TPHCM sẽ cố gắng cứu 60% những ca COVID-19 thở máy

06/09/2021 - 18:01

PNO - Tỷ lệ tử vong trong nhóm bệnh nhân COVID-19 thở máy tại TPHCM lên đến 30%. Ngành y tế đang cố gắng cứu khoảng 60% trong nhóm này.

Tại họp báo chiều 6/9, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - nhận định số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại Thành phố đang có xu hướng giảm. Trong ngày 5 và 6/9, số người tử vong lần lượt là 222 và 233.

Tuy giảm nhưng con số tử vong trên vẫn được xem là còn cao. Giải thích về tình trạng này, bác sĩ Vĩnh Châu cho biết do độ trễ của những bệnh nhân nặng kéo dài. Các bệnh viện đang điều trị cho trên 9.500 người mắc COVID-19 nặng, trong đó số người phải thở máy xâm lấn lên đến hơn 1.000 người, 22 người phải dùng đến hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO. Những trường hợp này bị tổn thương phổi rất nặng do COVID-19 nên tỷ lệ tử vong có thể dao động từ 30% - 50%.

TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM
TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Thống kê hiện nay, tỷ lệ tử vong tại TPHCM là 30% trong những trường hợp mắc COVID-19 phải thở máy. BS Vĩnh Châu hy vọng trong hơn 1.000 người có thể cứu được từ 50% - 60%, tùy thuộc vào mức độ tổn thương, quá trình điều trị có bị bội nhiễm, các bộ phận khác của cơ thể có bị tổn thương hay không.

Trước phản ánh của người dân về tình hình nhiều F0 điều trị tại nhà vẫn chưa nhận được túi thuốc điều trị, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết sở dĩ có tình trạng này là do trong đợt xét nghiệm trên diện rộng, số lượng F0 được phát hiện tăng lên nhiều, lực lượng y tế tại các xã phường không kịp đáp ứng. Việc cập nhật danh sách F0 lại bằng viết tay trên giấy nên không kịp cập nhật các trường hợp mới phát hiện.

Ngoài ra, gói thuốc C có thuốc kháng virus đang được thử nghiệm lâm sàng nên khi sử dụng phải có sự kiểm soát chặt chẽ, có sự tham vấn của bác sĩ, phải có sự đồng ý sử dụng thuốc nên tiến độ chậm hơn 2 gói A và B.

Sở Y tế cũng ban hành các hướng dẫn cho các trạm y tế cải thiện quy trình cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà như khi test nhanh phát hiện là cấp thuốc ngay; phối hợp giữa các đội xét nghiệm – tiêm chủng và cấp thuốc.

Sở cũng sẽ bổ sung cho các trạm y tế trang thiết bị và phần mềm cập nhật dữ liệu F0 điều trị tại nhà. Trong 3 tầng điều trị, Sở Y tế nhận định tầng 1 là điểm mấu chốt để giảm bệnh nặng và tử vong.

Bệnh nhân nặng phải thở máy tại BV Hồi sức COVID-19 TPHCM.
Bệnh nhân nặng phải thở máy tại BV Hồi sức COVID-19 TPHCM.

Liên quan đến thông tin mở lại hoạt động của chợ đầu mối Bình Điền, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công thương TP - cho biết Sở không có chủ trương hay chỉ đạo nào về đóng cửa hay ngưng hoạt động các chợ hay các hệ thống phân phối trong thời gian dịch bệnh. Việc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động là do yêu cầu phòng chống dịch của các địa phương khi các chợ, các điểm bán không đảm bảo an toàn, hoặc phát hiện có ca F0.

Đến nay, hầu hết các chợ truyền thống tại TPHCM đã ngưng hoạt động. Lí do là lượng hàng hóa cung ứng đều từ 3 chợ đầu mối mà các chợ đầu mối đã ngưng hoạt động. Các chợ đang hoạt động chủ yếu là ở vùng ven và số lượng rất ít.

Tối ngày mai (7/9), TPHCM có kế hoạch mở điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền. Đây không phải là cho hoạt động trở lại chợ đầu mối Bình Điền. Điểm trung chuyển chỉ có chức năng là nơi nhận nguồn hàng từ các địa phương về thành phố. Tại đây, hàng hóa sẽ được chuyển về những nơi cần thiết như bếp ăn tập thể, chợ nhỏ lẻ.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI