TPHCM sẽ có thêm thành phố phía Tây, phía Nam và phía Bắc

13/06/2024 - 12:24

PNO - TPHCM tiếp tục định hướng phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với đa dạng không gian sinh thái, bao gồm phân vùng đô thị trung tâm và 4 phân vùng đô thị là phía Đông (thành phố Thủ Đức), phía Tây, phía Nam và phía Bắc.

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 lần thứ 31 (mở rộng), Ban cán sự Đảng UBND TPHCM đã trình Ban chấp hành Đảng bộ thành phố cho ý kiến đối với các nội dung Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Tú Ngân
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Tú Ngân

Trong chiến lược phát triển thành phố đến năm 2060, TPHCM đã quan tâm ưu tiên cân đối, bố trí vốn cho nhiệm vụ Quy hoạch thành phố. Cụ thể, UBND TPHCM giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với số vốn 173,415 tỉ đồng; giao kế hoạch vốn năm 2023 với số vốn hơn 83 tỉ đồng và kế hoạch vốn năm 2024 với số vốn hơn 46 tỉ đồng để bố trí cho nhiệm vụ Quy hoạch thành phố.

Theo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tầm nhìn phát triển thành phố đến năm 2050 là “TPHCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước”.

Trong định hướng chung, TPHCM tiếp tục định hướng phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với đa dạng không gian sinh thái, bao gồm phân vùng đô thị trung tâm và 4 phân vùng đô thị là phía Đông (TP Thủ Đức), phía Tây, phía Nam và phía Bắc. Mỗi vùng đô thị đều là những vùng đa chức năng, có thể đáp ứng nhu cầu việc làm và môi trường sống có chất lượng cao, tại chỗ cho bộ phận lớn người dân và thực hiện vai trò trung tâm Vùng, Quốc gia và Quốc tế.

Trong định hướng phát triển không gian đô thị tổng thể: Dành không gian, phục hồi và kết nối cả hệ thống sinh thái và hạ tầng xanh của Thành phố với hệ thống hạ tầng xanh của toàn vùng và định hướng phát triển không gian các phân vùng đô thị trung tâm.

Xa lộ Hà Nội là một trong những tuyến đường rộng lớn, hiện đại của TPHCM. Việc áp dụng nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM nhanh chóng có nhiều công trình hạ tầng tầm cỡ, góp phần phát triển mạnh mẽ hơn - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Xa lộ Hà Nội là một trong những tuyến đường rộng lớn, hiện đại của TPHCM. Việc áp dụng nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM nhanh chóng có nhiều công trình hạ tầng tầm cỡ, góp phần phát triển mạnh mẽ hơn - Ảnh: Trường Nguyên

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng: Đồ án điều chỉnh quy hoạch TPHCM, tầm nhìn đến năm 2050, 2060 là nhiệm vụ quan trọng và là công việc trọng tâm của thành phố, có ý nghĩa rất đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của thành phố. Đây là công trình có giá trị cho một chặng đường dài về sự phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó. Vì vậy, mỗi đại biểu cần nhìn thấy trách nhiệm của mình, dành thời gian suy nghĩ tập trung trí tuệ, tình cảm và trách nhiệm cao nhất để đóng góp cho thành phố.

Thiên Ân - Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI