TPHCM: Sớm “đánh thức” nguồn lực từ nhà, đất công bỏ trống

24/02/2025 - 06:51

PNO - Hàng loạt nhà và đất công trên địa bàn TPHCM đang bị bỏ hoang lâu năm, gây lãng phí, nhưng vì nhiều lý do khiến tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm.

Hàng loạt nhà, đất công bỏ trống

Đầu năm 2021, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ. Sau khi sáp nhập, nhiều cơ quan, đơn vị đã được bố trí trụ sở làm việc mới, dẫn đến dôi dư nhiều trụ sở. Nhưng từ đó đến nay, đã 4 năm trôi qua, nhiều nhà đất - tài sản công trên địa bàn vẫn đang bị bỏ hoang, xuống cấp và gây nhiều lãng phí.

Nằm ở 36 Đoàn Kết, phường Bình Thọ, trụ sở Ban Dân vận - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận Thủ Đức cũ đang cửa đóng then cài. Cổng và hàng rào sắt đã xuống cấp, gỉ sét. Trong khuôn viên cỏ mọc um tùm, các công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, một số chỗ bong tróc sơn và bê tông...

Trên đường Lò Lu (phường Trường Thạnh), trụ sở Kho bạc Nhà nước quận 9 - một tòa nhà cao tầng được xây dựng kiên cố, khang trang, xung quanh là một khoảng sân rộng rãi với nhiều cây xanh - cũng đang dần hoang phế. Phía ngoài cổng công trình trở thành nơi đậu xe, bán hàng và tập kết vật liệu. Cây ATM sát bên trở thành nơi cất giữ đồ đạc của nhiều người.

Trụ sở Ban Dân vận - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận Thủ Đức cũ bỏ hoang nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm
Trụ sở Ban Dân vận - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận Thủ Đức cũ bỏ hoang nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm

Chị Nguyễn Thị Huệ (ngụ phường Trường Thạnh) cho biết, từ khi sáp nhập vào TP Thủ Đức, trụ sở Kho bạc Nhà nước quận 9 đóng cửa đến nay. “Nhìn tòa nhà to, khuôn viên rộng, nằm ngay mặt tiền đường mà bỏ hoang, chúng tôi tiếc quá. Chẳng hiểu sao lại bỏ hoang lâu thế!”.

Theo UBND TP Thủ Đức, sau khi sáp nhập vào đầu năm 2021, địa phương này dôi dư 29 trụ sở. Vừa qua, Thủ Đức thành lập 3 trung tâm (Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật) nên đã sử dụng một số trụ sở.

Không chỉ TP Thủ Đức, việc để lãng phí nhà công, đất công cũng diễn ra tại nhiều quận, huyện khác. Cuối năm 2024, Thanh tra TPHCM đã có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng nhà đất công tại một số quận. Theo đó, UBND quận 11 và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận quản lý, để trống 56 nhà, đất, trong đó có 34 nhà, đất thuộc khối hành chính sự nghiệp và 22 nhà, đất thuộc khối dịch vụ công ích.

Còn tại quận 1, UBND quận được thành phố phê duyệt quản lý, theo dõi 186 địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Qua rà soát, UBND quận 1 ghi nhận thêm 42 nhà đất khác thuộc sở hữu nhà nước. Quận đã thống kê, xây dựng phương án xử lý gửi Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Kiểm tra 53 địa chỉ, Thanh tra TPHCM xác định có 19 nhà, đất chưa thực hiện đúng phương án của UBND thành phố đã phê duyệt (gồm 15 địa chỉ được phê duyệt bán đấu giá theo giá thị trường, trong đó có 4 địa chỉ đang để trống, 11 địa chỉ sử dụng tạm làm trụ sở và hoạt động của phường...).

Đặc biệt, có 13 địa chỉ đang để trống gần 2 năm nay. Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1 được giao quản lý, theo dõi 108 địa chỉ theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ với mục đích tạm quản lý cho thuê. Nhưng kiểm tra 37 địa chỉ thì có 7 địa chỉ để trống trên 12 tháng.

Theo thông tin từ Sở Tài chính TPHCM, thành phố hiện quản lý khoảng 13.000 địa chỉ nhà, đất công. Trong đó, hơn 2.000 địa chỉ do trung ương quản lý và gần 11.000 địa chỉ do thành phố quản lý. Trong số đó có hơn 1.000 địa chỉ đang bị bỏ trống vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trụ sở Kho bạc Nhà nước quận 9 cũ nằm trên khu đất rộng ở mặt tiền đường Lò Lu, phường Trường Thạnh bị bỏ trống nhiều năm nay
Trụ sở Kho bạc Nhà nước quận 9 cũ nằm trên khu đất rộng ở mặt tiền đường Lò Lu, phường Trường Thạnh bị bỏ trống nhiều năm nay

Cần những giải pháp quyết liệt

Đại diện UBND TP Thủ Đức cho biết, việc bố trí, sử dụng nhà đất không chỉ liên quan đến quy định tài sản công mà còn liên quan quy hoạch. Ví dụ, Chi cục Thuế TP Thủ Đức cần xây dựng tòa nhà 12 tầng mới đủ chỗ làm việc. Nhưng như vậy thì phải điều chỉnh quy hoạch mới đủ điều kiện xây dựng.

Hiện nay, TP Thủ Đức đang trong quá trình sắp xếp lại nơi làm việc, việc này liên quan đến điều chỉnh quy hoạch để xây dựng và rất mất thời gian. Các trụ sở dôi dư đang được giao về cho các phường quản lý, sử dụng.

Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X diễn ra cuối năm 2024, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Hoàng Hải cho hay, đơn vị đã phối hợp Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) nghiên cứu đề án về quản lý, khai thác và số hóa tài sản công trên địa bàn thành phố. Đến nay, đề án sắp hoàn thành.

“Những công trình chưa được khai thác hiệu quả, sắp tới đề án sẽ có những khuyến nghị, giải pháp để lành mạnh việc quản lý tài sản công trên địa bàn thành phố” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, việc nhà, đất công bỏ trống hoặc chưa được sử dụng hiệu quả dẫn đến sự lãng phí tài nguyên. Thực tế cho thấy, việc bỏ hoang nhà đất còn gây ra sự không hài lòng trong cộng đồng, khi mà nhiều người dân vẫn còn đang thiếu không gian sống và làm việc.

Việc này còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố, bởi những khu đất vàng nếu được sử dụng hiệu quả, có thể mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Ngược lại, khi bị bỏ hoang, chúng không chỉ không đóng góp vào sự phát triển mà còn có thể trở thành điểm nóng của các vấn đề xã hội như tệ nạn và ô nhiễm.

Theo tiến sĩ Trần Quang Thắng, việc quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản công, từ lâu đã là một thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự tham gia của cộng đồng. Cho nên, thành phố cần có những biện pháp thực sự mạnh mẽ và quyết liệt nhằm đảm bảo mọi tài nguyên đều được sử dụng một cách tối ưu và mang lại lợi ích lớn nhất cho xã hội và người dân.

Sử dụng hiệu quả nhà, đất công sẽ tạo ra nhiều nguồn thu

Việc sử dụng hiệu quả nhà, đất công trên địa bàn TPHCM có thể tạo ra nhiều nguồn thu từ tiền thuê nhà, đất, thuế và các khoản đóng góp khác. Các khu đất vàng có thể được sử dụng để xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng như trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, khu thể thao, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phát triển các dự án trên những khu đất này có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, từ đó góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp và nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Khi các khu đất hoang được phát triển sẽ giảm bớt nguy cơ trở thành điểm nóng tệ nạn xã hội, ô nhiễm, và cải thiện môi trường sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân và thúc đẩy phát triển bền vững.

TPHCM cần tạo điều kiện thuận lợi (thuế, phí, lãi suất ngân hàng, thủ tục đấu thầu) cho các nhà đầu tư phát triển các khu đô thị, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân hiện tại. Tăng cường quy trình cấp phép sử dụng đất công, đồng thời đơn giản hóa thủ tục để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đẩy mạnh việc kiểm tra và giám sát việc sử dụng đất công để nhanh chóng phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, thành phố cần phát triển các dự án xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, trung tâm giải trí để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững kinh tế và xã hội.

Tiến sĩ TRẦN QUANG THẮNG - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI