TPHCM sắp ra mắt trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0

26/04/2024 - 05:46

PNO - Ngày 25/4, UBND TPHCM tổ chức hội thảo “Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TPHCM - Động lực mới cho phát triển bền vững”. Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, cùng với khu công nghệ cao, trung tâm này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho TPHCM, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Hội thảo nhằm giới thiệu về cơ cấu tổ chức, sứ mệnh, mục tiêu, các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu của C4IR tại TPHCM. Trung tâm này dự kiến được ra mắt vào tháng 9/2024 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2024 (HEF).

Nằm ở đường D1, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, C4IR tại TPHCM được thành lập nhằm triển khai sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2023-2026 và thỏa thuận được ký kết giữa lãnh đạo UBND TPHCM và WEF trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 16/1/2024. Đây sẽ là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau C4IR Malaysia (ra đời năm 2023) và là C4IR thứ 19 trên toàn thế giới.

hiến kế, đề xuất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trong và ngoài nước cho việc định hướng chiến lược và kế hoạch hoạt động của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM thành lập vào tháng 9/2024 tới đây.
Nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp... đã đưa ra đề xuất định hướng chiến lược và kế hoạch hoạt động của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM thành lập vào tháng 9/2024 tới đây.

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM - cho hay: C4IR sẽ là nơi thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, máy bay không người lái mini (drone), trí tuệ nhân tạo (AI), liên mạng internet (IoT), là nơi đề xuất chính sách, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực cho các lĩnh vực mà chính quyền TPHCM quan tâm.

Theo ông Võ Văn Hoan, chức năng quan trọng nhất của C4IR là thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ cộng đồng xã hội: “Các lĩnh vực trọng tâm mà TPHCM cần nghiên cứu là sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh, phát triển các ngành công nghiệp mới, chip bán dẫn và vi mạch điện tử. Các lĩnh vực này phải được ưu tiên hàng đầu khi thành lập trung tâm. Nếu làm tốt, các lĩnh vực này sẽ thúc đẩy kinh tế, tạo ra giá trị lớn hơn so với những gì chúng ta đang có”.

Ông cho rằng nguồn chuyên gia dồi dào ở TPHCM có thể hiến kế xây dựng các dự án cụ thể cho từng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp. Cần có cách thức phù hợp để huy động đội ngũ này, không nên làm theo kiểu hành chính. Ông yêu cầu C4IR tại TPHCM phải liên kết với các trung tâm khác của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trung tâm chuyển đổi số TPHCM, trung tâm đô thị thông minh, liên kết với các trường học, viện nghiên cứu: “Liên kết càng nhiều, càng chặt chẽ, cụ thể, càng dễ cho ra đời những sản phẩm cụ thể, đạt yêu cầu”.

Ông Đoàn Đại Phong - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viettel Solutions - cho biết, Viettel Solutions đã được cấp phép xây dựng trung tâm dữ liệu tại TPHCM. Nguồn dữ liệu này sẽ phục vụ đắc lực cho việc sản xuất thông minh, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tự động hóa. Theo ông, công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn sẽ thay đổi chuỗi cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, tới đây, Viettel Solutions sẽ thành lập các bộ phận chuyên trách lĩnh vực này. Ông đề xuất, lãnh đạo TPHCM cùng các trường đại học, viện nghiên cứu nên có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực bởi đến năm 2030, Việt Nam cần 30.000 kỹ sư liên quan đến vi mạch bán dẫn nhưng hiện chỉ có khoảng 5.000-6.000 người.

Ông Lê Minh - Giám đốc công nghệ Công ty CMC Technology and Solution TPHCM - cho rằng: để TPHCM trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo, chính quyền thành phố cần xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu siêu lớn để phục vụ cho điện toán đám mây. Ở Việt Nam, có khá nhiều hạ tầng công nghệ nhưng vẫn chưa có trung tâm dữ liệu dành riêng cho AI. Nếu làm được việc này, TPHCM sẽ trở thành trung tâm phát triển phần mềm của vùng và quốc gia, thu hút các nhà đầu tư công nghệ lớn trong nước và quốc tế, phát triển các dịch vụ công nghệ số để cung ứng cho thị trường toàn cầu. TPHCM cũng cần hình thành trung tâm điều hành thông minh để điều hành số tốt.

Về đào tạo và phát triển nhân lực, ông Lê Minh đề xuất, TPHCM cần có phân hiệu Trường đại học CMC (mô hình đại học số) để đào tạo sinh viên chất lượng cao các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, khoa học máy tính với năng lực 10.000 sinh viên/năm.

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI