PNO - Sở Công thương TPHCM xây dựng kế hoạch dựa trên các tình huống dịch bệnh bùng phát, tuỳ thuộc vào mức độ diễn biến của dịch bệnh sẽ có từng giải pháp nhằm đảo bảo nguồn cung ứng hàng hoá trên địa bàn.
Tình huống thứ nhất: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới trên địa bàn TPHCM, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, thị trường xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các sản phẩm phòng chống dịch, gây khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm. Dịp này cũng xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp, tăng cường tích trữ, đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi làm cho thị trường diễn biến phức tạp.
Trước tình huống này, Sở Công thương đưa ra giải pháp, bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ và liên tục. Bên cạnh đó, chủ động thông tin chính xác về diễn biến thị trường, giúp người dân yên tâm, không thu gom, tích trữ. Đồng thời, phối hợp Cục QLTT, UBND 24 quận/huyện chỉ đạo đơn vị liên quan, ban quản lý các chợ tăng cường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
TPHCM lên các kịch bản ứng phó với dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Quốc Thái
Sở giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30% - 40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối; chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50% - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử; giao ban quản lý các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu, không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng này...
Với tình huống thứ hai:Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm trên địa bàn TPHCM. Theo đó, TPHCM kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn phát huy tinh thần cộng đồng xã hội, đồng hành cùng Sở triển khai các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn; kịp thời phản ánh khó khăn, để xuất chính sách hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Ngoài các giải pháp đã đã thực hiện trong tình huống đầu, sẽ huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Kịch bản cho các doanh nghiệp bình ổn thị trường lúc này là chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50% - 100% so với ngày thường song song với việc dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, nhân lực ổn định; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Các hệ thống phân phối hiện đại được yêu cầu có phương án lưu chuyển hàng hóa phù hợp, đưa hàng hóa kịp thời, không gián đoạn đến tất cả điểm bán hàng, xây dựng phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực bị cách ly; giới hạn số lượng hàng bán ra đối với mỗi khách hàng cá nhân, không để thu gom, tích trữ tại các điểm bán hàng.
Với tình huống thứ ba: Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2. Sở Công thương TPHCM sẽ căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh, xem xét trình UBND TP quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh.
Sở sẽ thông tin, cập nhật liên tục tình hình thực tế thị trường để người dân yên tâm, không gom hàng, tích trữ. Ảnh: Quốc Thái
Giai đoạn này, Sở Công thương TP đề nghị các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối và doanh nghiệp trên địa bàn, các đơn vị liên quan phát huy kênh phân phối thương mại điện tử, tiếp tục phát huy tinh thần cộng đồng, chủ động, nghiêm túc phối hợp với sở các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn; kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ.
Tại cuộc họp của Sở Công thương với Hội lương thực thực phẩm và các doanh nghiệp chủ lực cửa thành phố vào chiều qua (10/3), ông Phạm Thành Kiên – GĐ Sở Công thương nhận định, trong 3 tháng tiếp theo không nên chủ quan vì sức mua trong dân rất khó dự báo. Các nhà sản xuất và phân phối cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tốc độ sản xuất và dự trữ hàng hóa cả trên quầy kệ lẫn trong kho hàng. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp nên ưu tiên hàng hóa cho thị trường trong nước rồi mới hướng đến xuất khẩu.
Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp thể hiện uy tín, nâng cao thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng trong nước, hướng đến phát triển bền vững. Sở Công thương sẽ phối với các sở, ngành chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các đối tượng thu gom, tích trữ gây thiếu hàng cục bộ để làm giá, gây rối loạn thị trường.
Đồng thời, Giám đốc Sở khẳng định, nếu phát hiện các cửa hàng, điểm bán tự ý nâng giá sẽ cắt ngay các hợp đồng giao hàng.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.