TPHCM sẽ ứng dụng blockchain phòng chống gian lận sửa điểm, giả mạo bằng cấp

28/10/2022 - 20:33

PNO - TPHCM sẽ ứng dụng blockchain phòng chống gian lận như sửa điểm, giả mạo bằng cấp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Tại Hội thảo quốc tế ngành giáo dục TPHCM "Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện" do UBND TPHCM tổ chức sáng 28/10, ThS. Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, từ nay đến năm 2025, định hướng đến 2030, TPHCM đặt ra 3 mục tiêu lớn trong chuyển đổi số ngành giáo dục. Bao gồm: Xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ và kho học liệu mở làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội học tập; Sử dụng AI để phân tích trên nền big data cho những đánh giá và định hướng tổng quát, chính xác hơn; Ứng dụng blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng. 

Cụ thể, Sở GD-ĐT TPHCM đặt mục tiêu chú trọng nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, do đó Sở đã xây dựng một nền tảng dạy học bất đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ này. Bất đồng bộ có nghĩa là người dạy và người học không tham gia cùng thời gian với nhau, dùng để chỉ khả năng truy cập thông tin, thể hiện những gì học sinh đã học và giao tiếp với bạn cùng lớp, thầy cô - học sinh không nhất thiết phải ở cùng một lớp học, thậm chí là cùng một múi giờ. 

TPHCM sẽ ứng dụng Blockchain để phòng chống gian lận- thông tin được nêu ra tại Hội nghị chuyển đổi số
TPHCM sẽ ứng dụng blockchain để phòng chống gian lận - thông tin được nêu ra tại Hội nghị chuyển đổi số

Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng kỳ vọng, với quy mô học sinh, giáo viên của TPHCM, khi dữ liệu được định danh thống nhất và có sự liên thông sẽ tạo thành dữ liệu lớn, là điều kiện cần để phát triển những ứng dụng AI phục vụ giáo dục. "Một trong những thách thức lớn nhất liên quan đến giáo dục là trình độ học và tiếp thu của mỗi người là khác nhau. Việc sử dụng AI trong giáo dục không phải là những robot hình người thay thế giáo viên mà là sử dụng trí thông minh trong máy tính để giúp đỡ giáo viên, học sinh, làm cho hệ thống giáo dục tốt hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, sử dụng AI phân tích trên nền big data giúp cho các nhà quản lý giáo dục định hướng tổng quát và chính xác hơn" - Phó giám đốc Nguyễn Bảo Quốc phân tích.

Riêng với mục tiêu ứng dụng blockchain, ông Quốc cho hay, sẽ hạn chế tối đa những vấn đề về gian lận như sửa điểm, giả mạo điểm, giả mạo bằng cấp. Cạnh đó, việc xác thực bằng cấp, điểm số có thể được thực hiện một cách tự động, đáng tin cậy, việc chuyển trường, liên thông văn bằng hay kiểm tra hồ sơ dự tuyển sẽ được thực hiện một cách đơn giản, nhanh chóng. 

Dù vậy, Phó giám đốc Nguyễn Bảo Quốc cho biết, thách thức trong chuyển đổi số ngành giáo dục TPHCM là vô cùng lớn. Với số lượng hơn 1,7 triệu học sinh và khoảng 100.000 giáo viên, học sinh, nhân viên, cán bộ quản lý... việc triển khai các hệ thống, phần mềm rất phức tạp trong khi số lượng nhân sự của Sở còn hạn chế, nguồn nhân lực CNTT của trường học cũng hạn chế, nhất là bậc mầm non. Điều kiện hạ tầng CNTT thực tế của ngành giáo dục TP chưa đáp ứng được. Hiệu quả khai thác cơ sở dữ liệu ngành phục vụ quản lý, điều hành chưa được khai thác một cách đầy đủ.

Hệ thống thông tin ngành giáo dục TPHCM là hệ thống bị tấn công nhiều nhất

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, việc chuyển đổi số của ngành giáo dục TP còn đứng trước nhiều thách thức do vấn đề an toàn, an ninh mạng. Cụ thể, trong năm học 2021-2022, hệ thống thông tin của ngành giáo dục đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung vẫn là một trong những hệ thống bị tấn công nhiều nhất.

Theo ông, độ mở của hệ thống thông tin và quản lý giáo dục quá lớn trong khi người dùng chưa ý thức được tính quan trọng của công tác quản trị, đặt ra nhiều thách thức, rủi ro, gây áp lực mạnh mẽ lên đội ngũ quản trị hệ thống thông tin ngành giáo dục thành phố.

Ông Nguyễn Bảo Quốc thông tin, thực tế hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM phải tự xây dựng và vận hành một số phần mềm trực tuyến lớn nhằm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của ngành trong khi nguồn nhân lực CNTT của Sở hạn chế; Hạ tầng CNTT của các cơ sở giáo dục chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng nhiều ứng dụng chưa được sử dụng, hoặc sử dụng chưa hiệu quả; Các nguyên nhân khách quan về đãi ngộ, vị trí việc làm đẫn đến chưa thu hút được nguồn nhân lực CNTT một cách ổn định...

"Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tập trung các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu gốc của toàn ngành trên cơ sở đồng bộ cơ sở dữ liệu các hệ thống nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu rời rạc, thiếu tập trung. Từng bước liên thông kết nối, chuyển giao dữ liệu giữa các cấp học, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, an toàn"- ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI