Tri ân 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023)

TPHCM sẽ là trung tâm y tế chuyên sâu của Đông Nam Á

28/02/2023 - 05:59

PNO - Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, việc triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu ở các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối là 1 trong 10 nhóm hoạt động nổi bật của ngành y TPHCM trong năm 2022. Từ cơ sở này, sở ấp ủ kế hoạch đưa TPHCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN.

 

TPHCM hiện có hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu của nhiều chuyên khoa khác nhau ngang tầm các nước trong khu vực (trong ảnh: Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện một ca phẫu thuật ghép thận) - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
TPHCM hiện có hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu của nhiều chuyên khoa khác nhau ngang tầm các nước trong khu vực (trong ảnh: Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện một ca phẫu thuật ghép thận) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp 

Ứng dụng hiệu quả nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Năm 2020, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã hợp tác với OUCRU (Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford tại Việt Nam), kịp thời phát hiện các ca COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, từ đó xác định chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Tiếp đó, bệnh viện này cũng sớm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - đó là kết quả của nhiều công trình nghiên cứu phát hiện sớm dịch bệnh mới nổi bằng công nghệ giải trình tự gen, nhờ vào sự kết nối mật thiết giữa bệnh viện và OUCRU. 2 cơ quan đã chia sẻ thông tin về mẫu bệnh phẩm, chỉ số tải lượng vi rút nhằm xác định đặc tính của vi rút, sự biến đổi di truyền, mức độ ảnh hưởng rồi lên chiến lược ứng phó phù hợp, đồng thời giám sát, theo dõi, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, sau đó cung cấp thông tin chính xác để ngành y tế có các giải pháp ứng phó với dịch bệnh. 

“Việc giải trình tự gen đã được bệnh viện ứng dụng vào việc nghiên cứu bệnh truyền nhiễm từ nhiều năm nay. Hiện tại, việc giải mã này đang được thực hiện bằng thiết bị thế hệ mới, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó công bố chính thức, tránh tâm lý hoài nghi hoặc mơ hồ về biến chủng hiện hành” - bác sĩ Nguyễn Thành Dũng nói. Theo ông, phương pháp giải trình tự gen bằng công nghệ mới đã giúp cho việc chẩn đoán, điều trị đạt hiệu quả cao hơn, chi phí thấp hơn.

Nhiều năm nay, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM đã ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới với độ phân giải cao để xác định hệ thống kháng nguyên bạch cầu người - Human Leukocyte antigen system (HLA). HLA  có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch và là tác nhân gây ra hiện tượng thải ghép. 

Theo các bác sĩ của bệnh viện này, do HLA là một trong những hệ thống kháng nguyên phức tạp và đa dạng nhất ở người nên việc xác định kiểu gen HLA rất phức tạp, phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật áp dụng, sự phân tích, diễn dịch kết quả. Tùy theo kỹ thuật, kết quả xác định HLA được chia thành độ phân giải thấp, trung bình và cao.

Việc xét nghiệm, xác định HLA với độ phân giải cao bằng hệ thống máy giải trình tự gen thế hệ mới Next Generation Sequencing (NGS) giúp các bác sĩ xác định chính xác hơn kiểu gen HLA, từ đó tìm người cho HLA phù hợp, nhất là trong các trường hợp ghép không cùng huyết thống, nâng cao tỉ lệ thành công của ca ghép. 

Với việc trang bị hệ thống NGS hiện đại, cùng đội ngũ nhân sự được đào tạo từ Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM hiện đang dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xét nghiệm HLA phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh nhân.

Sẽ xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu

Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - ngoài các kỹ thuật chuyên sâu kể trên, còn có nhiều kỹ thuật chuyên sâu được ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau, như kỹ thuật xạ trị X-Knife ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, phẫu thuật cắt ung thư thận có chồi bướu trong tĩnh mạch chủ bụng bằng robot ở Bệnh viện Bình Dân, kỹ thuật sinh thiết vú dựa vào siêu âm và hút chân không ở Bệnh viện Hùng Vương, kỹ thuật quang điện TruScreen trong phát hiện ung thư cổ tử cung ở Bệnh viện Từ Dũ...

Trung tâm Chuyên sâu thuộc Viện tim TPHCM, Trung tâm Tim mạch trẻ em thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trung tâm Ghép tạng trẻ em thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 2... đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, mang lại cho người dân nhiều chọn lựa thay vì chỉ ra nước ngoài điều trị như trước đây. Trong đó, phải kể đến ca ghép thận thành công của Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào tháng 8/2022 cho bé trai (15 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) bị suy thận mạn tính, phải chạy thận thường xuyên mỗi tuần. Đây là bệnh nhi đầu tiên được ghép thận từ người hiến chết não không cùng huyết thống.

Trước đó, vào tháng 7/2020, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã phẫu thuật tách thành công 2 bé song sinh Hoàng Trúc Nhi - Hoàng Diệu Nhi bị dính liền vùng bụng và chậu. Đây là ca mổ đánh dấu cột mốc mới của y học Việt Nam sau ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức 32 năm trước đó.

Sở Y tế TPHCM dự kiến sẽ tổ chức hội nghị khoa học về kết quả phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành trong quý II/2023. Hội nghị có sự tham gia của tất cả bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối ở TPHCM, các bệnh viện tư nhân, hội y học và các hội chuyên khoa. 

Bác sĩ Tăng Chí Thượng cho hay, thông qua hội nghị này, ngành y tế TPHCM sẽ có bức tranh tổng thể về phát triển kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện so với các nước trong khu vực, đánh giá độ bao phủ của kỹ thuật cao so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, xác định những kỹ thuật chuyên khoa sâu nào hiệu quả nhưng chưa được triển khai... 

Ông nói: “Từ đó, ngành y tế thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề xuất các giải pháp về bố trí ngân sách, về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN”. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI