TPHCM sẽ đổi cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt

05/12/2023 - 06:11

PNO - TPHCM hướng đến thay đổi cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ 2 nhóm thành 3 nhóm, gồm chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM - cho biết: mỗi ngày trên địa bàn TPHCM thải ra khoảng 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa, chất khác có thể tái chế khoảng 1.800 tấn (chỉ sau chất thải thực phẩm). 

Từ năm 2017 đến nay, TPHCM phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 nhóm: nhóm có khả năng tái chế (người dân có thể giao dịch, bán hoặc để cho các đơn vị thu mua tái chế, tái sử dụng), nhóm chất thải giao cho các đơn vị thu gom.

TPHCM đang chuẩn bị cho việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại. Trong ảnh: Công nhân Công ty  Môi trường xanh Việt Nam phân loại rác ni lông ở TPHCM - Nguồn ảnh: Công ty Môi trường xanh Việt Nam
TPHCM đang chuẩn bị cho việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại. Trong ảnh: Công nhân Công ty Môi trường xanh Việt Nam phân loại rác ni lông ở TPHCM - Nguồn ảnh: Công ty Môi trường xanh Việt Nam

Theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, TPHCM đang chuẩn bị thay đổi cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm gồm: chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Để đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn thành 3 nhóm, Sở TNMT TPHCM đang tham mưu, đề xuất thành phố lộ trình thực hiện. Theo đó, trước ngày 31/12/2024, UBND TPHCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tiếp tục thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 loại giống quy định cũ. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển tại địa phương. Có kế hoạch tuyên truyền đến đơn vị hoạt động thu gom, người dân, các tổ chức trên địa bàn để người dân và lực lượng thu gom hiểu rõ và có bước chuẩn bị thực hiện phân loại rác tại nguồn thành 3 loại. Kể từ ngày 31/12/2024 trở đi, TPHCM sẽ triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 3 loại. 

Để chuyển đổi từ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ 2 nhóm sang 3 nhóm, các địa phương cần phải có thời gian để trao đổi, làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, phải xây dựng lại kế hoạch, rà soát trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng thu gom… nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại. Giúp tránh xảy ra tình trạng người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng làm lẫn lộn các chất thải với nhau, gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.

“Phân loại rác thải rắn tại nguồn đã được thí điểm và triển khai từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả cao do phần lớn người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Trong bối cảnh hiện nay, Sở TNMT chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích để người dân thấy được giá trị, những lợi ích mang lại từ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chủ động tham gia. Từ đó sẽ từng bước thay đổi thói quen hằng ngày” - ông Trần Nguyên Hiền thông tin.

Trong tháng 11/2023, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở TNMT TPHCM rà soát, tham mưu UBND thành phố kiến nghị Kiểm toán Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc của thành phố khi triển khai hướng dẫn tách khối lượng vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các chủ nguồn thải là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ không thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách.

Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát các vấn đề tồn đọng đối với các đơn vị chậm thu và chưa được cấp bù kinh phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện năm 2021, 2022. Đồng thời, 2 sở và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tình hình triển khai và các vướng mắc trong thực hiện quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI