|
Tư vấn cho bệnh nhân HIV tại một phòng khám ngoại trú ở quận 9, TP.HCM |
Còn không đến mười năm nữa phải “chạm tay” vào mục tiêu chặn đứng đại dịch AIDS vào năm 2030 nhưng TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ lây lan vi-rút HIV từ những người có nguy cơ cao. TP.HCM quyết định sẽ mở rộng xét nghiệm, truy vết các ca nhiễm HIV như đã làm và rất thành công với các ca nhiễm COVID-19.
Sau 30 năm, nguy cơ lây nhiễm HIV đã khác
Tháng 12/1990, ca nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện tại TP.HCM, khởi đầu cho cuộc chiến kéo dài đến nay đã hơn 30 năm. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết hơn 30 năm qua, đã có những cột mốc đánh dấu sự chuyển phát của dịch HIV.
Cụ thể, năm 1995, HIV bùng phát trên nhóm người nghiện chích ma túy với tỷ lệ gia tăng từ 25,5% năm 1993 lên 42,3% năm 1995. Năm 2002, TP.HCM chứng kiến sự bùng nổ của hai nhóm đối tượng: tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm nghiện chích ma túy tăng từ 18,6% (năm 1998) lên 82,5% (năm 2002); tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm phụ nữ mại dâm tăng từ 2,3% (năm 1998) lên 25,9% (năm 2002).
Cột mốc mới nhất là TP.HCM phát hiện tỷ lệ nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm mới HIV từ 1,7% vào năm 2010 tăng lên 50,4% vào năm 2020. Đây được xem là nguồn nguy cơ cao lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
Vì sao nhóm MSM lại là nguồn nguy cơ lây nhiễm HIV (F0) cho cộng đồng? Theo lý giải của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, người được chẩn đoán mới nhiễm vi-rút HIV có tải lượng vi-rút cao. Bản thân những người này đa phần không biết mình bị nhiễm nên tiếp tục có hành vi lây nhiễm HIV cho bạn tình, bạn chích. Nhóm MSM rất khó tiếp cận. Nguồn lây nhiễm HIV ra cộng đồng còn có nhóm người bỏ điều trị (hằng năm có khoảng 3-5%).
Ông Lê Minh Thành, Giám đốc điều hành hệ thống phòng khám và nhà thuốc Glink (Glink là nhóm MSM ra đời từ năm 2009), nhận định việc tiếp cận các đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn còn nhiều trở ngại. Nguy cơ nhiễm HIV cao nhất trong nhóm MSM là ở độ tuổi từ 18-22. Những bạn trẻ tìm đến Glink để được tư vấn thì trước đó đã quan hệ tình dục không an toàn. Số lượng bạn trẻ bị nhiễm HIV tăng lên xuất phát từ những điều kiện để tìm kiếm bạn dễ dàng nhờ các trang mạng xã hội. Khi các bạn hẹn hò nhau nhiều hơn, tỷ lệ nhiễm HIV tăng nhiều hơn.
Truy vết HIV/AIDS, kỳ vọng kỳ tích mới
TP.HCM là một trong những địa phương thực hiện chiến dịch khoanh vùng dập dịch thành công ngay khi phát hiện các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2. Chiến lược này sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM áp dụng để truy quét HIV/AIDS. Theo đó, TP.HCM sẽ mở rộng xét nghiệm chẩn đoán người mới nhiễm HIV; thực hiện truy vết bạn tình, bạn chích của người mới nhiễm; điều trị ngay lập tức với người nhiễm để cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng lý giải: “Việc phát hiện người nhiễm HIV trong giai đoạn mới nhiễm, bao gồm chẩn đoán sớm nhiễm HIV trong giai đoạn cửa sổ (còn gọi là nhiễm cấp HIV) bằng xét nghiệm sinh học phân tử, có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống lây nhiễm HIV.
Các nghiên cứu cho thấy, 50% trường hợp lây nhiễm HIV xảy ra trong 12 tháng đầu tiên của giai đoạn nhiễm HIV. Đồng thời, do nồng độ vi-rút HIV cao nhất ở giai đoạn này nên mức độ lây nhiễm cao gấp 26 lần các giai đoạn sau. TP.HCM sẽ mở rộng xét nghiệm chẩn đoán nhiễm cấp HIV với sinh phẩm sử dụng thế hệ thứ tư, thay thế cho sinh phẩm nhanh đang được sử dụng tại các phòng tư vấn xét nghiệm HIV. Khi có kết quả, mẫu máu sẽ được xét nghiệm PCR và xét nghiệm tải lượng HIV để chẩn đoán xác định”.
Sau khi phát hiện ca nhiễm mới HIV có tải lượng vi-rút HIV cao, việc điều trị bằng thuốc ARV sẽ được thực hiện ngay trong ngày. Sau đó, 100% bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV sẽ được truy vết và chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong số những bạn tình, bạn chích được xét nghiệm, ít nhất 20% là dương tính với HIV.
Liệu áp dụng chiến lược xét nghiệm - truy vết của COVID-19 vào HIV/AIDS có mang lại kết quả chấm dứt đại dịch vào năm 2030? Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM; Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, nói: “Nhìn lại hành trình 30 năm qua, mười năm đầu, chúng ta chưa có biện pháp điều trị nên tập trung vào dự phòng để kiềm chế tốc độ phát triển của đại dịch. Mười năm kế tiếp, chúng ta triển khai mở rộng các hoạt động dự phòng, điều trị ARV, bắt đầu đẩy lùi đại dịch.
Từ năm 2011, cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS trên thế giới bước sang trang mới khi xem đó là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát được. Cho nên các hoạt động, kể cả dùng thuốc ARV cũng được xem là dự phòng để ngăn không cho lây nhiễm từ người HIV sang bạn tình”.
Theo bác sĩ Giang, hiện nay, có thể khẳng định chúng ta đã thành công trong kiểm soát đại dịch. “Nhưng, để có thể kết thúc đại dịch vào năm 2030, ngay bây giờ chúng ta phải xem HIV/AIDS không chỉ là bệnh mạn tính mà còn là bệnh cấp tính. Chúng ta phải tìm cách phát hiện những người có tải lượng vi-rút HIV cao để kịp thời truy vết bạn tình, bạn chích của họ.
Chúng ta nên xét nghiệm HIV hết những người này như cách thực hiện với người nhiễm COVID-19. Người nào dương tính thì đưa vào điều trị để không lây cho người khác. Người nào chưa nhiễm HIV thì điều trị dự phòng PrEP để họ không bị nhiễm. Chỉ có giải pháp này, chúng ta mới có thể kết thúc được đại dịch”, bác sĩ Giang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Giang cũng lưu ý TP.HCM nên có cách làm thật khéo để đảm bảo tôn trọng tuyệt đối vấn đề bảo mật riêng cho người nhiễm HIV: “Về nguyên lý, có thể thực hiện giống như cách kiểm soát COVID-19 nhưng cách làm hoàn toàn khác. Vì dụ, khi truy vết, phải có cách làm riêng, không làm theo kiểu truy vết của COVID-19. Trong tư vấn, phải làm sao để họ thấy xét nghiệm tìm HIV là vì lợi ích của chính mình và những người thân yêu”.
Hiếu Nguyễn