TPHCM sẽ triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại trường học

29/08/2024 - 18:16

PNO - TPHCM sẽ triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại trường học, nhằm tăng cường phòng chống dịch sởi, không để dịch bệnh lây lan diện rộng trong trường học.

Thông tin được ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - chia sẻ chiều 29/8 khi trao đổi về công tác phòng chống dịch sởi trong trường học trước thềm năm học mới 2024-2025.

Cụ thể, ông Dương Trí Dũng cho biết, ngay sau khi UBND TPHCM công bố dịch sởi trên địa bàn TPHCM (ngày 27/8), nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh sởi, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan diện rộng trong trường học, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh sởi trong cơ sở giáo dục theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

TPHCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sởi trong trường học
TPHCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sởi trong trường học - Ảnh: Q.Tr.

Triển khai đến phụ huynh Quyết định số 3547/QĐ-UBND của UBND TPHCM về việc công bố dịch sởi trên địa bàn TPHCM.

Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh sởi trong trường học theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Phối hợp chặt chẽ với trạm y tế phường, xã, thị trấn trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học. Chú trọng công tác phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và trường mầm non. Thông tin ngay đến trạm y tế phường, xã, thị trấn giám sát khi có ca bệnh.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

"Các trường trong vào ngoài công lập tiếp tục phối hợp với ngành y tế trong công tác quản lý, rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ, học sinh; phối hợp tổ chức các chiến dịch tiêm vắc xin tại trường học" - ông Dương Trí Dũng nói.

Đặc biệt chú trọng truyền thông đến học sinh, phụ huynh biết về đường lây truyền các bệnh truyền nhiễm và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh sởi, các vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phụ huynh đồng thuận tham gia.

Sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống dịch trong trường học

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, trước thềm năm học mới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh sởi tại cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Ông yêu cầu các phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tham mưu Ban chỉ đạo công tác y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh sởi của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn. Thực hiện báo cáo kết quả kiểm tra về Sở GD-ĐT sau 3 ngày làm việc khi kết thúc đoàn kiểm tra.

Đặc biệt, ông yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông báo cáo về phòng GD-ĐT ngay khi có ca bệnh sởi tại đơn vị hoặc trẻ em/học sinh báo nghỉ học do bệnh sởi.

Phòng GD-ĐT tổng hợp số liệu về ca bệnh sởi từ các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn, báo cáo về Sở GD-ĐT trước 11g và 16g hàng ngày.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, đến thời điểm này có 21 trường hợp học sinh bị sởi tại các trường, tuy nhiên nhà trường đã phối hợp đưa đến các cơ sở y tế điều trị và đã về nhà.

Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu trường học thông tin đến phụ huynh học sinh khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Cụ thể:

- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

- Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI