TPHCM sẽ có chương trình du lịch về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

10/12/2024 - 13:55

PNO - Ngày 10/12, trong phiên chất vấn lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn công tác quản lý, bảo tồn cũng như phát huy giá trị du lịch của hệ thống di tích trên địa bàn thành phố.

Đại biểu Phạm Đăng Khoa nhận định, TPHCM có nhiều di sản kiến trúc đô thị, di sản cách mạng, di tích kiến trúc mĩ thuật bên cạnh nhiều loại hình bảo tàng, có tiềm năng để phát triển du lịch, thu hút khách nước ngoài. Từ đó, đại biểu thắc mắc công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích được thực hiện như thế nào và thành phố có chính sách gì để khuyến khích người dân, học sinh đến với di tích, bảo tàng nhiều hơn.

Phiên chất vấn tại ngày họp thứ hai kỳ hợp thứ 20 HĐND TPHCM
Phiên chất vấn tại ngày họp thứ hai kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM

Cùng sự quan tâm, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đặt vấn đề cụ thể với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận. “Đến nay, thành phố đã có giải pháp gì để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa từ di sản này nói riêng và có giải pháp gì để bảo tồn di sản phi vật thể đã được công nhận, đồng thời kết hợp với du lịch như thế nào để đưa các di tích vào phục vụ người dân cũng như du khách?”, đại biểu Phương Hoa nói.

Trả lời các đại biểu, ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM – thông tin, hiện nay, Sở xác định di sản văn hóa là tài sản của thành phố và của người dân thành phố. Nhiệm vụ của ngành, bên cạnh phát huy, bảo tồn giá trị di sản, còn phát huy yếu tố giáo dục thông qua di sản.

Thời gian qua, Sở đã rà soát di sản trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, thành phố đã công nhận di tích đối với 193 di sản văn hóa. Song song đó, thời gian qua, Sở đã tăng cường rà soát và đưa 130 địa chỉ, công trình đưa vào danh mục đề xuất công nhận.

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM trả lời chất vấn của đại biểu
Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM trả lời chất vấn của đại biểu

Sở cũng phối hợp với Hội Di sản TPHCM đi khảo sát thực tế các di sản toàn thành phố và đề xuất HĐND TPHCM tăng cường đầu tư để nâng cấp, sửa chữa.

Liên quan đến việc làm sao để di tích trở thành 1 nguồn tài nguyên quý giá cho việc phát triển du lịch, ông Trần Thế Thuận khẳng định Sở văn hóa Thể thao và Sở Du lịch TPHCM đã ký kết chương trình hợp tác hình thành bản đồ du lịch, trong đó có du lịch di sản văn hóa, di sản kiến trúc. Có 11 địa chỉ chính thức được công nhận di sản trong du lịch. Hiện nay, ở mỗi quận, huyện cũng hình thành chương trình du lịch của từng quận huyện, trong đó điểm nhấn là di tích. Đặc biệt, 2 sở đã phối hợp để sắp tới đây, sẽ hình thành chương trình du lịch về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với ưu thế hiện có là Bến Nhà Rồng, bảo tàng Hồ Chí Minh, di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm và hàng ngàn không gian văn hóa Hồ Chí Minh được các địa phương nỗ lực xây dựng trong thời gian qua.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ (giữa) chủ trì kỳ họp
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ (giữa) chủ trì kỳ họp

Riêng với Đờn ca tài tử, ông Thuận khẳng định, mặc dù TPHCM không phải là cái nôi đờn ca tài tử nhưng là vùng đất hội tụ. “Hiện nay, các CLB, trung tâm Đờn ca tài tử phát triển rất mạnh tại TPHCM. Sở đang phối hợp với các trường nghệ thuật phát huy bộ môn đàn trong các trường nghệ thuật. Song song đó, phối hợp ngành giáo dục thành phố đưa chương trình âm nhạc dân tộc vào chương trình ngoại khóa và chính khóa để bồi dưỡng, hướng dẫn các em học sinh về các loại nhạc cụ. Trong các chương trình nghệ thuật của thành phố, chúng tôi luôn ý thức đưa đờn ca tài tử vào các chương trình lễ hội truyền thống cũng như các sự kiện của thành phố nói chung”, ông Trần Thế Thuận nói thêm.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI