TPHCM tạm đóng trạm y tế lưu động: Vẫn đảm bảo điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19

10/05/2022 - 06:16

PNO - Trước thông tin Sở Y tế TPHCM đề nghị giám đốc trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát số lượng F0 đang cách ly tại nhà để chủ động bố trí, sắp xếp nhân viên y tế của các trạm y tế, tạm đóng trạm y tế lưu động, người dân nửa mừng nửa lo.

Lo dịch chuyển biến bất ngờ

Anh Phạm Văn Tài (37 tuổi, ở Q.Gò Vấp) nói: “Tuy số ca mắc mới đang giảm, nhưng F0 cách ly tại nhà vẫn còn, thêm phần sốt xuất huyết cũng đang tăng. Nếu đóng trạm y tế lưu động, liệu có đủ nhân lực vừa chống COVID-19 vừa giải quyết sốt xuất huyết. Trường hợp một người vừa mắc hai loại bệnh trên, khả năng của y tế địa phương có kịp khám, chuyển bệnh? Tôi nghĩ vẫn nên duy trì trạm y tế lưu động để phòng ngừa trường hợp khẩn cấp”.

Cùng tâm trạng trên, anh Trung Tín (Q.Gò Vấp) lo ngại gia đình anh vừa có người cao tuổi, vừa có hai trẻ nhỏ bảy tuổi và 12 tuổi, vợ chồng anh lại bận rộn công việc, nếu dịch bệnh bùng phát rất khó để chu toàn. “Đợt dịch vừa rồi, cả nhà tôi đều là F0, trong đó cha tôi đã qua đời, các gia đình xung quanh cũng chịu mất mát khá lớn. Việc tạm đóng trạm y tế lưu động, tập trung giải quyết triệt để dịch bệnh là quan trọng, nhưng nếu dịch lại chuyển biến bất ngờ, trạm y tế địa phương rất khó để khoanh vùng xử lý nhanh bởi nhân lực ít”, anh Tín lo ngại.

Trước sự lo ngại của người dân, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp - cho biết, trước đây, dịch COVID-19 bùng phát khi người dân chưa được tiêm ngừa. Vì vậy, số lượng F0 lớn, bệnh nặng cao, bắt buộc phải có trạm y tế lưu động để đến nhà khám, cấp cứu. Hiện nay, với độ phủ vắc-xin tốt, F0 trên địa bàn hầu hết là bệnh nhẹ, được theo dõi qua khai báo trực tuyến. Nhân viên thăm khám, theo dõi sức khỏe từ xa qua điện thoại, ứng dụng công nghệ. 

 

Nhân viên trạm y tế lưu động đến nhà khám cho người dân F0 trong dịch COVID-19 đợt 4 - ẢNH: PHẠM AN
Nhân viên trạm y tế lưu động đến nhà khám cho người dân F0 trong dịch COVID-19 đợt 4 - Ảnh: Phạm An

Ông nói thêm: “Dịch COVID-19 đang trong tầm kiểm soát của các địa phương, để tiết kiệm nhân lực, vật tư, chi phí… sắp xếp lại trạm y tế lưu động là việc nên làm. Người dân có thể yên tâm về năng lực của y tế địa phương như ngành y tế đã trải qua các đợt dịch khốc liệt nhất với ca mắc tăng cao, diễn biến phức tạp… nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm ứng phó với COVID-19”.

Bên cạnh đó, trong hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế và TPHCM có quy định một trạm y tế cơ hữu hoặc một trạm y tế lưu động sẽ quản lý 100 hộ gia đình có người mắc COVID-19. Trên thực tế, không có quận, huyện nào có 100 hộ gia đình mắc bệnh. Cụ thể, hiện tại, ngoài F0 nặng được điều trị ở bệnh viện, mỗi phường ở Q.Gò Vấp chỉ còn vài ca F0 đang được quản lý tại nhà. Số ca mắc mới, phải tiếp cận giảm. Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị có liên quan cũng theo dõi sát biểu đồ dịch bệnh, nhất là vào các dịp lễ, tết. 

