Chờ đợi giờ G
Không phải ngẫu nhiên mà những đứa trẻ lẫn phụ huynh ở TPHCM đều mong chờ ngày 14/2, bởi ngày này năm nay được ví von là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 - 6 phải gần chín tháng rồi mới có thể quay trở lại trường học trực tiếp. Hệ thống giáo dục phổ thông tại TPHCM cũng mất ngần ấy thời gian mới có thể tổ chức dạy trực tiếp đầy đủ các bậc học từ mầm non đến THPT.
Em Quốc An, học sinh lớp 2/7 Trường tiểu học Bông Sao (quận 8), háo hức ngay từ lần đầu tiên được trở lại trường từ hôm 10/2. Buổi sáng, An dậy thật sớm, chuẩn bị quần áo, cặp sách để mong đến trường gặp bạn bè. Còn gia đình chị Trúc Đoan (quận Phú Nhuận) thì thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng, hai con trai đã bắt đầu trở lại trường lớp, chỉ có điều vẫn phải thu xếp đưa đón hơi vất vả vì trường chưa mở bán trú trong tuần đầu tiên. Nhưng như thế vẫn tốt hơn học online rất nhiều. Việc đi học trực tiếp sẽ giúp con có môi trường để phát triển đa dạng hơn. Còn anh Nguyễn Tú (TP.Thủ Đức) cho hay: “Sau khi họp phụ huynh xong và nhận thông báo trang bị đồ dùng học tập cho con, tôi đã ra nhà sách để mua ngay. Nhà sách nào những ngày này cũng rất đông. Hầu hết phụ huynh đều vui mừng khi con được đến trường học trực tiếp”.
|
Học sinh Trường tiểu học Bông Sao (quận 8) trong ngày trở lại trường |
Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11), việc đảm bảo đủ dụng cụ học tập cho học sinh được nhà trường quán triệt từ sớm. Ngay khi dịch giảm nhiệt, trường phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thống kê số lượng và nhu cầu từ phụ huynh học sinh để cung ứng nên 100% học sinh không thiếu dụng cụ học tập. Thực tế, bắt đầu học kỳ II, nhà trường cũng có lưu ý một số dụng cụ học tập và dụng cụ sinh hoạt cho học sinh học bán trú để phụ huynh chuẩn bị nhằm đảm bảo việc học của các con không bị ảnh hưởng do thiếu cái này cái kia sau một thời gian học trực tuyến. Phụ huynh sau khi rà soát nếu thấy con thiếu gì thì chuẩn bị thêm.
Trong ngày đón học sinh đến trường làm quen, cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ Lệ, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao, thông tin, qua kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh, có 1.989 em đi học hai buổi/ngày hoặc bán trú, còn lại 121 em tiếp tục học trực tuyến. Nhà trường cố gắng tổ chức các loại hình để phụ huynh an tâm khi cho con tới trường. Công tác phòng, chống dịch cũng được chuẩn bị kỹ càng theo hướng dẫn. Với học sinh đi học trực tiếp, giáo viên sẽ xếp chỗ ngồi phù hợp, tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có giải pháp củng cố, bồi dưỡng lại kiến thức…
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, cho biết: Ngoài các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức giao ban trực tuyến thì trong suốt một tuần trước ngày học sinh chính thức đến trường, sở phối hợp cùng ngành y tế tổ chức nhiều đoàn rà soát, kiểm tra các điều kiện phòng, chống dịch tại các trường trên toàn thành phố để đảm bảo an toàn.
Gấp rút tuyển thêm giáo viên
Một đại diện hệ thống trường mầm non Kid’s Club cho biết, việc vệ sinh, khử khuẩn trường đã được thực hiện từ sớm. Các giáo viên, nhân viên của trường đã trang trí lớp học, chỉnh trang lại khuôn viên và rà soát, bổ sung những vật dụng, đồ chơi, công trình ngoài trời bị hư hỏng trong thời gian nghỉ quá lâu.
Với quy mô 10 cơ sở, gần 1.000 trẻ, hệ thống này đang thiếu khoảng 20% giáo viên, bảo mẫu, tạp vụ, nhân viên cấp dưỡng. Trong đó, vị trí nhân viên cấp dưỡng, tạp vụ, bảo vệ gần như phải tuyển mới. Khảo sát cho thấy, ở thời điểm đi học giữa tháng 2, các cơ sở có khoảng 60 - 70% phụ huynh đồng ý cho trẻ đến trường. Nếu thời gian đến trường là đầu tháng 3, khoảng hơn 80% phụ huynh đồng ý. Với số lượng trẻ ban đầu như vậy, đội ngũ giáo viên, nhân viên hiện nay của trường vẫn đáp ứng đủ yêu cầu trong tháng 2. Để đủ giáo viên, nhân viên cho thời gian từ tháng 3 trở đi, trường đã gấp rút tuyển dụng từ trước tết. Trong những ngày qua, trường tập huấn cho toàn bộ giáo viên, nhân viên về công tác phòng, chống dịch. Để phụ huynh yên tâm, trường tổ chức một buổi trao đổi trực tuyến với bác sĩ của bệnh viện nhi…
Trong khi đó, quận Tân Bình thông tin 100% trường, nhóm lớp mầm non trên địa bàn đảm bảo các điều kiện an toàn để đón trẻ trở lại. Cả trường công lập và ngoài công lập đều đảm bảo trẻ đến trường được chăm sóc đầy đủ. Quận chưa ghi nhận thiếu giáo viên, nhân viên. Bởi trong thời gian đầu, các cơ sở giáo dục chỉ đón trẻ 3 - 5 tuổi, tương đương với khoảng 60% số lượng trẻ mầm non. Sau hai tuần đầu, Phòng GD-ĐT sẽ khảo sát số lượng trẻ đến trường và đội ngũ giáo viên để có phương án tuyển bổ sung nếu thiếu.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, cho hay, việc thiếu giáo viên, nhân viên ở các trường mầm non là có nhưng không đến mức cấp bách. Ở khối công lập, đội ngũ giáo viên, nhân viên được hỗ trợ nên gần như không “rơi rụng” sau dịch như khối ngoài công lập. Dù vậy, các trường ngoài công lập vẫn cân đối đủ người chăm sóc trẻ trong thời gian tới do số trẻ đến trường chưa đầy đủ.
Ở phạm vi rộng hơn, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TPHCM, cho hay, một số trường mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ do các cô chuyển nghề hoặc chưa trở lại thành phố sau thời gian tạm nghỉ dài. Nhưng các cơ sở giáo dục mầm non vẫn đảm bảo lực lượng chăm sóc trẻ theo quy định.
Tiêu Hà - Phúc Trần