Buổi họp báo có sự tham dự của ông Lê Hải Bình - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lê Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND TPHCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, ông Phạm Đức Hải - Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, sau đó là kế hoạch điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả và phục hồi kinh tế - xã hội từ ngày 1/10/2021.
|
TPHCM sẽ có những kế hoạch phù hợp để nới lỏng, phục hồi kinh tế sau ngày 1/10 |
Ông Lê Hòa Bình cho biết: "Để tiếp tục cho những ngày tiếp theo. Tôi xin triển khai Chỉ thị mới tiếp tục kiểm soát điều chỉnh dịch COVID-19 và từng bước khôi phục ở TPHCM. Dự kiến từ 0g ngày 1/10 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ của dịch COVID-19", ông Hòa Bình nói.
TPHCM đặt ra 3 mục tiêu về phục hồi kinh tế - xã hội
Về một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, ông Lê Hòa Bình nhắc nhở: "Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo làm sao không đứt chuỗi hoạt động, đưa sinh hoạt của người dân từng bước sang bình thường mới".
Bên cạnh đó, các địa phương phải lưu ý đảm bảo an toàn, mặc dù ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao. TPHCM đặt ra 3 mục tiêu trong Chỉ thị mới, cụ thể: Thứ nhất, tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn Thành phố, kéo giảm số lượng bệnh nhân F0 cũng như số ca tử vong đến mức thấp nhất. Ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả. Các cơ sở, đơn vị phải quan tâm đối với các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ, bên cạnh đó đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân Thành phố. Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Tỷ lệ tiêm chủng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp
Về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, ông Lê Hòa Bình cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong đó, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố, số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong giảm dần, tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% mũi 1 và trên 45% mũi 2. “Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 của Thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng. Đây là việc phải từng bước đánh giá, điều chỉnh hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Kinh tế, văn hóa, xã hội của TPHCM phải gắn với kinh tế vùng và cả nước là rất quan trọng vì tình hình dịch bệnh tại Thành phố vẫn còn phức tạp, nhất là số ca mắc mới, số F0 nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế”, ông Bình nói thêm.
Ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh, việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, tránh việc toàn địa bàn Thành phố mở ồ ạt tất cả các hoạt động ngay sau ngày 30/9: “Các địa bàn mở cửa từng bước, thận trọng, có lộ trình để đảm bảo an toàn, đặt sức khỏe của người dân lên trên”, ông Bình khẳng định.
Bên cạnh đó, trong tối 29/9, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp bàn với các địa phương để quán triệt về khu vực mà danh mục được cho phép hoạt động, mở cửa đến đâu thì phải đảm bảo an toàn cho người dân đến đó. Không để người dân ra đường số lượng lớn cùng một lúc mà các địa phương, người dân không tự ý đi lại liên tỉnh. Trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.
TPHCM sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại TPHCM nhưng thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai,… sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân về TPHCM bằng phương tiện chung. Tất cả mọi người không được chủ quan, luôn phải thực hiện quy tắc 5K trong phòng, chống dịch. Khu vực được phép mở cửa phải tính toán hợp lý, nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh, nếu không, công tác phòng, chống dịch sẽ rất khó khăn ở những lộ trình tiếp theo. “Sau ngày 30/9, Thành phố không phải cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân. Đây là nội dung gây khó khăn cho nhiều hoạt động nhưng phải thực hiện trong giai đoạn phải kiểm soát dịch bệnh”, ông Bình nói.
Các đối tượng ưu tiên được đi lại giữa các tỉnh trong vùng
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện kế hoạch cho giao thông quốc nội và đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi di chuyển, người dân cần sự cho phép của nơi đi và nơi đến. Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh) hoặc tổ chức vận chuyển người lao động về Thành phố, lưu thông liên tỉnh trong trường hợp cấp thiết. Riêng shipper vận chuyển hàng hóa tiếp tục hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công thương.
Tính đến nay, TPHCM có hơn 80.000 shipper vẫn hoạt động bình thường. Để tạo điều kiện đi lại cho người dân nội thành, sau ngày 30/9, TPHCM sẽ không còn chốt chặn như trước nhưng Công an TPHCM vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn. Ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh: "TPHCM không cấp giấy đi đường, gỡ chốt chặn nhưng vẫn tuần tra, kiểm tra, công an hoàn toàn có thể kiểm tra hạn chế việc tham gia lưu thông. Công an tùy theo từng địa bàn kiểm tra, nhắc nhở và kiểm tra lưu thông khi cần thiết. Vì vậy, nếu chưa đủ điều kiện về vắc xin ngừa COVID-19 thì chưa được tham gia lưu thông và sẽ bị nhắc nhở".
TPHCM cũng tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
Trường hợp người dân mắc bệnh, có những triệu chứng ho, sốt, khó thở,… người dân cần cấp cứu, liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115. Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM.
Phạm An