TPHCM rất cần sự trợ lực để bứt phá

09/07/2022 - 06:15

PNO - Kinh tế TPHCM được đánh giá là đang phục hồi theo hình chữ V, tức là mức độ phục hồi ngang bằng mức độ sụt giảm.

Thời điểm này 1 năm trước, TPHCM bước vào những ngày tháng khó khăn nhất do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong nhiều tháng, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như đóng băng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III, quý IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%. Kinh tế thành phố chẳng khác nào xuống đáy chữ V. 

Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, UBND TPHCM đã thành lập các tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hoạt động như những tổ phản ứng nhanh và đã phát huy được tác dụng. 

Kinh tế TPHCM đã hồi sức nhanh chóng. GRDP sáu tháng đầu năm 2022 ước đạt 511.910 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tăng trưởng của thương mại - dịch vụ là 4,83%, công nghiệp - xây dựng là 2,23% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu, du lịch và thu hút vốn đầu tư đều tăng trưởng hai con số. Tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8%; tổng thu du lịch tăng 29,9%; thu hút đầu tư tăng 60%… Từ đáy chữ V, kinh tế thành phố đã và đang đi lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều thách thức đang chờ đợi. Đó là những diễn biến khó lường của các cuộc xung đột trên thế giới - nhất là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine - khiến lạm phát tăng, giá nguyên nhiên liệu tăng mạnh. Nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực với sự xuất hiện của những biến chủng mới của virus gây bệnh COVID-19, mối đe dọa từ dịch sốt xuất huyết, dịch đậu mùa khỉ… 

Nhiều chủ doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ, sở dĩ doanh số xuất khẩu hàng hóa của họ tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2022 là do khi tái hoạt động (cuối 2021), họ đẩy mạnh sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng bị ngưng trệ do quy định giãn cách xã hội. Giờ đây, khi đã hoàn thành những hợp đồng cũ, họ đối diện ngay với nguy cơ thiếu hợp đồng mới do nhiều nhà nhập khẩu cắt giảm đơn hàng. Nhiều thị trường nhập khẩu lớn rơi vào tình trạng lạm phát, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Doanh nghiệp chịu áp lực lớn do thiếu hụt nguyên vật liệu, vốn sản xuất, trong khi chi phí sản xuất gia tăng…

UBND TPHCM đã đề ra một số giải pháp như đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn hàng hóa thiết yếu…

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ngoài những giải pháp và nỗ lực tự thân, TP.HCM rất cần trợ lực từ cấp Trung ương, đặc biệt là trong việc thực hiện các dự án đầu tư công. 

Trong phiên giám sát chuyên đề của HĐND TPHCM khóa X về Nghị quyết 54 chiều 7/7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng việc triển khai cơ chế đặc thù chưa đạt kết quả cao. Một trong những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện không như mong đợi là do nhiều vấn đề thành phố vẫn phải hỏi ý kiến bộ ngành… 

Trên thực tế, như TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ thành hạt nhân kinh tế, đóng góp 1/3 GRDP của TPHCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước nhưng đến nay, sau một năm rưỡi, tiến độ đầu tư hạ tầng, dịch vụ công vẫn không mấy sáng sủa. Đó là do đây là “thành phố trong thành phố”, được thành lập từ ba quận nhưng lại được phân cấp hành chính chỉ tương đương cấp huyện. 

Điều đó cho thấy, TPHCM cần được giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết nhanh những điểm nghẽn về thủ tục, hành chính, nhằm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI