PNO - Tính đến ngày 3/9, sau 4 ngày TPHCM triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi, có hơn 19.000 trường hợp đã được tiêm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết đã dự trữ đủ vắc xin, đảm bảo tất cả trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn đều được tiêm đầy đủ.
Tính đến ngày 2/9, toàn thành phố đã tiêm vắc xin cho 12.625 trường hợp. Trong ảnh: Trẻ em ở quận Bình Tân tiêm ngừa sởi
Cha mẹ yên tâm khi con được tiêm ngừa
Sáng 2/9, anh Trần Minh Phương (ngụ quận Bình Tân) đưa con gái 4 tuổi đến Trạm Y tế phường Tân Tạo A tiêm ngừa mũi 2 vắc xin ngừa sởi. Ngồi tại khu vực chờ tiêm, anh Phương vui mừng cho biết: “Vừa rồi, nhân viên y tế phường đã đến nhà rà soát, lập danh sách tiêm vắc xin sởi. Tôi đăng ký cho cả 2 con để tiêm đủ mũi. Tuy nhiên, con trai tôi đã 7 tuổi nên bác sĩ nói phải chờ sau khi trạm tiêm hết cho trẻ đến 5 tuổi”. Theo anh Phương, anh không nhớ lịch sử tiêm chủng của con trai, chỉ nhớ bé được tiêm 1 mũi nên khai báo luôn cho con.
Ngồi cùng con ở khu vực theo dõi sau khi tiêm ngừa sởi, chị Nguyễn Thị Vân Anh (ngụ quận Tân Phú) chia sẻ, chị cảm thấy yên tâm hơn khi con được tiêm đủ mũi vắc xin sởi. “Con trai tôi mới 3 tuổi. Những ngày qua, gia đình cứ thấp thỏm vì đang có dịch sởi. Tôi dự định cho con tiêm ngừa sởi ở cơ sở y tế tư nhân thì biết tin trạm y tế phường sẽ tiêm ngừa nên cho con đi tiêm ngay. Vậy là con tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi, khi bé đi học cũng bớt lo lắng hơn” - chị nói.
Tại Trạm Y tế phường 6, quận Bình Thạnh, sau khi nhờ bác sĩ xem lại sổ tiêm ngừa cho con gái 2 tuổi, chị Trần Ngọc Minh Thùy (ngụ quận Bình Thạnh) mới nhớ ra chồng chị đã đưa con đi tiêm ngừa sởi mũi 2 từ tháng Năm tại một trung tâm tiêm chủng tư nhân. Chị cho hay, do cô giáo ở nhà trẻ nhắn tin thông báo phụ huynh đưa con đến trạm y tế phường tiêm ngừa sởi vì có đợt tiêm ngừa, nên sáng sớm đã tranh thủ chở con đi tiêm. Đến nơi, bé được nhân viên y tế khám, tư vấn về bệnh sởi cũng như số mũi tiêm ngừa, chị đã yên tâm cho con đến lớp.
Bác sĩ Hồ Đức Việt - Trưởng trạm Y tế phường Tân Tạo A - cho biết, tính theo hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các phường trong quận có khoảng 150 trẻ chưa được tiêm ngừa sởi mũi 1 và mũi 2. Sau khi lên danh sách, trạm y tế các phường sẽ mời phụ huynh đưa trẻ đi tiêm. Để thuận tiện cho phụ huynh, đảm bảo an toàn tiêm chủng, các tổ tiêm sẽ cố định cho đến hết ngày 4/9. Trạm cũng chia số lượng trẻ tiêm theo từng khung giờ, nhắc nhở đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm chéo.
Tiêm đúng, đủ mũi vắc xin ngừa sởi cho trẻ
Tại quận Tân Phú, ông Nhữ Văn Huy - Trưởng trạm Y tế phường Tây Thạnh - cho biết: “Phường có 3.460 trẻ trong độ tuổi từ 1-5, trong đó trên 98% trẻ đã được tiêm ngừa đầy đủ mũi vắc xin sởi và 294 trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, khi nhân viên y tế đến vận động cho trẻ đi tiêm ngừa, chỉ có khoảng 49% phụ huynh đồng ý cho con tới tiêm chủng. Thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể vận động số phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ đi tiêm, đảm bảo đến ngày 4/9, có 100% trẻ được tiêm ngừa vắc xin sởi”.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - thành phố đã chủ động đặt mua 300.000 liều vắc xin ngừa sởi, sẵn sàng phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, đảm bảo tất cả trẻ từ 1-5 tuổi (kể cả trẻ tạm trú) tại TPHCM được tiêm đầy đủ. Tính đến ngày 2/9, toàn thành phố đã tiêm vắc xin cho 12.625 trường hợp. Trong đó có 77 trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện, 19 trường hợp là nhân viên y tế. Ngày 3/9, có thêm khoảng hơn 7.000 trẻ được tiêm ngừa. Đến nay, không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
“Gia tăng miễn dịch trong cộng đồng đảm bảo đạt trên 95% bằng cách tiêm vắc xin ngừa sởi, đặc biệt bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ bao gồm trẻ mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch... là 2 nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch ứng phó với sởi của thành phố” - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói. Giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm ngừa sởi sẽ kéo dài 1 tháng. Sau đó, TPHCM sẽ triển khai giai đoạn 2, cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin; đồng thời tiếp tục rà soát, tiêm ngừa cho các bé còn sót lại ở giai đoạn 1.
Sở Y tế TPHCM cũng yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh sởi trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên sức khỏe; kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học và các cơ sở bảo trợ xã hội.
Cần “nới rộng” khoảng tuổi tiêm vét
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho rằng, cần tuyên truyền hơn nữa về chiến dịch tiêm ngừa sởi để cha mẹ, người nuôi dưỡng biết thông tin và đưa trẻ đi tiêm; đặc biệt là ở các khu nhà trọ, công ty, xí nghiệp… Khi trẻ đến bệnh viện khám, nhân viên y tế phải khai thác ngay lịch sử tiêm chủng từ cha mẹ và trên cả hệ thống theo dõi tiêm chủng, sổ tiêm ngừa. Tại trường mẫu giáo, nhà trẻ, giáo viên cũng nên khai thác lịch sử tiêm chủng của trẻ, vận động tiêm ngừa để tránh lây lan bệnh trong trường học.
Các bệnh viện tỉnh cũng cần triển khai tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ, bởi trẻ ở các tỉnh sẽ khó có nơi tiêm ngừa. Theo hướng dẫn, nếu trẻ không tiêm ngừa ở trạm y tế được thì đến bệnh viện tiêm, nhất là trẻ thuộc nhóm nguy cơ, mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, hiện nhiều bệnh viện tỉnh vẫn chưa triển khai. Vì vậy, bệnh viện nên phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật ở tỉnh triển khai tiêm ngừa sởi trong bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện. Nếu các bệnh viện tỉnh không triển khai tiêm ngừa, cha mẹ phải đưa con đến bệnh viện tại thành phố để tiêm. Việc di chuyển khi đang có dịch sởi vô tình làm cho bệnh lây lan từ các tỉnh lên TPHCM, và ngược lại.
Ngoài ra, khi sởi bùng phát, bệnh sẽ lây cho nhiều nhóm khác như trẻ lớn hơn 5 tuổi, người lớn, phụ nữ mang thai… Vì vậy, nếu có điều kiện, cần nới rộng khoảng tuổi tiêm vét thì sẽ mau hết dịch sởi cũng như hiệu quả phòng, chống dịch cao hơn.