TPHCM tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại…

09/01/2022 - 17:36

PNO - Công tác này đang cần được đôn đốc bởi vừa qua, tại TPHCM đã xảy ra các vụ bạo lực trẻ em gây bất bình trong dư luận xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM vừa có văn bản đề nghị UBND quận huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em tại địa phương.

Cụ thể, các địa phương tăng cường truyền thông về đường dây nóng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại của công an phường, xã, thị trấn để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ.

Vụ bé N.T.V.A. (8 tuổi, tạm trú P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM) bị “mẹ ghẻ” bạo hành dẫn đến tử vong đang gây phẫn nộ trong dư luận.
Vụ bé N.T.V.A. (8 tuổi, tạm trú P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM) bị “mẹ ghẻ” bạo hành dẫn đến tử vong đang gây phẫn nộ trong dư luận.

 

UBND quận huyện thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác tội phạm và xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ trong Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan để luật và các quy định được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Các địa phương cũng cần tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ và bản thân trẻ về kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra các vụ bạo lực trẻ em gây bất bình trong dư luận xã hội. Để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, xâm hại, với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Trẻ em thành phố, sở đề nghị các quận huyện và TP.Thủ Đức phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp trong phòng ngừa, xử lý các vụ việc liên quan trẻ em tại các cơ quan, đơn vị, UBND phường, xã, thị trấn. Thực hiện quy trình hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục theo quy định.

Các địa phương cần kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ, đồng thời, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ. Tăng cường giám sát công tác phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ em đến từng tổ dân phố, khu phố, các khu nhà trọ, chợ truyền thống, ban quản lý các tòa nhà, chung cư trên địa bàn.

Rà soát, thanh tra toàn bộ cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên toàn quốc

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi  Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian vừa qua những vi phạm pháp luật tại Tịnh Thất Bồng Lai (sau đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An gây bức xúc trong dư luận. Nhằm bảo đảm quyền trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát việc đăng ký, cấp phép hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, các quỹ từ thiện chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát việc tiếp nhận, quản lý các đối tượng trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Đối với việc vận động xã hội, tiếp nhận, sử dụng các nguồn vận động xã hội của các cơ sở trợ giúp xã hội, quỹ từ thiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em, các địa phương tiến hành kiểm tra để bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, quỹ từ thiện chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em, không để tình trạng vi phạm, trục lợi kéo dài.

Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện đồng thời rà soát thường xuyên việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói riêng, bảo đảm trẻ em mồ côi được chăm sóc nuôi dưỡng tốt về cả thể chất và tinh thần, ưu tiên chăm sóc thay thế bởi người thân thích theo quy định của pháp luật.

Kết quả rà soát, kiểm tra của các địa phương báo cáo về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Cục Trẻ em) trước ngày 28/2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các địa phương phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để phối hợp, hướng dẫn giải quyết.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI