TPHCM sẽ mạnh tay với tình trạng làm giả và mua bán văn bằng, chứng chỉ

14/09/2022 - 09:36

PNO - Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, mạnh tay với tình trạng làm giả và mua bán văn bằng, chứng chỉ.

Tại hội nghị tổng kết công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục do Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức, ông Võ Thiện Cang - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, năm học 2022-2023, TPHCM sẽ tập trung tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xây dựng và triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023-2024 đến năm 2025. Đồng thời, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, ứng dụng chuyển đổi số, CNTT...

Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, có biện pháp mạnh tay với tình trạng làm giả và mua bán văn bằng, chứng chỉ. Chú trọng quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ của cơ sở giáo dục.

Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT Tp
Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ mạnh tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ

"Kể từ năm học này, phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ là đầu mối làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ. Phòng sẽ triển khai hệ thống tra cứu, xác minh thông tin văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử nhằm công khai, phục vụ phụ huynh và học sinh tra cứu. Theo kế hoạch, tháng 12/2022 và tháng 3/2023, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cấp chứng chỉ, văn bằng tốt nghiệp trong và ngoài nước. Với các trường hợp mua bán, làm giả văn bằng, chứng chỉ, Sở sẽ chủ động phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Võ Thiện Cang nêu rõ.

Cũng tại hội nghị, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, kết quả kiểm định trong năm học 2021-2022 ở bậc tiểu học và THCS đã cao hơn so với các năm trước, song ở khối mầm non cần nâng cao hơn nữa khi mới có gần 60% trường được kiểm định. Ở khối THPT và trường có nhiều cấp học, nhất là khối ngoài công lập của bậc học này, cần thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục với việc thực hiện cấp chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngoài công lập, đảm bảo các trường thực hiện tốt.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng về công tác khảo thí
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng về công tác khảo thí

Riêng đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng cần phải đổi mới công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh, phụ huynh khối 9. Theo ông, chương trình GDPT 2018 có sự thay đổi rất lớn giữa khối THCS và THPT. Trong đó, THCS học những bộ môn với định hướng chung, với khối THPT lại là những bộ môn cụ thể với định hướng nghề nghiệp, vì thế khi tư vấn cần giúp phụ huynh, học sinh khối 9 nhìn thấy sự thay đổi này.

"Vừa rồi, khi triển khai chương trình GDPT 2018 ở khối 10, nhiều trường THPT đã rất lúng túng trong việc tư vấn cho học sinh chọn nhóm tổ hợp môn học phù hợp, phải tổ chức tư vấn lại nhiều lần. Yêu cầu các trường không chỉ tư vấn về trường, về việc lựa chọn các định hướng học phù hợp sức học của học sinh sau THCS, mà cần tư vấn về việc chọn nhóm môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này ở bậc THPT", ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh. 

Ông cũng đề nghị khảo thí nghiên cứu kết nối kết quả thi tuyển sinh lớp 10 với dữ liệu dùng chung của thành phố. Từ đó, hướng đến mục tiêu một học sinh thành phố có dữ liệu dùng chung xuyên suốt từ bậc mầm non đến THPT, chỉ cần nhập mã định danh là có đầy đủ thông tin về học sinh. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI