, sẵn sàng khánh thành vào ngày 4/9 tới đây. Năm học trước, trường đã hoàn thành 10 phòng học để đón học sinh lớp Một trong khi việc xây dựng vẫn được tiến hành xuyên suốt.

Hiện, trường có 21 phòng học, 2 phòng tin học, 2 phòng giáo dục nghệ thuật và 2 phòng ngoại ngữ. Với 7 lớp Một và 6 lớp Hai, trường bảo đảm 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và tham gia bán trú - điều mà phụ huynh luôn mong mỏi từ nhiều năm qua.

Theo Phòng GD-ĐT quận, trước đây, phường Thới An chỉ có 1 trường tiểu học là Kim Đồng nên học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày. Trường mới đã giảm đi rất nhiều áp lực sĩ số cho trường tại phường và các trường lân cận.

Khánh thành từ đầu năm 2024 nhưng phải đến đầu năm học này, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (phường 10, quận 6) mới đi vào hoạt động. Trường có vốn đầu tư gần 162 tỉ đồng, nằm ngay mặt tiền đường Trần Văn Kiểu, diện tích gần 19.000m2 với 40 phòng học, các phòng chức năng, sân bóng, nhà ăn…

Ông Lưu Hồng Uyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 - thông tin, năm học này, trường giảng dạy cho học sinh khối Sáu, Bảy và Tám. Trong đó, học sinh khối Bảy, Tám được điều chuyển từ những trường học lân cận sang để bảo đảm tất cả học sinh đều được học 2 buổi/ngày, sĩ số không quá 45 học sinh/lớp. Đồng thời tạo điều kiện để học sinh được học gần nhà và nâng cao chất lượng giáo dục cho toàn quận.

Thêm 5 dự án trường học đi vào hoạt động cuối năm 2024

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, năm học 2024-2025, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng 24.097 học sinh so với năm học trước. Thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 23 trường học mới.

Trong đó, có 18 dự án (413 phòng học) hoạt động từ ngày 5/9 và 5 dự án (63 phòng học) đi vào hoạt động chậm nhất là tháng 12/2024. Việc có thêm gần 500 phòng học góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, không gian cho học sinh. Ước tính năm 2024, thành phố sẽ đạt tỉ lệ 296 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI