TPHCM tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng cải cách hành chính năm 2024

06/04/2025 - 13:22

PNO - TPHCM tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng cải cách hành chính, vươn lên vị trí thứ 21 toàn quốc.

Ngày 6/4, Bộ Nội vụ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. TPHCM ghi nhận bước tiến ấn tượng khi vươn lên vị trí thứ 21 trên bảng xếp hạng, tăng 12 bậc so với năm 2023 (xếp thứ 33).

Đây là năm thứ 13 liên tiếp Bộ Nội vụ triển khai đánh giá Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh với bộ tiêu chí mới, gồm 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần, thang điểm tối đa là 100. Bộ tiêu chí này đã được cập nhật, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo đánh giá toàn diện về nỗ lực cải cách của các địa phương.

Từ vị trí 33 vào năm 2023, TPHCM đã vươn lên hạng 21 về cải cách hành chính trong năm 2024 - Ảnh: Thanh Tâm.
Từ vị trí 33 vào năm 2023, TPHCM đã vươn lên hạng 21 về cải cách hành chính trong năm 2024 - Ảnh: Thanh Tâm

Để có được kết quả đáng ghi nhận trên, năm 2024, TPHCM hoàn thành toàn bộ 100% nhiệm vụ cải cách hành chính với 21 chỉ tiêu, 8 nhóm nhiệm vụ và 111 đầu việc cụ thể. Thành phố ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, tổ chức hội họp, hội thảo nhằm tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả triển khai.

Công tác kiểm tra, giám sát được siết chặt, góp phần kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến mới cũng được áp dụng, hướng tới nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS và PAPI. Về cải cách thể chế, trong kỳ báo cáo, TP ban hành 159 văn bản quản lý pháp luật (VBQLPL) cấp thành phố và 163 VBQLPL cấp huyện, bảo đảm đúng quy định và sát với thực tiễn. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kỹ lưỡng với 2.635 văn bản được hệ thống hóa, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Về cải cách thủ tục hành chính, TP tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tinh giản quy trình, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác cải cách chế độ công vụ được chú trọng, với việc tăng cường kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kịp thời sai sót và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Trong lĩnh vực cải cách tài chính công, thành phố đẩy mạnh quản lý chặt chẽ ngân sách, công khai minh bạch thu - chi, đồng thời linh hoạt trong huy động và phân bổ vốn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, TPHCM cũng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển hạ tầng số đồng bộ và tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính.

Báo cáo cũng chỉ ra, về chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS), Hải Phòng giữ vị trí dẫn đầu. Các địa phương tiếp theo trong nhóm cao nhất là Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở nhóm cuối bảng là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.

Đối với mức độ hài lòng về việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, 5 địa phương dẫn đầu lần lượt là Hải Phòng, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh và Hải Dương. Các tỉnh ở nhóm cuối bảng gồm Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.

Về mức độ hài lòng trong cung ứng dịch vụ hành chính công, Hải Dương đứng đầu, tiếp theo là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương có mức độ hài lòng thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Đắk Lắk.

Năm 2024, Bộ Nội vụ đã khảo sát ý kiến của hơn 36.000 người dân trên cả nước. Kết quả cho thấy, người dân kỳ vọng chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ, cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ và tăng cường công khai, minh bạch thông tin.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI