Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 do UBND TPHCM tổ chức ngày 9/1, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - nhấn mạnh: “Nơi nào, lĩnh vực nào để doanh nghiệp phản ánh, chờ đợi lâu, bị phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục, hồ sơ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố”.
Quy hoạch và tận dụng tối đa quỹ đất
Phát biểu trong hội nghị, đại diện các sở, ngành, UBND quận, phường cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội là đầu tư nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, tận dụng triệt để cơ chế đặc thù về quản lý đất đai nhằm phát huy triệt để nguồn lực này.
|
Quỹ đất được xem là lợi thế để phát triển TP.Thủ Đức - Ảnh: Đỗ Minh |
Cuối năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thông qua đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, năm 2021, có sáu giải pháp trọng tâm để triển khai đề án này, trong đó chú trọng các nhóm giải pháp có tính nền tảng cho các thủ tục pháp lý đất đai, tiếp cận từng bước phản hồi của dư luận, người dân trong đánh giá hiệu quả công tác quản lý đất đai, thực hiện kiểm soát quỹ đất công sản, đồng thời sớm nghiên cứu chính sách tạo quỹ đất để phục vụ việc phát triển đô thị của thành phố nói chung và tạo động lực để xây dựng TP. Thủ Đức nói riêng.
Liên quan công tác quy hoạch nhằm tận dụng nguồn lực đất đai, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết UBND TPHCM đang xây dựng bản điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và đang triển khai rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng TPHCM hiện hành, chú trọng rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu 1/5.000, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000.
Theo ông Hoan, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ và đang xem xét lập quy hoạch các huyện để làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị; phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 đối với khu đô thị Tây Bắc; xem xét lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 không gian ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm 657ha; quan tâm công tác lập thiết kế đô thị tại các khu vực lõi trung tâm, khu vực cảnh quan đặc thù, bao gồm rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.
Ông Hoan thông tin, UBND TPHCM đã chỉ đạo nghiên cứu, lập quy hoạch chung khu vực hơn 21.000ha ở TP. Thủ Đức theo tỷ lệ 1/25.000 - 1/10.000, gắn với mục tiêu phát triển giao thông xanh, khả năng chống chịu, quản lý ngập lụt, đặc biệt là lập quy hoạch phân khu cho năm địa điểm gồm Trường Thọ (147ha), Tam Đa và dọc trục Đông Tây mới (1.000ha), hành lang tuyến metro số 1 (493ha), hành lang đường Vành Đai 2 (600ha) và khung chính sách khai thác giá trị đất áp dụng cụ thể cho trục Vành Đai 2.
Công tác chống ngập bền vững cho TP. Thủ Đức hiện hướng đến chọn lựa dự án do chính phủ và doanh nghiệp Hà Lan thực hiện, với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. TP. Thủ Đức được hoạch định sẽ phát triển kinh tế sáng tạo, thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế cho TPHCMvà cùng các vùng kinh tế lân cận.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nhận định, việc thành lập TP. Thủ Đức là cơ hội để tạo ra sự đột phá về thể chế phát triển TPHCM, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong 25 năm tới, vì cả nước và cùng cả nước. Trong giai đoạn 2020-2025, TP. Thủ Đức cần xây dựng thêm 500.000m2 sàn văn phòng hạng A và 1 triệu m2 sàn văn phòng hạng B, hạng C, 1 triệu m2 sàn nhà xưởng.
Đại diện sở này cho rằng, trong các giải pháp về quản lý đất đai, tài sản đô thị, cần chú trọng lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm nhằm đảm bảo sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển đô thị sáng tạo của khu vực.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
TPHCM có lượng doanh nghiệp hoạt động chiếm khoảng 1/3 số doanh nghiệp cả nước. Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động được lãnh đạo TPHCM quán triệt triển khai thông qua nhiều chỉ tiêu cụ thể. Dựa trên đề án Xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Bộ Nội vụ ban hành ngày 30/12/2020, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính với năm mục tiêu trọng tâm, 19 chỉ tiêu cụ thể và 65 nội dung chi tiết để phân công thực hiện.
Việc triển khai kế hoạch sẽ gắn với công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Chính quyền TPHCM sẽ tăng cường kiểm tra theo hướng đột xuất, đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý các hành vi, thái độ thiếu chuẩn mực trong quá trình tiếp công dân, doanh nghiệp, đồng thời tham mưu UBND TPHCM hạ một bậc đánh giá, xếp loại đối với tập thể và thủ trưởng các đơn vị không thực hiện việc đánh giá sự hài lòng hoặc có thái độ phục vụ kém, gây ảnh hưởng chung đến kết quả chỉ số cải cách hành chính của thành phố.
Trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đưa TPHCM vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế, xã hội tốt nhất, chính quyền thành phố sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư; thành lập các hội đồng kinh tế nhằm tận dụng, huy động nguồn nhân lực trí tuệ xã hội tham gia nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách gỡ khó và thúc đẩy phát triển cho từng lĩnh vực; tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp với tổ chức, doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên ngành định kỳ hằng quý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định, chính quyền thành phố quyết tâm thực hiện các giải pháp, tạo bước chuyển mạnh mẽ để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò người đứng đầu: “Nơi nào, lĩnh vực nào để doanh nghiệp phản ánh, chờ đợi lâu, bị phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hồ sơ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về nội dung công tác này”.
TPHCM đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2020
Nhìn nhận về kết quả kinh tế, xã hội của TPHCM trong năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trong bối cảnh khó khăn và thách thức với điều kiện thực tiễn khá đặc thù và chưa từng có tiền lệ, TPHCM vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, sức chống chọi của kinh tế thành phố đã được khẳng định với bảy điểm sáng rõ nét: chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả; việc thực hiện chủ đề năm 2020 Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị được quan tâm triển khai ngay từ đầu năm và đạt nhiều kết quả tích cực; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội dưới tác động của dịch bệnh; việc phục hồi kinh tế đạt kết quả đáng ghi nhận với kết quả tăng trưởng 1,39% so với năm trước (không để tăng trưởng GRDP âm); phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng các cấp được triển khai sâu rộng đến toàn thể cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn; công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ rõ nét thông qua việc triển khai mười giải pháp trọng tâm; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tập trung xây dựng, kiên trì đeo bám, mạnh dạn đề xuất và được trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng như Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Nghị quyết 1111 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TPHCM.
Trong năm 2020, cả ba khu vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp của TPHCM đều tăng trưởng dương; xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,3 tỷ USD; hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng, hơn 8.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với năm 2019; thu ngân sách hơn 371.000 tỷ đồng, đạt 91,86% dự toán. “Đến thời điểm này, có thể khẳng định, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế” - ông Nguyễn Thành Phong đúc kết.
|
Phong Vân