Cảnh giác nguy cơ dịch chồng dịch

Khó khăn hiện nay của trạm y tế cơ hữu là ngoài COVID-19, các loại bệnh lây nhiễm khác cũng đang gia tăng. Ngoài sốt xuất huyết, năm nay cũng là chu kỳ bốn năm của bệnh sởi. Vì vậy, trạm y tế cơ hữu vừa phải song hành theo dõi, kiểm soát, xử lý COVID-19 vừa phải chia nguồn lực để “đánh trận” với các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là sốt xuất huyết, sởi, nếu lơ là sẽ có nguy cơ dịch chồng dịch. Chưa kể đến sắp xếp các đội tiêm ngừa trong tiêm vắc xin COVID-19 và tiêm chủng mở rộng cho trẻ, tránh tình trạng các bệnh lây nhiễm cùng quay trở lại.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa cho biết: “Hiện tại, trạm y tế cơ hữu dành gần như 50% nguồn nhân lực để lo cho dịch bệnh, còn lại là tiêm chủng COVID-19, tiêm chủng mở rộng và các chương trình sức khỏe khác nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng nên chịu nhiều áp lực”. 

Theo một đại diện của Trung tâm Y tế Q.10, khó khăn lớn nhất là tái cấu trúc lại trạm y tế cơ hữu bởi diện tích trạm khá nhỏ, và chỉ có ba, bốn nhân viên nay phải tách nhiều khu gồm khu phân luồng trong khám F0, khám bệnh thông thường, chưa kể đến tiêm chủng mở rộng cho trẻ. 

Để giải bài toán này, ngoài kiểm soát F0 theo ứng dụng khai báo trực tuyến, một số trạm y tế lên kế hoạch hẹn giờ khám cho các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, hoặc khám vào khung giờ cố định, tách biệt thời gian khám, chữa bệnh thông thường, nhất là tiêm vắc xin mở rộng. “Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không khả thi nếu nhân viên y tế vô tình bị lây nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, ý thức phòng ngừa bệnh của người dân rất quan trọng. Khi nghi ngờ mình nóng sốt, đau họng do COVID-19, người dân nên khai báo thành thật với nhân viên y tế để được hỗ trợ, tránh lây lan dịch bệnh”, đại diện của Trung tâm Y tế Q.10 cho biết. 

Tổ chức lại hệ thống thu dung, điều trị COVID-19

Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kế hoạch tổ chức lại hệ thống thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay. Dự kiến, nếu sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, dịch bệnh không có diễn biến bất thường, Sở Y tế sẽ trình UBND TPHCM phê duyệt và triển khai trong giai đoạn sắp tới bao gồm: Ngưng hoạt động các trạm y tế lưu động, việc quản lý F0 tại nhà do các trạm y tế đảm trách với sự trợ giúp của công cụ chuyển đổi số, tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.

Đối với các bệnh viện dã chiến tuyến huyện, nếu trong giai đoạn cao điểm dịch đã sử dụng tạm một cơ sở chức năng làm bệnh viện dã chiến thì hoàn trả lại công năng ban đầu. Đồng thời các quận, huyện phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp số F0 tăng cao trở lại.

Tất cả bệnh viện phải thực hiện đồng thời hai chức năng vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và Nhi Đồng Thành phố cùng với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện 175 sẽ là bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19. 

Giải thể các bệnh viện dã chiến thành phố đã tạm ngưng hoạt động trước đó. Đối với các bệnh viện dã chiến ba tầng còn hiện hữu phải duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến ba tầng số 13, tạm ngưng hoạt động dã chiến ba tầng số 14 và 16. Ngưng hoạt động tầng ba của Bệnh viện dã chiến ba tầng Tân Bình do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách.

Phạm An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI