Nhiều giải pháp hạn chế tiêu cực
Ngày 9/1, trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, TPHCM luôn đề cao tính liêm chính khoa học, sự tự trọng trong học tập và NCKH. Nhiều năm qua, thành phố đã áp dụng rất nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong cuộc thi NCKH ở học sinh phổ thông.
|
TPHCM sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa tiêu cực trong NCKH |
Ở vòng sơ khảo, do chỉ chấm trên hồ sơ, không tiếp xúc với học sinh nên việc hạn chế thấp nhất các tiêu cực rất được chú trọng. Sở GD-ĐT sẽ áp dụng 1 số các giải pháp sau: Sử dụng phần mềm “chống đạo văn”; chú ý các thể hiện, các chỉ báo: sự phù hợp giữa kiến thức, trình độ học sinh với nội dung, phương pháp thực hiện; sự phù hợp, khoa học giữa các yếu tố thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu; cách thức thể hiện việc nghiên cứu; so sánh đối chiếu dự án dự thi với các nghiên cứu trước đó và giữa các dự án cùng đề tài; sự đảm bảo của Ban giám hiệu nhà trường về dự án dự thi của học sinh; xác minh tính trung thực qua việc trao đổi trực tiếp với giáo viên hướng dẫn và học sinh.
Ở vòng chung kết cấp thành phố, nội dung quan trọng nhất để hạn chế các tiêu cực trong cuộc thi là phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh. Các câu hỏi của ban giám khảo sẽ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân.
"Định hướng của cuộc thi luôn là thực chất, gắn với thực tiễn, sáng tạo, trung thực. Điều này được Sở chỉ đạo rất rõ trong các tổng kết, hội nghị, sinh hoạt chuyên môn theo bộ môn. Đặc biệt, vấn đề liêm chính khoa học, lòng tự trọng trong học tập và nghiên cứu khoa học cũng được Sở đề cập trong giáo dục học sinh, làm sao mục tiêu hướng đến trong cuộc thi là khơi lên trong các em niềm say mê với khoa học, ứng dụng các kiến thức đã học, tìm tòi, khám phá để giải quyêt các vấn đề của cuộc sống"- ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.
|
Các chuyên gia cho rằng cần đặt ra các tiêu chí đánh giá phù hợp và cần trả cuộc thi NCKH về đúng vị trí |
Cần đặt ra các tiêu chí đánh giá phù hợp
Là đơn vị thường xuyên đón học sinh phổ thông sang mượn trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn lực con người trong thực hiện các đề tài NCKH, PGS.TS Bùi Hoài Thắng- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM nhìn nhận, đa phần học sinh khi đến với khoa học đều rất say mê, háo hức, nghiêm túc.
Ở góc độ trường đại học, ông cho rằng, việc NCKH sớm ở bậc phổ thông là sự chuẩn bị rất lớn cho lực lượng NCKH kỹ thuật và các lĩnh vực khác trong tương lai. Làm NCKH không phải đợi đến khi trưởng thành, khi là sinh viên hay theo đuổi một lĩnh vực khoa học nào đó, mà ngay từ sớm khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông đã cần thiết trao cho học sinh cơ hội này. Lứa tuổi học sinh phổ thông sẽ có góc nhìn riêng, với tư duy, khám phá, động lực riêng theo chất của người trẻ, còn đến một mức tuổi trưởng thành hơn thì lại có chất nghiên cứu cao hơn song cần có sự kế thừa, lâu dài.
"Để đảm bảo NCKH theo đúng mục tiêu khuyến khích động viên, tăng cường trải nghiệm cho học sinh, giúp các em sẵn sàng cho tương lai thì việc làm nghiên cứu phải thực sự nghiêm túc. Để nghiêm túc hơn nữa thì bộ tiêu chí đánh giá các đề tài phải phù hợp, không nhất thiết là các tên đề tài thật "kêu", mà cần quay về thực chất là làm xong học sinh đạt được cái gì."- PGS.TS Bùi Hoài Thắng đề xuất.
Ông đồng thời nhấn mạnh, việc NCKH ở bậc phổ thông không cần "tâng bốc" học sinh. Bởi, khi tham gia vào nghiên cứu chính bản thân các em đã rất say mê, háo hức. Thay vào đó cần đánh giá đúng thực lực của các em, khơi gợi cho các em tinh thần làm nghiên cứu dấn thân, tìm tòi, tìm hiểu.
Nên trả cuộc thi NCKH của học sinh phổ thông về đúng vị trí
Khẳng định vai trò của NCKH tác động đến việc thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc ĐHQG TPHCM chỉ rõ, NCKH sẽ gia tăng các trải nghiệm cho học sinh, đẩy mạnh việc giảng dạy STEM trong các nhà trường, là cầu nối để các trường đưa việc học gắn liền với thực tiễn...
Theo ông, ý nghĩa của cuộc thi NCKH là rất tốt, tạo động lực, yêu thích NCKH cho học sinh phổ thông. Việc đặt mục tiêu NCKH sớm ở bậc phổ thông là điều đúng đắn và hết sức cần thiết, từ đó có thể ươm mầm NCKH trong tương lai, bởi ngay cả việc động viên khuyến khích sinh viên đại học tham gia NCKH cũng là điều không dễ dàng.
"Lâu nay, kết quả cuộc thi NCKH được dùng để xét tuyển vào các trường đại học, điều này trở thành một trong những tác nhân khiến có lúc, có nơi việc NCKH bị biến tướng, trở thành các đề tài nghiên cứu xa rời thực tế, thậm chí to tát so với tầm kiến thức học sinh. Vì vậy, nên trả NCKH của học sinh phổ thông về đúng vị trí, làm sao kích thích được tinh thần yêu khoa học, giúp học sinh có phương pháp NCKH từ sớm để sau này có thể trở thành những sinh viên, nhà nghiên cứu khoa học tốt, hơn là kết quả kỳ thi chỉ dùng để xét tuyển đại học. Hội đồng chấm cũng cần phải có các giải pháp để đảm bảo rằng công sức chính của việc nghiên cứu là học sinh, với sự hỗ trợ dẫn dắt của giáo viên, nhà khoa học..."- TS. Nguyễn Đức Nghĩa thẳng thắn.
Xóa code yêu cầu học sinh viết lại đề kiểm chứng tiêu cực Nhiều năm đưa học sinh đi "chinh chiến" cuộc thi NCKH, một giáo viên THPT tại TPHCM chia sẻ, có rất nhiều cách để giám khảo cuộc thi kiểm chứng rằng sản phẩm, đề tài mang đến dự thi có thực chất là do học sinh thực hiện với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên hay không. "Tình trạng mua bán các đề tài nghiên cứu khoa học trên mạng không phải là không có vì chính tôi đã từng được đồng nghiệp, học sinh kể. Thế nhưng theo tôi các đề tài có sự gian lận sẽ khó có thể đi xa được vì dù chỉn chu đến mấy trước sau gì cũng bị phát hiện. Tôi từng chứng kiến có lần giám khảo đã thẳng tay xóa... code của một đề tài liên quan đến lĩnh vực khoa học máy tính và yêu cầu học sinh viết lại. Hoặc, có khi giám khảo sẽ đặt ra thêm những yêu cầu mới tương đương và yêu cầu học sinh viết bổ sung để đảm bảo chắc chắn học sinh đã thực chất nghiên cứu". |
Quốc Trung