TPHCM - tham gia giao thông bằng xe đạp còn nhiều khó khăn

06/09/2023 - 12:36

PNO - Là người đi làm bằng xe đạp mỗi ngày, anh Hoàng Anh Thắng nhận xét, chạy xe đạp ở TPHCM không an toàn, chỗ gửi xe cũng khó kiếm.

Nơm nớp lo âu khi lưu thông trên đường

Mỗi ngày, cứ đúng 7g, anh Hoàng Anh Thắng (32 tuổi) lại đạp xe 15km từ nhà (quận Tân Bình) đến nơi làm việc (TP Thủ Đức). Ban đầu, anh định chạy xen kẽ xe đạp và xe máy giữa các ngày để rèn luyện sức khỏe nhưng dần dần nghiện đạp xe nên bỏ hẳn việc chạy xe máy đi làm. 

Anh Hoàng Anh Thắng cho biết, việc đi xe đạp ở TPHCM còn thiếu an toàn và việc gửi xe đạp cũng khó khăn, bất tiện
Anh Hoàng Anh Thắng cho biết, việc đi xe đạp ở TPHCM còn thiếu an toàn và việc gửi xe đạp cũng khó khăn, bất tiện

Theo anh, việc đi bằng xe đạp không an toàn như đi ô tô, xe máy bởi phải vừa đạp vừa giữ thăng bằng, không tạo ra tiếng động để người khác biết đường mà tránh. Thêm nữa, các bãi xe cũng không muốn nhận giữ xe đạp. Người chạy xe đạp thường phải mang thêm các dụng cụ cá nhân nhưng các tòa nhà văn phòng, trụ sở công ty không có tủ đựng đồ cá nhân. 

Lê Minh Kiên - 24 tuổi, ở quận Tân Bình - kể, anh thường đạp xe vào cuối tuần như một cách rèn luyện sức khỏe. Anh phải chạy chung làn với xe máy, ô tô và từng bị va quẹt với xe máy, phải vào bệnh viện điều trị. Anh mong có làn đường ưu tiên cho xe đạp để không phải nơm nớp lo âu mỗi khi đạp xe trên đường.

Hơn 3 năm nay, cứ 5g mỗi sáng, ông Nguyễn Minh Lộc - 52 tuổi, ở quận Bình Thạnh - đều đặn đạp xe dọc đường Hoàng Sa và Trường Sa (quận 3) cùng nhóm bạn để rèn luyện sức khỏe, mỗi ngày 10km. Theo ông, đạp xe là cách hay để rèn luyện sức khỏe. Nếu các tuyến đường có làn riêng cho xe đạp, sẽ ngày càng đông người đạp xe hơn, để tập thể dục, đi làm.

Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam - cho hay, từ ngày công ty mở dịch vụ xe đạp công cộng (tháng 12/2021) đến nay, đã có 600.000 lượt thuê xe đạp. Ứng dụng (app) TNGo cũng được đông đảo người dùng đánh giá cao về chất lượng, sự thân thiện.

“Dịch vụ xe đạp công cộng ở trung tâm TPHCM hoạt động khá ổn định. Xe đạp công cộng dần trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của một số người. Nhưng, đa số người dân vẫn e dè khi dùng xe đạp bởi mật độ giao thông ở TPHCM đông đúc, không an toàn, thuận lợi cho người đạp xe”. Theo ông, ngành giao thông nên tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp nhằm tăng tính an toàn, từ đó khuyến khích người dân đi xe đạp. 

Đầu tư hạ tầng dành cho xe đạp

Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 10 thành phố được thiết kế thân thiện với người đi xe đạp, điển hình là Copenhagen - thủ đô của Đan Mạch - với khoảng 62% công dân đạp xe đi làm hoặc đi học. Chính quyền thành phố này không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và thiết kế lại bố cục đô thị. Singapore cũng là một thành phố thân thiện với xe đạp.

Người dân trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng ở khu trung tâm TPHCM
Người dân trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng ở khu trung tâm TPHCM

Để làm được điều này, Chính phủ Singapore đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng giao thông đô thị như đặt mục tiêu có 800km làn đường dành riêng cho người đi xe đạp và các làn đường riêng này đi qua các nơi có cảnh quan đẹp như bờ sông, công viên, dành rất nhiều không gian trống trong công viên, vỉa hè để làm nơi đậu xe đạp miễn phí.

Chính phủ Singapore cũng quy định người đi xe đạp phải chạy ở làn đường riêng, không chạy vào làn ô tô hoặc vào đường cao tốc, phải bật đèn trước và sau xe khi chạy vào ban đêm, không dùng điện thoại khi đang chạy xe… 

Theo thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Khiêm - đại diện Viện Kiến trúc sư Mỹ (AIA International) tại Việt Nam - ở TPHCM cũng có những tuyến đường có làn dành riêng cho xe đạp như Pasteur (quận 3), Trần Hưng Đạo (quận 1). 

“Tuy nhiên, những con đường như trên ở TPHCM còn rất hiếm. Quy hoạch giao thông đô thị ở TPHCM đang bỏ quên người đi xe đạp và đi bộ. Tôi thấy người chạy xe máy vẫn chạy vào làn xe đạp và leo lên vỉa hè dành cho người đi bộ mỗi khi kẹt xe. Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm cũng gây bất tiện cho người đạp xe đi làm” - ông Nguyễn Khiêm nhận xét. 

Theo ông, hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố. Đến năm 2050, ước tính cứ 10 người thì có 7 người sống ở thành thị. Các thành phố còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp hơn 80% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, các thành phố cũng phát thải ra hơn 70% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. 

Chính quyền TPHCM cần ưu tiên đầu tư phát triển nhiều cây xanh, có chính sách khuyến khích dùng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, trong đó có xe đạp để góp phần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các bản quy hoạch đô thị, quy hoạch về giao thông cũng nên tính đến yếu tố “xanh hóa” này.

Tú Ngân 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI