Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana Mỹ - đánh giá, việc Mỹ áp mức thuế đối ứng lên đến 46% không chỉ là một cú sốc với TPHCM, mà còn tạo ra những chấn động với nền kinh tế toàn cầu.
Ông cho rằng, đây không phải là quyết sách tình thế mà là biểu hiện rõ ràng của một chiến lược mang tính cấu trúc “nước Mỹ đang theo đuổi mô hình thương mại chỉ phục vụ lợi ích riêng, không còn đặt nặng yếu tố hợp tác hay vai trò của các đồng minh truyền thống”.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa mức thuế sẽ duy trì ở mức cao mãi mãi. Trong trung hạn, Mỹ vẫn có thể điều chỉnh linh hoạt, nhưng rủi ro kéo theo là sự bất ổn kinh tế lan rộng. Điều đáng lo ngại, ngoài Mỹ, các nước khác cũng đang chuẩn bị các biện pháp phòng vệ. Châu Âu lo ngại hàng hóa Việt Nam và Trung Quốc không thể vào Mỹ sẽ tràn sang EU, dẫn đến cạnh tranh gay gắt và có thể bị trả đũa thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc xem đây là cơ hội để tái định vị chuỗi cung ứng, thậm chí gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.
 |
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội thảo và lắng nghe ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp |
3 nhóm giải pháp lớn được ông đề xuất cho TPHCM gồm: Chủ động chiến lược đàm phán và đối ngoại. Theo đó, thành phố cần sử dụng các nền tảng có sẵn là Diễn đàn Kinh tế mùa thu TPHCM - để tăng cường kết nối với các đối tác Mỹ, các nhà đầu tư và chuyên gia tài chính - công nghệ. Đây cũng là dịp để tạo dựng hình ảnh, gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy và có khả năng thích ứng nhanh.
Giải pháp thứ hai là dịch chuyển chiến lược từ xuất khẩu hàng hóa cơ bản sang nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao và ít bị tác động bởi thuế quan. Điều này bao gồm ưu tiên xuất khẩu dịch vụ, chuyển đổi công nghệ và số hóa.
Giải pháp thứ ba, là xây dựng các cơ chế đặc thù, thu hút đầu tư và đa dạng hóa thị trường. Theo ông, một giải pháp dài hạn là xây dựng các đặc khu kinh tế liên kết quốc tế, ví dụ đặc khu chuyên kết nối với EU hoặc Mỹ. Các đặc khu này không chỉ là không gian thương mại, mà còn là nền tảng pháp lý để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao và tạo hành lang thử nghiệm chính sách.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - đề xuất, trước mắt, cần kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh đàm phán song phương với Mỹ để làm rõ và nếu có thể, kéo giãn thời hạn áp dụng thuế trong vòng 45 ngày, đặc biệt trước thời điểm nhạy cảm là kỳ bầu cử tại Mỹ. Đồng thời, phía Việt Nam cũng cần xem xét lại các rào cản thương mại đang áp dụng đối với hàng Mỹ, nhằm mở rộng cơ hội nhập khẩu và tăng cân bằng thương mại song phương - một yếu tố có thể giúp đàm phán hạ nhiệt căng thẳng.
“Chúng ta có thể tăng tỉ trọng sử dụng gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ - không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn tạo cơ sở thuận lợi để đàm phán thuế suất ưu đãi, cân bằng lợi ích hai bên. HAWA kiến nghị nâng giá trị nhập khẩu gỗ từ Mỹ từ 350 triệu USD hiện nay lên 600-700 triệu USD, trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ khoảng 2 tỉ USD mỗi năm”- ông Phương đề xuất.
Về dài hạn, theo ông Phương, doanh nghiệp Việt cần chủ động tái cấu trúc ngành hàng và hướng đến những phân khúc có giá trị gia tăng cao. Để hiện thực hóa điều này, TPHCM và doanh nghiệp cần đồng hành trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là kỹ sư, quản lý biết tiếng Anh, có khả năng điều hành chuỗi sản xuất, thiết kế và cung ứng cho các công trình, dự án quốc tế.
Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM - cho biết, biên lợi nhuận của ngành dệt may chỉ ở mức 5-8% nhưng mức thuế đối ứng lại tới 46% - tức là cao gấp nhiều lần so với biên lợi nhuận. Vì vậy có thể, khiến đơn hàng chuyển khỏi Việt Nam ngay lập tức sang các quốc gia có ưu đãi hơn như Bangladesh, Mexico, Ấn Độ.
Theo ông, với bối cảnh trên, doanh nghiệp không ngại chuyển đổi, nhưng không thể tự thân vận động. Vì thế cần chính sách chủ động và chiến lược quốc gia rõ ràng, kịp thời để thích ứng với thị trường. Cụ thể là cần thành lập Tổ điều phối liên ngành cấp Chính phủ cho ngành dệt may, tương tự tổ công tác đặc biệt thời COVID-19, để chủ động phản ứng trước mọi kịch bản phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, cần giãn thuế VAT, thuế TNDN, hoãn nợ vay cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi nguồn cung, hoặc đổi mới công nghệ theo hướng trách nhiệm môi trường (ESG)… Ngoài ra, cần thành lập Quỹ Chuyển đổi chuỗi cung ứng ngành dệt may; hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, chuyển nguồn cung khỏi Trung Quốc…
Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, cho nên chính sách thuế này chắc chắn ảnh hưởng và phần nào tác động làm thay đổi, đảo lộn những dự định phát triển của thành phố trong năm 2025. Ông nhận định chính sách thuế mới của Mỹ chắc chắn tác động rất lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng 8,5% được Chính phủ giao cho TPHCM trong năm 2025. Vì vậy, từ ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp, TPHCM sẽ ghi nhận và đề ra những kịch bản đối ứng với tình hình mới này.
Loạt nhóm hàng xuất khẩu của TPHCM bị tác động mạnh Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM tại hội thảo, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp thành phố (sau Trung Quốc). Trong giai đoạn 2016-2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng đều, trong đó năm 2024 đạt cao nhất với 7,4 tỉ USD. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, trong tổng số 24 mặt hàng xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ, có 5 mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Mỹ áp mức thuế 46% là dệt may, giày dép (có tỉ trọng xuất khẩu tới 21% vào Mỹ); gỗ và nội thất; thủy sản; điện tử và linh kiện (chiếm 20% giá trị xuất khẩu của TPHCM). Ước tính, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể buộc phải giảm mạnh lượng hàng xuất hoặc tạm ngừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh thua lỗ. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang Mỹ dự kiến sụt giảm trong quý II-III/2025. Trường hợp mức thuế không thay đổi, các đối tác Mỹ có thể sẽ hoãn hoặc hủy đơn hàng từ doanh nghiệp TPHCM vì lo ngại thuế làm giá tăng cao từ quý I/2026. Trong dài hạn, từ những tác động trực tiếp đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thâm dụng lao động có thể sẽ để lại những tác động về mặt xã hội - kinh tế khi lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng của thành phố. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của thành phố có thể chững lại, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế thành phố. |
ADB: Mỹ áp thuế có thể là thách thức cho tăng trưởng Việt Nam năm 2025 Tại buổi họp báo về Dự báo Phát triển Kinh tế Việt Nam tổ do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 9/4, ông Shantanu Chakraborty Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. “Mặc dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, báo cáo cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng khi các dự báo này được tính toán trước khi Mỹ công bố các biện pháp thuế quan”, ông Shantanu Chakraborty chỉ rõ. Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, việc Mỹ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Ông Shantanu Chakraborty phân tích thêm, môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố về mức thuế gần đây của Mỹ và căng thẳng địa chính trị... đặt ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng hướng đến xuất khẩu. Để đạt tăng trưởng kinh tế năm 2025, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam khuyến nghị, duy trì sự ổn định kinh tế, đảm bảo phúc lợi cho những người dễ bị tổn thương và duy trì việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu, khiến các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung trở nên cần thiết để thúc đẩy nhu cầu trong nước. Việc gia hạn giảm thuế VAT cho đến cuối năm 2026 là một bước đi tích cực, nhưng các biện pháp rộng hơn - chẳng hạn như cắt giảm thuế thu nhập và phí tiềm năng, cũng như mở rộng chi tiêu xã hội - cũng có thể được xem xét. Ngoài ra, các cải cách cơ cấu hơn nữa để giảm bớt gánh nặng về quy định cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Mộc Miên |
Mai Ca