TPHCM: Tăng 35 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2023-2024

14/08/2024 - 13:14

PNO - Sáng 14/8, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non.

Toàn thành phố hiện có 1.248 trường mầm non công lập và ngoài công lập; 1.955 nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập tư thục; 266 nhóm trẻ 7 trẻ. Tổng số trẻ mầm non là 340.746 trẻ. Có 265 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (số trường được công nhận trong năm học 2023-2024 là 35 trường); có 26 trường thực hiện chương trình chất lượng cao; có 910 trường tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.

Đại diện các phòng GD-ĐT và các trường mầm non tham dự chương trình - Ảnh: Trang Thư
Đại diện các phòng GD-ĐT và các trường mầm non tham dự chương trình - Ảnh: Trang Thư

Về cơ sở vật chất, toàn thành có 16.608 phòng học (16.321 phòng kiên cố; 287 phòng bán kiên cố). Năm học vừa qua, thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo sửa chữa các công trình trường mầm non với tổng kinh phí là: 294.014 triệu đồng. Bao gồm: 4 dự án nâng cấp mở rộng; 1 dự án cải tạo sửa chữa; 1 dự án thay thế cũ; 4 dự án xây dựng mới.

Có 339.776/340.746 hồ sơ học sinh được cập nhật mã định danh công dân trên hệ thống quản lý của ngành (đạt 99.7%). Năm học 2024-2025 có 101.292/102.448 hồ sơ đã thực hiện đầy đủ thông tin hồ sơ tuyển sinh vào lớp một (đạt 98.9%). Số trẻ 5 tuổi đến trường lớp đạt tỉ lệ 99,5%; hoàn thành chương trình đạt 99,9% và học 2 buổi/ngày đạt 100%. Đặc biệt có 312/312 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trang Thư
Bà Lê Thụy Mỵ Châu phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trang Thư

Bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhận định, năm học vừa qua, ngành giáo dục mầm non thành phố đã đạt được nhiều thành tựu như:

Số trẻ tăng nhưng vẫn đảm bảo đủ chỗ học, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang hiện đại, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ tốt. Các cơ sở luôn chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện chương trình, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học đúng kế hoạch.

Công tác chuyển đổi số trong quản lý giáo dục mầm non gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá và cải cách hành chính hiệu quả như: cập nhật mã định danh trẻ, quản lý dinh dưỡng cho trẻ được cập nhật về trục dữ liệu ngành; công khai các cơ sở mầm non trên hệ thống cổng thông tin Sở GD-ĐT và truyền thông đến người dân.

Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố lần đầu tiên được tổ chức cho các giáo viên ở các cơ sở mầm non độc lập, rút ngắn khoảng cách giữa lĩnh vực công lập và ngoài công lập.

Trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc - Ảnh: Trang Thư
Trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc - Ảnh: Trang Thư

Bà đề nghị: “Năm học 2024-2025, các cơ sở tiếp tục tập trung đón trẻ đến trường đầu năm học mới, bảo đảm an toàn cho trẻ về thể chất lẫn tinh thần. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện chương trình, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu và tăng cường công tác truyền thông. Tiếp tục phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng các hội thảo chia sẻ, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng ngành.

Tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”. Đẩy mạnh bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên mầm non và tạo điều kiện để giáo viên nâng chuẩn đáp ứng Luật Giáo dục 2019. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và trường thực hiện chương trình chất lượng cao. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và trẻ em 3-4 tuổi”.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, tuy đạt được nhiều thành tích nhưng ngành giáo dục mầm non vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như:

Số lượng cơ sở ngoài công lập chiếm tỉ lệ cao và gặp khó khăn về tiêu chuẩn cơ sở vật chất nên tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn thấp.

Các cơ sở công lập gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho đội ngũ nhân viên (nhân viên nấu ăn, phục vụ, bảo vệ, lao công) hợp đồng, vì nguồn ngân sách nhà nước không cấp để chi trả lương cho đối tượng này. Nhà trường tự chi trả theo diện hợp đồng dẫn đến thiếu kinh phí, thu nhập của đội ngũ không cao, chưa thu hút được người lao động đến làm việc. Một số quận, huyện có xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên đăng ký.

Tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi ra lớp tại một số quận, huyện còn thấp. Công tác làm quen tiếng Anh cho trẻ gặp khó khăn về điều kiện giáo viên bản ngữ, giáo viên nước ngoài có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non do chưa có đơn vị tổ chức lớp bồi dưỡng; số trẻ lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tham gia chương trình còn thấp.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI