|
Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: Phùng Huy |
Tuyên truyền sâu rộng về ngày lễ trọng đại
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TPHCM - thông tin, công tác chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được TPHCM bám sát các chỉ đạo của trung ương, triển khai hiệu quả, sâu rộng. Trong đó, có các nhiệm vụ, hoạt động quan trọng như tổ chức Lễ dâng hương và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM dự kiến thực hiện lúc 8g ngày 29/4/2025 (sau thời gian lãnh đạo dâng hương tưởng niệm tại Hà Nội).
Thành phố cũng đang triển khai các công tác tổ chức hội thảo khoa học, tổ chức triển lãm chuyên đề; tích cực triển khai lấy ý kiến nhân dân để bình chọn: 50 tác phẩm tiêu biểu lĩnh vực văn học, nghệ thuật; 50 công trình xây dựng tiêu biểu; 50 nhân vật tiêu biểu; 50 sản phẩm chủ lực.
|
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TPHCM - Ảnh: Phùng Huy |
Bên cạnh đó, cuộc vận động sáng tác chủ đề “TPHCM - 50 năm tự hào bản anh hùng ca” thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia. Đến nay đã có hơn 650 tác phẩm được gửi về trên nhiều lĩnh vực về âm nhạc, điện ảnh, cải lương, kịch nói, nhiếp ảnh, hội họa, thơ, truyện ký... Hội đồng tuyển chọn của thành phố đang tích cực chọn lọc những tác phẩm có chất lượng để đầu tư dàn dựng, qua đó quảng bá, giới thiệu đến nhân dân cả nước để tạo sự lan tỏa tích cực về ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại 30/4/1975.
“Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm tàu metro Bến Thành - Suối Tiên, công trình giao thông trọng điểm mang tính biểu tượng mới của TPHCM… với sự tham gia của 200 văn nghệ sĩ, qua đó đã bổ sung thêm nhiều chất liệu sáng tác cho văn nghệ sĩ thành phố. Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ giới văn nghệ sĩ và được các cơ quan truyền thông lan toả mạnh mẽ” - bà Trần Thị Diệu Thúy cho hay.
Đến nay TPHCM đã triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp Thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, đã thực hiện 61 chương trình, công trình, dự án cấp thành phố trên 6 nhóm lĩnh vực. Ngoài ra, các ngành, các địa phương đăng ký 1.972 chương trình, công trình, dự án thi đua chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (giữa) - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì buổi làm việc - Ảnh: Phùng Huy |
Cùng với các hoạt động kỷ niệm, TPHCM cũng chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người có công, và thân nhân người có công. Bên cạnh việc tổ chức chăm lo về đời sống vật chất, thành phố đẩy mạnh các hoạt động chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ và các đài tưởng niệm, đền thờ, nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn TPHCM; phục dựng hình ảnh liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng; sửa chữa, xây dựng mới 140 nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tổ chức chương trình về nguồn cho người có công cách mạng tiêu biểu...
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã hoàn thành việc sửa chữa, xây dựng 575/500 căn nhà (đạt tỉ lệ 115%) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí thực hiện hơn 28 tỉ đồng. Từ năm 2023 đến nay, quận 1 đã tiến hành chăm lo cho các diện chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với 55.776 suất với tổng số tiền trên 66,5 tỉ đồng.
Bắn đại bác, biểu diễn máy bay
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dự kiến tổ chức sáng 30/4/2025, tại trục đường Lê Duẩn (quận 1), với khoảng 13.300 đại biểu tham dự. Thành phố đã lên kế hoạch triển khai các hoạt động lễ tân, hậu cần, an ninh trật tự, đón tiếp khách quốc tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn... Khách mời có các chính khách một số quốc gia, lãnh đạo địa phương một số nước kết nghĩa với TPHCM; các cá nhân nước ngoài tiêu biểu có đóng góp cho phong trào phản kháng chiến tranh, các cựu phóng viên chiến trường; đại diện 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM trong 50 năm qua...
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - thông tin thêm về phương án tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TPHCM. Bộ Quốc phòng sẽ chuẩn bị phần pháo lễ, gồm 18 khẩu pháo 105mm, bắn 21 phát đại bác trên nền quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng cũng chuẩn bị 13 máy bay trực thăng không quân mang cờ nước, cờ Đảng, 8 máy bay Yak-130, 7 máy bay SU-30 MK2 để biểu diễn trên bầu trời TPHCM trong buổi lễ.
Bên cạnh đó, sẽ có lễ diễu binh - diễu hành, gồm phần diễu binh của 35 khối của lực lượng vũ trang, công an do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện; phần diễu hành tiếp theo sẽ do TPHCM đảm nhiệm với số lượng 11 khối. Dự kiến tổng số lực lượng huy động cho khối diễu binh, diễu hành khoảng 13.120 người. Không chỉ diễu binh, diễu hành trong khu vực khán đài, lực lượng còn diễu binh diễu hành một số tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 để phục vụ người dân.
|
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Ảnh: Phùng Huy |
Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang nhìn nhận 50 năm là cột mốc ý nghĩa, đến nay vẫn còn rất nhiều những người từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở các lứa tuổi khác nhau, nhiều người hiện vẫn đang cống hiến trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Do đó, cần phải tổ chức thật tốt các hoạt động kỷ niệm để đáp ứng lòng mong mỏi cho những người còn sống, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc để đất nước có ngày 30/4 lịch sử. Đại tướng Phan Văn Giang cũng khẳng định, việc sử dụng máy bay biểu diễn vào dịp lễ kỷ niệm đảm bảo an toàn, tiết kiệm, bởi Bộ Quốc phòng đã từng tổ chức máy bay biểu diễn tại Điện Biên vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, TPHCM đã nhận thức và có trách nhiệm với dịp kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này, đến thời điểm này thành phố cơ bản hoàn thành các đầu việc cụ thể. “Cột mốc kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mang ý nghĩa lớn, là dịp nhìn lại một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử giữ nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ sự kiện này chúng ta nhìn nhận và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với ý nghĩa đó, mọi khâu tổ chức đều phải mang tầm vóc, tâm thế đó” - ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa đảm bảo được tính giáo dục, tuyên truyền, vừa phải mới, hấp dẫn, an toàn và đặc biệt hướng tới phục vụ người dân. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý các hoạt động cần phải trên tinh thần lan tỏa sao cho người dân được tiếp cận, thụ hưởng nhiều nhất, chẳng hạn truyền hình trực tiếp để mọi người dân có thể chứng kiến màn biểu diễn máy bay phục vụ buổi lễ. Bên cạnh đó, TPHCM cũng cần chú ý các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào toàn dân xóa nhà tạm, nhà dột nát... trong chuỗi các hoạt động chào mừng nửa thế kỷ thống nhất.
P.Thanh